Trong cuộc tiếp xúc báo chí bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Israel diễn ra sáng 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat kể: Vài năm trước, trở về nhà sau chuyến du lịch Việt Nam, con gái ông hào hứng nói: "Bố nhất định phải đến thăm đất nước này, cảnh sắc và con người nơi đây rất tuyệt". Và, ông Nir Barkat đã nhận ra điều này, ngay khi đặt chân đến Việt Nam.

Ông Nir Barkat cho rằng, lịch sử phát triển của Việt Nam và Israel cho thấy, cả hai nước đều hướng tới hoà bình và chung một mong muốn hợp tác toàn cầu với nhiều vùng, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

"Chỉ 3 tháng sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam và Israel đã ký kết FTA. Có thể khẳng định, đây là FTA được đàm phán và ký kết có tốc độ nhanh nhất mà tôi từng chứng kiến. Điều đặc biệt quan trọng là hiệp định này được ký kết đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao", ông Nir Barkat đánh giá.

Đối với quốc gia Trung Đông, Việt Nam là một mảnh đất đầy tiềm năng. Không chỉ với tốc độ tăng trưởng nhanh ấn tượng, đất nước này còn là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận những thị trường trong ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu “bản đồ” 16 FTA với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Bộ trưởng Nir Barkat thông tin rằng, hiện Israel tập trung vào 7 nhóm ngành có thế mạnh để đầu tư. Cụ thể như: công nghệ cao, an ninh nội địa, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất, y tế và các lĩnh vực đời sống, công nghệ về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch ứng dụng công nghệ cao.

Với lợi thế trong phát triển đổi mới sáng tạo, ông Nir Barkat cho rằng, thời gian tới, Israel có thể cung cấp công nghệ để Việt Nam thực hiện các hoạt động như marketing, bán hàng. Điều này sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi khi tùy chỉnh theo nhu cầu của các bên, đồng thời, tương thích với các thị trường trong khu vực.

Ông khẳng định: “Chiến lược mà chính phủ Israel đang đặt ra chính là tập trung vào vị thế của Việt Nam, từ đó, đem lại lợi ích về kinh tế. Ngoài ra, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel muốn chia sẻ với Bộ Công thương về việc thành lập quỹ hợp tác, sử dụng ngân sách chính phủ hai bên để hỗ trợ doanh nghiệp. Israel đã có các quỹ hợp tác tương tự với Canada, Mỹ".

VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ-đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

 Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat (giữa) trong cuộc tiếp xúc báo chí bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Israel diễn ra sáng 16/8.
 

Đàm phán VIFTA khởi động năm 2015 nhưng những văn bản tham mưu chính sách đã được khởi thảo từ năm 2011. 

Và, ngày 2/4/2023, sau 7 năm, với 12 phiên đàm phán, tại Tel Aviv, Việt Nam và Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA giữa hai nước.

VIFTA là một hiệp định thương mại tự do mang tính chất truyền thống. Theo đó, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận rất đáng khích lệ về thương mại hàng hóa.

Cụ thể, theo cam kết, Israel sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với tổng cộng hơn 90% số dòng thuế, trong đó xóa khoảng trên 65% số dòng thuế cam kết ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và khoảng trên dưới 25% số dòng thuế khác theo lộ trình từ 3 đến 10 năm.

Israel đã cam kết dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất 0% trong hạn ngạch đối với một số mặt hàng bao gồm trứng, thịt, khoai tây, cà rốt, nấm, mật ong, cá ngừ và các mặt hàng khác.

Song để có thể khai thác được triệt để hay tối ưu hóa lợi ích của VIFTA, trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu sơ bộ tổng thể về kinh tế - xã hội và thói quen tiêu dùng của người dân Israel.

Lâu nay, chúng ta biết đến Israel là một đất nước có tinh thần khởi nghiệp - tinh thần doanh nhân rất mạnh mẽ, người lao động Israel rất sáng tạo, được đào tạo rất bài bản và lực lượng lao động rất đa dạng bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau, định hướng giới tính khác nhau, địa vị kinh tế - xã hội khác nhau và tôn giáo khác nhau.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao của Israel bùng nổ, với khoảng 50 tỷ USD đã được rót vào lĩnh vực này, làm cho thu nhập bình quân đầu người của Israel năm 2023 dự kiến sẽ đạt mức 58.000 USD, đứng thứ 14 trên thế giới. Israel có khoảng hơn 200.000 triệu phú đô la Mỹ, chiếm 0,3% tổng số triệu phú đô la Mỹ trên thế giới.

Với sự bùng nổ về công nghệ, hầu hết lực lượng lao động bị hút vào ngành công nghệ cao gây ra thiếu hụt lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế tạo.

Từ đó, thị trường Israel thiếu hụt sản phẩm tiêu dùng trong khi thu nhập cá nhân tăng cao khiến cho giá cả hàng hóa tăng phi mã, đời sống người dân thường gặp nhiều khó khăn vì phải vật lộn với bão giá trong những năm gần đây.

Để bình ổn thị trường và bảo đảm trật tự an toàn và an sinh xã hội, Israel phải đẩy nhanh mở cửa thị trường để đa dạng hóa nguồn cung nhằm kiềm chế đà tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, Israel đã ký các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) và UAE (có hiệu lực từ 1/4/2023) và ngày 2/4 vừa qua đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) đánh dấu kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam.

Cho đến trước dịch Covid-19, Israel đã ký FTA với Mỹ, Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Jordan, Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Mercosur, Colombia, Panama, Ukraine và Vương quốc Anh. Israel cũng đang tiếp tục đàm phán FTA với Australia, Bahrain, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên minh kinh tế Á - Âu.

Có thể thấy, mạng lưới FTA của Israel khá rộng, chứng tỏ thị trường có sức hút lớn và lợi ích của FTA mang lại cho Israel và các đối tác của Israel là hiện hữu. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để khai thác tốt nhất những lợi ích mà VIFTA mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các hiệp hội ngành hàng cần đi đầu trong nghiên cứu và tổ chức xúc tiến, chủ động trực tiếp nắm bắt thông tin thị trường, học hỏi cách thức làm thương mại của các doanh nghiệp Israel để nhanh chóng thâm nhập vào thị trường của gần 7 triệu người Do Thái, gần 7 triệu người Arab Israel, Arab Palestine cũng như 1 triệu người tiêu dùng còn lại bao gồm người công giáo, người nhập cư từ châu Á, Âu, châu Phi và những người lao động các nước được phái cử đến Israel theo các Hiệp định hợp tác lao động mà Israel ký với các nước cũng như khoảng 5 triệu khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến Israel tham quan, hành hương hàng năm.

Xuất phát từ thực tiễn thói quen tiêu dùng của người dân Israel là sẵn sàng đón nhận thành phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng gói bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm rõ các quy định của Israel về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật về nhãn mác và đóng gói. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ hoàn thiện hơn các qui trình sản xuất kinh doanh và ngày càng lớn mạnh về qui mô cũng như thương hiệu.

Kể từ tháng 9/2022, Israel đã “hạ chuẩn” bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn EU về an toàn thực phẩm, loại bỏ hầu hết các qui định tiêu chuẩn riêng của Israel vốn khắt khe hơn tiêu chuẩn EU đối với hàng hóa tiêu dùng.

Trong khi đó, từ năm 2020, hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối theo hiệu lực của FTA EVFTA, vì vậy, hàng hóa của đất nước hình chữ S đã vào EU sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel, khi VIFTA có hiệu lực.

Trần Huệ, Thanh Nga, Ngọc Ánh, Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV