Cho đến bây giờ những người dân bản địa cũng không thể nhớ nổi chính xác hàng cây ngân hạnh được trồng đầu tiên vào khi nào nhưng người ta vẫn truyền tai nhau về sức sống bền bỉ của loài cây nhỏ bé ấy.

Vào năm 1945, trong vụ nổ bom nguyên tử tại thành phố Hirosima, tất cả mọi thứ đều đổ nát nhưng 4 cây ngân hạnh cách đó không xa vẫn đứng sừng sững. Kể từ đó trở đi, người dân Nhật coi ngân hạnh là loài cây thiêng, biểu tượng cho sự bền vững và trường tồn.

Nếu lá phong đỏ ở Nhật gợi đến một sắc màu phương đông rực rỡ, thì những hàng cây Ginkgo đem đến cảm giác lãng mạn theo kiểu phương Tây giữa lòng xứ Phù Tang. Hình ảnh những người dân Nhật Bản nhặt những cánh lá vàng rơi có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi tại Tokyo khi mùa thu về. Những chiếc ghế tựa làm bằng gỗ thanh mảnh, dịu dàng đặt dưới những hàng cây đem đến cảm giác bình yên đến khó tin.
 
Ngân hạnh thay áo vàng rực rỡ trong khoảng từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 tùy theo thời tiết mỗi năm.

Tại Tokyo, Icho Namiki, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc hơn là đại lộ Ngân Hạnh, nằm trong công viên Meiji Jingu Gaien là điêm quen thuộc và nổi tiếng nhất để thả mình trong những tán lá vàng rơi. Khoảng 150 cây ngân hạnh được trồng thành hàng lối thẳng tăm tắp là điểm thu hút rất nhiều du khách. Tuy nhiên, nếu muốn có một không gian rộng và ít đông đúc hơn, thì công viên Showa Kinen ở Tachikawa, nằm ở phía tây Tokyo là địa điểm lý tưởng. Ngoài ra, sân trường của đại học Tokyo cũng là nơi trồng rất nhiều những hàng cay ngân hạnh.

Với sắc vàng óng ả, rực rỡ của mình, với những chiếc lá hình rẻ quạt độc đáo riêng có, ngân hạnh đã làm nên một sắc thu rất riêng của Nhật Bản, quyến rũ và mê hoặc không kém khi nơi đây bước vào mùa hoa anh đào nở.

Quỳnh Như (Clip: Hani Masaki)