Ta đã về với Bạch Đằng Giang, dòng sông cổ lẫy lừng một thời trận mạc. Ức Trai từ mấy trăm năm trước từng thốt lên: “Nước ta khống chế kẻ Bắc, sông này là cổ họng”.
Những con sóng Bạch Đằng vẫn miệt mài chảy từ thiên cổ. Vẫn âm âm vang vọng hào khí cha ông.
726 năm đã trôi qua kể từ buổi quân dân nhà Trần đánh một trận sạch không kình ngạc, chôn vùi sức mạnh hùn beo của giặc Nguyên Mông trên khúc sông này. Ở đâu “Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu, sông chìm giáo gẫy, gò đầy xương khô” và ở đâu “Ngạc chặt kình băm non lởm chởm; Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng” như Trương Hán Siêu và sau này Nguyễn Trãi từng cảm thán.
Còn đâu những cánh rừng đại ngàn bên bờ sông, nơi cung cấp những bãi cọc Bạch Đằng nổi tiếng?
Tất cả đã trôi dần về phía xa xăm.
Ngày nay tiếng tăm lừng lẫy của Bạch Đằng Giang dường như đã làm người ta sao nhãng về một địa danh khác, vốn gắn với dòng sông huyền thoại này như hình với bóng, đó là Làng Rừng.
Thời Trần, Làng Rừng còn có tên gọi khác là trại An Hưng. Thưở ấy, Làng Rừng còn nhỏ bé nằm dưới chân núi Tiên Sơn. Đến thời Lê do phải tránh húy của Vua Lê Anh Tông nên trại An Hưng đổi thành xã Yên Hưng trùng tên gọi với huyện Yên Hưng thời đó. Chỉ riêng việc tên làng trung tên huyện lỵ cũng đủ nói lên vị trí trung tâm trọng yếu của ngôi làng cổ này. Mãi tới năm 1959 xã Yên Hưng mới đổi thành xã Yên Giang, và bây giờ là Phường Yên Giang thuộc thị xã Quảng Yên.
Đối với làng Yên Giang hôm nay có thể du khách sẽ không còn được nghe về hai tiếng Làng Rừng. Nhưng ký ức ngàn đời về ngôi làng xưa vẫn luôn thường trực trong mỗi người dân. Bất kể người nào cũng có thể chỉ cho ta đây Xóm Bến, nơi dòng sông Bạch Đằng xưa từng loang sông tới nơi này, mà bằng chứng là Miếu Vua Bà và cây thị nghìn năm tuổi vẫn còn hiện hữu nơi bến sông xưa mà lịch sử từng ghi nhận. Thời Trần, sóng nước Bạch ĐỪNG Giang vẫn còn cuồn cuộn chảy cạnh ngôi miếu này, nơi bà hàng nước từng mách cho Hưng Đạo Đại Vương lịch con nước triều và địa thế lòng sông để quân dân nhà Trần lập nên một trong những chiến công kỳ vĩ nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc trên sông Bạch Đằng.
Đến đây, một câu hỏi đặt ra: vì sao có ngôi miếu vua Bà thứ 2 ở bến Bạch Đằng hiện nay? Câu trả lời là: Vào thời Trần, nơi hiện nay có Đền Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà dựng gần nhau vốn là một đượng đất nhô lên giữa sông Bạch Đằng, gọi là đượng Gàn Xương. Thời Nguyễn Gia Long người Làng Rừng quai đế lấn sông, mở rộng ruộng đồng, làng mạc nên đượng Gàn Xương trở thành đất liền như ngày nay. Sau này Đền Trần và Miếu Vua Bà được xây dựng lại tại vị trí này để các thánh thần được gần sông nước hơn.
Cứ thế mỗi bước ta đi trên đất Làng Rừng lại ăm ắp hiện lên bao dấu xưa tích cũ. Đây Bến Rừng và âm vang câu chuyện Vua Bà. Đây Chợ Rừng nơi một thời còn trên bến dưới thuyền và đây nữa Giếng Rừng và hai cây lim cổ thụ – những hậu duệ cuối cùng của Làng Rừng xưa, đã góp bao gỗ quý làm nên một trận Bạch Đằng lưu danh muôn thuở.
Thời gian như những con sóng Bạch Đằng trôi qua hơn 700 năm và Làng Rừng xưa nay đã là phố phường đô thị; chỉ những địa danh trường tồn gắn với tên rừng còn giữ lại cho ta hơi ấm của tiền nhân.
Thật không công bằng khi nhắc tới sự nổi tiếng của cuộc chiến huy hoàng trên sông Bạch Đằng và những bãi cọc huyền thoại lại ít ai nhắc tới Làng Rừng, bởi suy cho cùng cọc Bạch Đằng chính là con đẻ của Làng Rừng và giờ đây những bãi cọc đã trở thành điều bí ẩn say mê nhất cho những ai tìm đến với Làng Rừng.
Hơn 7 thế kỷ giấu mình trong mịt mùng lòng đất, những bãi cọc đã bất ngờ lộ diện như chứng nhân của lịch sử xa xăm, kể ta nghe về chiến tích của cha ông, kể ta nghe về câu chuyện của Làng Rừng, về những tiền nhân của trại An Hưng, đã cùng vua tôi nhà Trần đánh giặc trên dòng sông của mảnh đất quê mình.
Vâng, người Làng Rừng là thế, khi giặc giã xâm lăng họ là những chiến binh, buổi yên bình họ là những nông dân lành hiền cày cuốc, quăng lưới tung chài bám biển vươn khơi. Đất đai Làng Rừng chở che, lưu giữ những bãi cọc Bạch Đằng, những dấu tích một thời đánh giặc, và cứ thế bền bỉ, âm thầm gửi lại đến mai sau.
Ngày nay đi trên những dãy phố, đường làng xinh đẹp của Làng Rừng, mấy ai nhận ra nếp sống văn hóa tinh thần của người Làng Rừng xưa vẫn được giữ gìn và trao thuyền qua bao thế hệ. Nếu người Làng Rừng xưa có cuộc sống đam mê, gần gũi với thiên nhiên hoang sơ, với cỏ cây sông suối và tiếng chim hót trong rừng thì ngày nay tình yêu ấy vẫn bừng cháy trong đam mê của lớp hậu sinh bao thế hệ. Điều đó lý giải vì sao ở bất kỳ ngõ ngách nào của đô thị Quảng Yên hôm nay ta đều bắt gặp những vườn lan như thế này. Những giàn phong lan và những chậu địa lan dù lúc này chưa vào kịp trổ hoa, nhưng dấu ấn của sự cầu kỳ, chăm chút từ chủ nhân thì ai cũng rõ.
Tất cả như mạch nguồn, tiếp nối truyền thống của tiền nhân. Nói đến chim cảnh của Quảng Yên, người ta không thể không nhắc tới loài chim sơn ca, bởi sự nổi tiếng của nó đẵ lan truyền khắp cả nước và còn bởi sự nuôi dạy tài hoa của các hậu duệ người Làng Rừng vùng đất này.
Người Làng Rừng từ cổ chí kim họ đâu phải những “người rừng” theo cách nghĩ thông thường. Chiến tranh họ đã từng là các chiến binh và thời bình họ thành những nghệ sỹ, những nghệ nhân. Đất thiêng sinh những người tài là thế. Đất và người Làng rừng cứ như một pho sách cổ, đọc mãi vẫn miên man trong những bí ẩn truyền kỳ.