{keywords}

 

- Trong căn nhà sàn giữa tiết trời Tây Bắc dày đặc làn mưa, ‘vua’ Mường một thời Bùi Văn Hiển trầm ngâm nhớ lại quá khứ ‘nổi như cồn’ và hành trình hoàn lương, chuộc lại lỗi lầm.

Hé mở những 'bùa phép' kỳ bí
Tại bản Ong, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy, Hòa Bình), ông Bùi Văn Hiển (SN 1958) từng một thời nổi danh với những bùa phép kỳ bí và được dân làng suy tôn làm ‘vua’. 

Căn nhà sàn của ông ‘vua’ một thời nằm trên mỏm đồi cao, xung quanh có dòng suối nhỏ chảy róc rách. 
{keywords}
Căn nhà sàn của 'vua' Hiển nằm trên mỏm đồi cao thuộc xóm Ong, xã Lạc Sỹ
 
'Vua’ Hiển tâm sự: “Người ta gọi tôi là vua Mường, nghe thì cũng oai phong lắm, thế nhưng đó lại là quá khứ sai lầm đời trai trẻ”.

Ông Bùi Văn Hiển sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em. Ông gia nhập quân ngũ khi 19 tuổi, thuộc binh chủng quân khí, đơn vị đóng tại dốc Cun (huyện Cao Phong), đã từng làm trung đội trưởng đội tăng gia sản xuất. 
{keywords}
Ông 'vua' Mường một thời 

Theo bạn bè, ông Hiển tìm và theo học một thầy mo (thầy cúng) nổi tiếng trong vùng về các kĩ xảo đặc biệt mà người dân ở vùng cao Tây Bắc vẫn thường gọi với cái tên… ’bùa chú’. 

Khi truyền dạy, vị thầy mo không quên dặn dò "nếu lạm dụng bùa chú sẽ dễ rơi vào cảnh tù tội".

“Hồi ấy tôi học kĩ xảo ảo giác khiến trời tối sầm, kĩ thuật phi đao, đọc cân nặng của các đồ vật và làm được tiếng ếch kêu trong lồng ngực”- ông Hiển kể lại.

{keywords}
Ông Hiển bên những kỉ niệm thời trai trẻ
 
Trở về Lạc Sỹ năm 1981, ông đã thành thạo và học nằm lòng các bí kíp với mục đích lừa gạt mọi người trong xã.
 
‘Vua’ Hiển trầm ngâm: "Tôi còn nhớ như in buổi trưa hôm ấy, tôi đã gọi người dân trong xóm tập trung tại nhà một cán bộ trong xã".
“Để thuyết phục được mọi người, tôi sử dụng các kĩ xảo như làm tối sầm phòng họp. Khi người dân chưa hết ngỡ ngàng, tôi đưa một con dao lên miệng rồi thổi dao cắm vào cột nhà. Mọi người thấy kĩ xảo quá lạ lẫm và đặc biệt nên sau hôm đó suy tôn tôi làm vua Mường. Tôi có cuộc sống sung túc, được chăm sóc đặc biệt” - ông Hiển kể.
{keywords}
"Vua" Hiển từng có thời gian tham gia quân ngũ

Giữa tiếng mưa rừng rả rích, ông Hiển tự vấn bản thân và thú nhận, những kĩ xảo qua mắt dân làng hôm đó chỉ là ảo giác, thật ra trời vẫn sáng chỉ là mọi người cảm thấy tối, con dao vẫn nguyên ở vị trí cũ nhưng mọi người bị ảo giác là nó được phi ra từ miệng ông.

Nổi danh nhờ… đoán mò

Bản thân ‘vua’ Mường Bùi Văn Hiển tự nhận mình là người may mắn đến kì lạ khi vận dụng kĩ năng đoán mò mà vẫn cho ra kết quả chính xác lạ thường.

Một trong những kĩ xảo khiến tên tuổi ông vang xa là việc đọc cân nặng của các đồ vật, đặc biệt là các con vật như lợn, gà, trâu, bò.

“Hồi ấy, một lãnh đạo xã Lạc Sỹ thử tài của tôi khi yêu cầu tôi đoán cân nặng một con lợn đang chạy trong chuồng, nhìn qua một lượt, tôi đọc '51 kg', nếu sai tôi sẽ bỏ nghề. Kết quả, tôi đoán đúng”. 
{keywords}
Trầm ngâm khi nhớ lại những lỗi lầm nối tiếp thời trẻ

Ông Hiển bộc bạch, không hiểu sao đoán mò nhiều lần mà lần nào cũng đúng. Thậm chí là đoán số tiền có trong túi của một thương lái bán hàng ở chợ.

"Hôm ấy xuống chợ, tôi thấy một chiếc áo đẹp quá mà không muốn bỏ tiền mua bèn chơi trò đoán tiền trong túi. Nếu đoán đúng sẽ được chiếc áo, nếu sai sẽ đưa số tiền tương ứng trong túi. Rồi tôi đoán trong túi kia có 42 đồng 5 hào. Ông chủ cửa hàng ngậm ngùi đưa tôi chiếc áo”, ông Hiển kể.

Những chuyện kì bí xoay quanh ‘phép thuật’ của ông Hiển được truyền tai nhau khắp xa gần. Mỗi ngày ông hành nghề bói toán và tiếp khoảng 10 khách.

{keywords}
Con dao ngày xưa ông dùng kĩ xảo để lừa gạt dân làng xã Lạc Sỹ

 

“Vua” Mường sa lưới

Không chỉ dừng lại ở việc xem bói, ông Hiển cho biết, sau một giấc mơ về việc xây miếu thờ, tỉnh dậy ông đã vận động người dân cống nạp lợn, thực phẩm để xây. Sau khi ngôi miếu thứ 3 vừa hoàn thành cũng là lúc ông bị lực lượng công an vây bắt vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

“Vua” Hiển kể: "Vào một đêm tháng 8/1982 trời mưa tầm tã, khi bị công an vây bắt, tôi đã bỏ chạy và lẩn trốn vào rừng 3 ngày. Biết không thể trốn thoát nên tôi đã ra đầu thú”.

Khi bị cơ quan chức năng tạm giữ và yêu cầu ông Hiển làm lại các kĩ xảo đã lừa gạt người dân thì ông ‘vua’ Mường không thể thực hiện được. 
“Cán bộ yêu cầu tôi làm cho căn phòng tối lại giữa ban ngày; họ đem đến một chân giò lợn và yêu cầu tôi đoán cân nặng, nhưng khi ấy tôi không thể làm được” - ông Hiển nhớ lại.

Năm 1982, ông bị TAND huyện Yên Thủy tuyên 7 năm tù vì những hành động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại địa phương, đưa đi cải tạo tại Nghệ An và được mãn hạn sớm hơn 2 năm.

Mặc dù đã mãn hạn tù và về với gia đình nhiều năm, nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của ông vẫn đau đáu nỗi ân hận về những năm tháng tuổi trẻ nông nổi.
 
{keywords}
Sau hàng chục năm ra tù, người dân kể về ông 'vua' Hiển như một câu chuyện cười bên mâm cơm

 

Theo ông Hiển, thời gian phong 'vua' khoảng 8 tháng nhưng ông đã gây ra nhiều tội lỗi, lừa gạt nhiều tài sản của bà con, còn bản thân ông lại sống sung túc, đủ đầy.

“Những năm tháng về quê, thời gian đầu tôi không dám ngóc đầu lên nhìn ai cả, thế nhưng rồi tôi hiểu ra chỉ có cách sống thật tốt, tái hòa nhập cộng đồng là cách duy nhất để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra” - ông Hiển tâm sự.

Đến nay, ông Hiển ra tù đã ngót 30 năm, cuộc sống có nhiều xáo trộn khi người vợ đầu qua đời vì bệnh nặng không kịp đợi ông về đoàn tụ. Sau đó, ông đi bước nữa với một người trong vùng. Hàng ngày hai vợ chồng trồng lúa, ngô, chăn nuôi đôi ba con lợn, đàn gà khoảng chục con. Qua những năm sóng gió, họ sống một cuộc sống bình lặng trên mỏm đồi giữa núi rừng Tây Bắc.

Ông Bùi Văn Vịnh, trưởng xóm Ong (xã Lạc Sỹ, Yên Thủy) cho biết, do thời điểm trên nhận thức của bà con còn hạn chế nên bị qua mắt bởi các kĩ xảo, chứ thực tế không có bùa phép nào cả. Chuyện về ‘vua’ Mường bây giờ chỉ đem ra kể làm chuyện cười mà thôi.

Đoàn Bổng