Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng với 5 triệu người, 47 dân tộc anh em cùng cư trú. Trên tổng số 7.800 thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng thì đã có tới 2.800 thôn, buôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đi suốt Tây Nguyên, từ triền núi Ngok Linh phía bắc đến thung lũng sông Đồng Nai phía nam, đâu đâu cũng gặp những buôn làng. Trong những buôn làng đó, hình ảnh già làng vẫn luôn hiện hữu như những trụ cột, những biểu tượng văn hóa.
Luật tục Cơ Ho có câu: "Một sợi tóc trên đầu tôi cũng đi tìm… Mất cán rìu tôi cũng đi tìm/ Mất cán cuốc tôi cũng đi tìm/ Không thấy trâu lần theo dấu vết…", là nói về tinh thần trách nhiệm của già làng trong công việc quản lý buôn làng. Trong các cuộc đối ngoại, già làng cất lên tiếng nói thể hiện thông điệp của làng với các cộng đồng bên ngoài.
Trong suốt lịch sử lâu dài, xã hội Tây Nguyên đã được quản lý, điều hành hiệu quả và phát triển bền vững trải qua bao nhiêu thách thức lớn nhỏ bằng một cơ chế điều hành truyền thống độc đáo, xem ra là “thông minh” nhất trong điều kiện đặc trưng về nhiều mặt của vùng đất đai, núi rừng và con người miền thượng.
Ngày xưa, các dân tộc bản địa Tây Nguyên sống theo hình thức cộng đồng khép kín, đơn vị cơ bản cao nhất trong xã hội cổ truyền còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay là làng. Làng là một chỉnh thể. Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng cao, thì đó là tính cộng đồng làng, thậm chí "tính làng" còn sâu đậm hơn cả ý thức tộc người. Làng được điều hành bằng già làng và hội đồng già làng - họ là những người có uy tín, có tri thức toàn diện nhất, uyên bác nhất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất trong đời sống giữa một thiên nhiên vừa bao dung vừa khắc nghiệt, giữa một xã hội vừa hài hòa vừa gay gắt. Già làng lại là những người có đức độ cao, những bậc hiền triết của làng.
Hội đồng già làng điều hành mọi hoạt động của làng bằng một "hệ thống luật pháp" cổ truyền đặc biệt: luật tục. Cho đến nay, luật tục Tây Nguyên vẫn tồn tại song hành cùng luật pháp và những mặt tích cực vẫn được phát huy trong quản lý xã hội. Già làng chính là người nắm trong tay cán cân quyền năng đó, và luật tục đã tạo nên quyền lực của già làng. Ðiều đặc biệt, quyền uy của già làng không mang tính cường quyền mà nó được cộng đồng chọn trao bởi sự tôn kính.
Nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên Ðặng Trọng Hộ cho rằng: "Quyền lực của già làng là một mô hình quyền lực dân chủ sơ khai do cộng đồng tôn vinh. Dân làng dựa theo luật tục và thực tế buôn làng mà bình xét và trao quyền cho người được cho là hiền minh, thông thái nhất làm người đại diện của họ".
Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.702 già làng (trong đó, tỉnh Lâm Đồng 672, Đắk Nông 128, Đắk Lắk 556, Gia Lai 1.228 và Kon Tum 1.118). Họ là những người cao tuổi, sinh ra, lớn lên và gắn bó lâu năm với bà con trong buôn, làng; là những người có uy tín, thấu hiểu tục lệ địa phương, có kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống. Họ được mọi người trong buôn, làng tín nhiệm.
Các già làng toàn khu vực Tây Nguyên là nhân tố tích cực, là nòng cốt trong các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới. Nhiều già làng tuổi cao vẫn nhiệt tình vận động xây dựng phong trào, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại buôn làng.
Hơn 12 năm làm trưởng buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bà Hwaih Hmok thường xuyên cùng với chính quyền vận động nhân chung sức xây dựng quê hương. Ea Bar là xã trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên công tác phát động quần chúng luôn được bà tham gia thường xuyên.
Những năm qua, nhờ sự tích cực vận động của các già làng, người có uy tín, các chức sắc trong buôn làng tại Đắk Lắk, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhiều buôn làng được ổn định. Bà con tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Một số người dân từng nghe theo kẻ xấu, “lầm đường, lỡ bước” đã quay trở lại cuộc sống bình thường, cùng xây dựng buôn làng đoàn kết.
Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 35% dân số. Trong mỗi buôn làng, nhân dân đều có những cầu nối, điểm tựa. Đó là già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đội ngũ này không ngại khó khăn, đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; đoàn kết xây dựng buôn làng phát triển.
Tại xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai, hộ dân nào khấm khá, hộ dân nào còn khó khăn, già làng Siu Deo đều nắm rõ, để từ đó ông động viên, khuyến khích bà con chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
"Đối với dân, mình phải khiêm tốn, tôn trọng, đối với công việc, phải kiên trì nhẫn nại, đối với kẻ xấu phải thẳng thắn, đấu tranh. Già làng động viên dân ở đây họ cũng nghe theo" - già làng Siu Deo (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) chia sẻ.
Hiểu rõ trách nhiệm của mình là phải vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, nên nhiều năm nay, đội ngũ già làng luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động bà con Jrai, Ba Na nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu của các thế lực xấu gây chia rẽ dân tộc. Từ đó, động viên bà con yên tâm chăm lo phát triển kinh tế.
Tỉnh Gia Lai có hơn 46% dân số là người dân tộc thiểu số. Số người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số là 955 người, trong đó có gần 500 vị già làng. Sự cống hiến đầy trách nhiệm của các già làng đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng vùng Tây Nguyên hội nhập, phát triển cùng đất nước.
Thực hiện chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước, già làng Điểu K' Ít ở bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên đã tích cực vận động, tuyên truyền để bà con hiểu về chính sách lớn này và đồng lòng thực hiện. Nhờ vậy, kể từ năm 2006, khi tất cả các hộ trong bản thực hiện định canh định cư tại bản Brun, già làng đã dẫn dắt bà con đồng bào nơi đây vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng thôn làng ngày càng đổi mới. Đến hôm nay, đời sống của bà con đã ổn định và ấm no hơn, đặc biệt là việc đi lại, học hành và chăm sóc sức khỏe của bà con thuận lợi hơn rất nhiều.
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình mình, già làng Điểu K' Ít đã chia sẻ, hướng dẫn bà con trong bản tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng lúa nước; kết hợp với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đan lát các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, ông đã vận động bà con Nhân dân trong bản tham gia Tổ cộng đồng nhận giao khoán, quản lý, bảo vệ 660 ha rừng; từ đó, bà con tích cực tham gia cùng với lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, vừa góp phần bảo vệ các diện tích rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, vừa tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho mỗi gia đình theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ấn tượng khi đến bản Brun là con đường vào bản luôn được trồng hoa rực rỡ, sạch đẹp và các hộ gia đình nơi đây, nhà nào cũng vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp, trước nhà đều trồng hoa và cây cảnh, tạo nên cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp cho buôn làng. Bản Brun hiện có 23 hộ với 87 nhân khẩu đều là dân tộc Mạ. 100% hộ dân trong bản đều có nhà xây kiên cố và đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 9 năm liền giữ vững danh hiệu bản văn hóa.
Thôn Kép Ram, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum hiện có 157 hộ, 679 nhân khẩu; trong đó có 148 hộ đồng bào DTTS như Ba Na, Jrai, Xơ-đăng... Hơn 20 năm qua, già A Nguyh luôn được bà con tín nhiệm bầu già làng và đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như: Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn; Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn; Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Bởi, già A Nguyh giống như người đầu tàu dẫn dắt người dân đi qua khó khăn, đói nghèo và hủ tục.
Với uy tín của mình, già tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để người dân thực hiện. Dặn dò người dân không nghe kẻ xấu xúi giục, chăm lo sản xuất, biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi. Kêu gọi người dân xây dựng chuồng trại xa nhà ở, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới...
Nhờ sự tích cực phối hợp cùng các cấp chính quyền, phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng của già A Nguyh, người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, đến nay thôn Kép Ram là 1 trong 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới của TP. Kon Tum. Các hủ tục đã được xóa bỏ; không còn người theo đạo Hà Mòn; đời sống kinh tế của người dân từng bước được cải thiện.
Già A Nguyh còn là một nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi nhất nhì thôn Kép Ram. Mỗi dịp trong làng có lễ cúng hay các hoạt động sinh hoạt, vui chơi đội chiêng của già A Nguyh đều được mời đến đánh. Đặc biệt, tại thôn Kép Ram già còn mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho trẻ em trong làng, với hy vọng lớp trẻ có thể giữ gìn được bản sắc dân tộc.
Không chỉ đi đầu trong công tác, già A Nguyh cũng rất chăm chỉ làm kinh tế, lo cho gia đình. Hiện tại, gia đình già có 1ha cà phê, 1ha bời lời, 1ha mía, 1ha cao su và 6 sào lúa, nhờ đó mỗi năm mang về cho gia đình hơn 100 triệu đồng. Một số hộ dân trong làng vẫn thường ghé nhà già A Nguyh để học cách làm kinh tế giỏi.
Với những đóng góp của mình, già A Nguyh đã được nhận rất nhiều bằng khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Già A Nguyh vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên năm 2019.
Nặng lòng với văn hóa truyền thống dân tộc Mạ, già K’Tiêng ở bon N’Jiêng, xã Đăk Nia, TP. Gia Nghĩa là một trong số ít nghệ nhân nắm vững kiến thức về cồng chiêng và hiểu sâu sắc văn hóa của người Mạ.
Không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, ông còn có tài chỉnh chiêng và chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Nhiều năm nay, già K’Tiêng dành nhiều thời gian truyền dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ trong bon. Ông được Trường Dân tộc nội trú N’Trang Lơng tại Gia Nghĩa mời truyền dạy đánh cồng chiêng cho giáo viên, học sinh của trường.
Những năm qua, nhờ tâm sức của đội ngũ già làng, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bảo tồn văn hóa mà toàn tỉnh Đăk Nông vẫn bảo tồn được 186 bộ cồng chiêng; 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 nghệ nhân nhớ và hát kể sử thi; 301 nghệ nhân biết hát các làn điệu dân ca; gần 700 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống…