Đang sốt ruột chờ tin nhắn trả lời từ người thân, anh Ngọc bực tức khi tin nhắn đến dồn dập, nhưng toàn tin "rác".  Anh Ngọc cho biết, hằng ngày anh phải nhận không dưới 10 tin "rác". Thậm chí, có tin "rác" còn gửi đến giữa đêm khuya, làm xáo trộn sinh hoạt: Thường buổi tối đêm hôm có tin nhắn đến, tôi cảm thấy rất phiền nhiễu như có tin nhắn đến tưởng của bạn bè nhưng mở ra lại là tin nhắn rác, có khi mở ra lại mất tiền.

Tình trạng tin nhắn "rác" đang có chiều hướng gia tăng. Nội dung tin "rác" cũng đa dạng và phong phú hơn, từ tin nhắn mời chào bói toán, lô đề, quảng cáo, thậm chí, có những tin nhắn có nội dung lừa đảo như thông báo trúng thưởng.

Đa số người dân đều chia sẻ: "Tin nhắn rác phiền toái, mất thời gian, đêm hôm mất giấc ngủ", "Tôi rất ít khi đọc tin nhắn rắc. Tôi thường phải xóa luôn", "Có những tin nhắn được gửi đến mang nội dung lừa đảo. Nếu mình không tinh ý mà nhắn lại thì có thể bị trừ tiền."

Điều đáng nói là những tin nhắn lại được gửi từ các đầu số dịch vụ của các nhà mạng, nên nhiều người dùng không chút nghi ngờ đã nhanh chóng làm theo yêu cầu. Chỉ sau khi không nhận được thông tin phản hồi mà tiền trong tài khoản vẫn bị trừ, các thuê bao mới biết mình đã bị lừa đảo.

Thiếu tá Nguyễn Huy Lục, Phó trưởng phòng 3, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết: Chúng ta thấy nội dung mà các đối tượng gửi đến cho người sử dụng đều mang tính lừa đảo nhưng nó lại gợi sự tò mò cho người sử dụng, hay dùng những câu chữ, lời văn tạo niềm tin cho người sử dụng điện thoại. Vì vậy, khi nhận được tin nhắn có nội dung như tôi vừa nói hoặc tin nhắn từ số lạ thì không nên nhắn lại theo cú pháp mà nó hướng dẫn để tránh tình trạng bị mất tiền.

Thống kê sơ bộ của lực lượng cảnh sát PCTP công nghệ cao, hiện có khoảng trên 300 doanh nghiệp đang sử dụng hình thức phát tán tin nhắn, mời gọi khách hàng tải nội dung để kinh doanh. Trong số này, có không ít công ty lừa đảo.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao các công ty này có thể dễ dàng sử dụng các đầu số dịch vụ do các nhà mạng quản lý để sử dụng vào việc lừa đảo?

Thiếu tá Nguyễn Huy Lục cũng cho biết thêm: Phương thức thủ đoạn thì chúng thường thuê đối tượng khác đứng ra hoạt động và trực tiếp ký hợp đồng với các nhà mạng thuê các đầu số để hoạt động phát tán tin nhắn, rồi có những nhóm sẽ trực tiếp soạn thảo nội dung tin nhắn lừa đảo và tất cả những nội dung này đều có dấu hiệu lừa đảo và khi khách hàng nhắn tin lại sẽ bị trừ tiền trong tài khoản.

Với quy định hiện nay, các đầu số cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí là do các nhà mạng tự quy hoạch và cấp cho các công ty dịch vụ nội dung mà không cần báo cáo với Bộ TT-TT. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, Bộ TT-TT muốn thu hồi các đầu số cũng đành “bó tay”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung có thể dễ dàng thuê cùng lúc nhiều đầu số, nếu bị phát hiện sai phạm, chặn đầu số dịch vụ này họ có thể dễ dàng chuyển đổi sang dùng đầu số khác và tiếp tục hành vi lừa đảo.


Theo ANTV