Ngày 16.9, sau bão số 10 đi qua, hàng ngàn nông dân Quảng Trị tiến hành cưa, chặt cao su bị gãy đổ.
Theo thống kê sơ bộ, bão số 10 đã làm gãy, đổ cao su trên diện tích hơn 2.000ha của nông dân Quảng Trị.
Đứng thẫn thờ nhìn hơn 100 cây cao su trong vườn bị gãy, đổ ngổn ngang, ông Nguyễn Văn Linh (thôn Tân Sơn, Trung Sơn, Gio Linh) bủn rủn nói: “Chiều hôm qua (15.9-PV), sau khi gió bão đi qua, tôi chạy ngay lên vườn cao su thì thấy cảnh tượng quá kinh hoàng. Cơn bão số 4 hồi cuối tháng 7 đã làm gãy 30 cây cao su, chưa kịp phục hồi thì nay gãy, đổ thêm hơn 100 cây nữa. Đúng là kêu trời không thấu, khổ cực đến dồn dập với người trồng cao su”.
Sau bão số 10, người dân Quảng Trị phải ngậm ngùi chặt bỏ cả trăm cây cao su mà họ đã dày công chăm sóc.
Bà Lê Thị Thanh (cùng thôn Tân Sơn) cho biết, nhà vay tiền ngân hàng trồng cao su theo sự khuyến khích của chính quyền địa phương vào năm 2006. Gia đình bà dày công chăm sóc 8 năm mới đến ngày thu hoạch thì giá cao su rớt chạm đáy. Đầu năm 2017 giá cao su mới bắt đầu nhích dần lên thì đến cuối tháng 7 vừa rồi, bão số 4 quật ngã 20 cây cao su. Rồi đến bão số 10 lần này phá nát thêm 60 cây nữa.
“Tiền vay ngân hàng trồng cao su chưa trả xong mà vườn cao su của gia đình tôi đã sắp bị bão dọn sạch rồi. Cả gia đình bấu víu nguồn thu nhập chính từ cây cao su nhưng nay không còn được bao nhiêu. Giờ đây, tất cả thành củi mục”, bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Linh cho biết, những cây cao su bị đổ ngã thì sẽ cưa ngang còn chừng 3-4m rồi thuê máy múc đất dùng cần cẩu kéo dựng lên, sau đó dùng dây cố định 4 phía đợi 3 năm sau sẽ thu hoạch tiếp. Đối với cây nào bị gãy sát đất hoặc bị gió xoáy nứt toác hình xoắn ốc thì đành cưa bỏ. Sau khi cưa, người dân dùng mỡ bò hoặc thuốc Vaseline để bôi vào vết cắt giúp cao su nhanh lành vết thương.
Theo Dân Việt