icon icon

Trung Quốc

Lồng đèn rực rỡ được treo khắp nơi ở Trung Quốc dịp lễ Trung thu. Ảnh: Time

Truyền thuyết về Chang'e (Hằng Nga) trên Mặt trăng từ lâu đã gắn liền với lễ hội Trung thu ở Trung Quốc.

Thần thoại kể rằng vào thời cổ đại, Trái đất có 10 mặt trời thiêu đốt thế giới. Một cung thủ nổi tiếng tên là Hou Yi (Hậu Nghệ) đã rút cung và bắn chín mặt trời xuống, cứu nhân loại. Vì hành động anh hùng của mình, các vị thần đã ban cho Hou Yi một viên thuốc trường sinh bất tử, sau được anh giao cho vợ mình là Chang'e để cất giữ. Tuy nhiên, một trong những môn đồ của Hou Yi, Peng Meng, đã cố gắng ăn cắp viên thuốc khi sư phụ đang đi săn. Vì vậy, Chang'e đã ​​nuốt nó để ngăn viên thuốc rơi vào tay Peng Meng. Cô trở nên bất tử và bay lên Mặt trăng. Ngoài Chang'e, Mặt trăng còn có một "cư dân" khác là: Thỏ Ngọc.

Theo truyền thống Trung Quốc, trăng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình, vì vậy Trung thu là một dịp đoàn viên khác trong năm. Các thành viên trong gia đình cùng tề tựu ngắm trăng và ăn bánh trung thu. Bánh trung thu truyền thống của Trung Quốc có nhiều loại nhân, từ lòng đỏ trứng muối truyền thống và nhân sen đến các phiên bản hiện đại với nhân kem, trái cây và sữa trứng.

Các món ăn khác cũng thường được ăn trong dịp này là khoai môn (vì cách đọc của khoai môn trong nhiều phương ngữ Trung Quốc là từ đồng âm với "may mắn sẽ đến") và cua lông, một món ngon theo mùa.

Đèn lồng cũng là một biểu tượng khác trong Tết Trung thu ở Trung Quốc. Ngày nay, những chiếc đèn lồng bằng giấy thắp sáng bằng nến dần ít đi thay vào đó những chiếc đèn bằng pin được nhiều trẻ em ưa chuộng.

Một số vùng ở Trung Quốc lại có phong tục Tết Trung thu riêng. Ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, điểm ngắm thủy triều của sông Tiền Đường thu hút rất nhiều du khách. Ở tỉnh Hồ Nam, phụ nữ dân tộc Dong có phong tục ăn trộm rau - vì theo truyền thuyết, nữ thần Mặt trăng sẽ tắm “sương ngọt” trên lá rau nên ai ăn chúng sẽ được khỏe mạnh và hạnh phúc.

Hàn Quốc

Làm bánh gạo truyền thống là hoạt động phổ biến trong dịp lễ Chuseok ở Hàn Quốc. Ảnh: KoreanHerald

Tết Trung thu được người Hàn Quốc gọi là lễ Chuseok hay Hangawi. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất của xứ kim chi, cùng với Seollal, hay Tết Nguyên đán.

Nhiều người trở về quê hương để đoàn tụ với đại gia đình và tổ chức các lễ tưởng niệm, được gọi là charye, cho tổ tiên của họ. Năm nay, lễ Chuseok diễn ra từ ngày 9 đến ngày 12/9.

Trong dịp này, người Hàn Quốc ăn songpyeon, một loại bánh gạo hình nửa mặt trăng với nhân nửa ngọt, cũng như các loại trái cây, rau quả theo mùa như quả hồng và hạt dẻ. Họ cũng tổ chức một loạt các trò giải trí bao gồm ganggangsullae, một điệu nhảy vòng tròn truyền thống. Và tất nhiên. Vào ban đêm, mọi người ra ngoài để ngắm trăng tròn, nơi họ tìm kiếm thỏ Mặt trăng, hay còn gọi là daltokki.

Nhật Bản

Lễ Tsukimi đầy sôi động ở Nhật Bản. Ảnh: KyotoToday

Tết Trung thu ở Nhật Bản là Tsukimi, có nghĩa là "nhìn lên mặt trăng." Giống như người Hàn Quốc, người Nhật cũng cố gắng tìm ra thỏ Mặt trăng, được gọi là tsuki no usagi, khi con vật này thực hiện nhiệm vụ lễ hội là làm bánh gạo được gọi là mochi.

Lễ Tsukimi ở Nhật Bản được cho là có từ thời Nara (710-794). Vào thời đại Heian sau đó (794-1185), Tsukimi rất phổ biến trong giới quý tộc. Tiệc ngắm trăng, thường được tổ chức trên thuyền, để thưởng rượu, nghe nhạc và sáng tác thơ. Đến thời kỳ Edo (1603-1868), lễ hội này dần phổ biến trong công chúng.

Theo truyền thống, trước lễ Tsukimi, người dân thường trang trí ngôi nhà bằng cỏ pampas, để tượng trưng cho một vụ thu hoạch bội thu. Đồ ăn nhẹ trong lễ hội bao gồm tsukimi-dango, một loại bánh bao gạo tròn tượng trưng cho sức khỏe và hạnh phúc cũng như các món theo mùa như hạt dẻ và bí ngô. Trứng cũng thường được ăn trong dịp này vì màu trắng hình bầu dục của trứng tượng trưng cho trăng tròn. 

Việt Nam

Tết Trung thu ở Việt Nam còn được gọi  là Tết Thiếu nhi. Ảnh: Klook

Một câu chuyện phổ biến thường được kể trong dịp Tết Trung thu ở Việt Nam là về Chú Cuội. Người ta nói rằng có thể nhìn thấy Cuội dưới gốc cây đa vào ngày trăng tròn tháng 8. Trong lễ hội, những đứa trẻ cầm đèn lồng — được cho là để dẫn lối giúp Cuội trở về mặt đất rồi tràn ra đường và xem múa lân.

Trong Tết Trung thu, các gia đình cũng sửa soạn mâm quả tượng trưng cho lòng hiếu thảo đặt trước bàn thờ tổ tiên. Bánh trung thu ở Việt Nam có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo với muôn vàn các vị nhân mặn, ngọt khác nhau.

Singapore

Khu phố Tàu ở Singapore được trang hoàng rực rỡ dịp Trung thu. Ảnh: VisitSingapore

Khoảng 3/4 người Singapore là người gốc Hoa, vì vậy nhiều phong tục và truyền thống Tết Trung thu từ Trung Quốc cũng diễn ra ở Singapore.

Trước đây, dịp lễ này thường được tổ chức tập trung ở Khu Phố Tàu, với những chiếc đèn lồng hình con cá và ngôi sao vàng được treo ở Phố Temple và Phố Smith. Các tiệm bánh truyền thống dịp này cũng bán nhiều loại bánh trung thu.

Ngày này, người dân Singapore tổ chức Tết Trung thu với những màn trình diễn đèn lồng lộng lẫy trên toàn thành phố. Lễ kỷ niệm Chinatown cũng được tổ chức ở quy mô lớn hơn. Khu vực này biến thành một khu chợ sầm uất, với các quầy hàng bán đồ trang trí và đồ ăn nhẹ. Ngoài ra còn có các cuộc thi vẽ đèn lồng và biểu diễn trực tiếp.

Ngắm trăng vẫn là một phần quan trọng của lễ hội và bãi biển là một địa điểm lý tưởng cho hoạt động này ở Singapore.

Đỗ An

Xem các bài viết của tác giả