Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng. Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc" là "nóc nhà của Đông Dương", thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước sinh sống.

Cùng được hưởng luồng gió đổi mới, cũng như nhiều tỉnh thành khách, Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.

Tuy nhiên vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp; giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.

Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Tây Nguyên.

Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên được thành lập theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Chủ tịch. Hội đồng Điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính nhủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. 

Sáng 20/9, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất.

Báo cáo về một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2023 để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cần ưu tiên thực hiện sớm gồm: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; các chính sách về phát triển kinh tế rừng, giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân; công tác quản lý và bảo vệ môi trường; các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực...

Trong số các nhiệm vụ cần triển khai, nhiệm vụ đầu tiên là nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông. Đồng thời, ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; nghiên cứu đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa); mở rộng, nâng cấp các cảng Hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên đề xuất nhiều ý kiến về các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Hầu hết các địa phương đều đề xuất có cơ chế sớm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông (về đường bộ, hàng không) tạo sự liên kết vùng chặt chẽ giữa các tỉnh, hình thành một mạng lưới giao thông, hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế, nhất là du lịch xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Quốc lộ 27 nối Lâm Đồng với Đắk Lắk và Ninh Thuận xuống cấp trầm trọng dù chỉ vài chục km suốt nhiều năm nay nhưng do vướng cơ chế nên vẫn chưa được khắc phục. Thực trạng này gây nhiều khó khăn, bức xúc cho người dân khi lưu thông qua tuyến đường huyết mạch này. Địa phương mong muốn được gỡ khó về cơ chế, chính sách để tự đầu tư kinh phí sửa chữa trong khi chờ đợi vốn từ Bộ Giao thông Vận tải.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định, Hội nghị như là sự khởi đầu để Hội đồng Điều phối vùng cùng xây dựng cơ chế riêng để phát triển toàn vùng. Trong đó, trước mắt sẽ ưu tiên cho ba nhiệm vụ chính gồm hoàn thiện, kết nối hạ tầng giao thông cho toàn vùng, tiếp đó liên kết với các vùng, địa phương lân cận. Các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng cơ chế để phối hợp trong việc thực hiện thu hút, xúc tiến đầu tư với nguyên tắc vì sự lợi ích chung của toàn vùng. Nhiệm vụ quan trọng không kém chính là chiến lược phát triển nông nghiệp theo chuỗi, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy sản xuất để tận dụng lợi thế của khu vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế, hành lang pháp lý đã có đủ và 3 nhiệm vụ chính trên sẽ sớm được triển khai, sau đó sẽ đẩy mạnh thực hiện trong 2 năm tiếp theo để kịp thời hạn đề ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt và lưu ý một số vấn đề về biến đổi khí hậu, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên.

Ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để triển khai Nghị quyết này, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết.

Nghị quyết đặt mục tiêu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%.

Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0 - 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục Mầm non khoảng 60%; Tiểu học khoảng 65%, Trung học cơ sở khoảng 75% và Trung học phổ thông khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sỹ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.

Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ, phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá; Phát triển văn hóa, xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng như Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23, tổ chức cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng Tây Nguyên, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù.

Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm; Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%.

Để thực hiện Nghị quyết số 23, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23; phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hoá - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; đảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Để Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 15/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên đến năm 2030: là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hoá được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.

Tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hoá được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra. 

Thúy Ngân, Như Sỹ, Xuân Quý, Văn Giáp và nhóm PV, BTV