Những ngày đầu tháng 11 tới nay, ga Cát Linh - Hà Đông trở thành địa điểm thu hút nhiều người trẻ đến trải nghiệm và chụp ảnh “check in”.
Tờ mờ sớm, khi trời còn lạnh, đường phố còn vắng, Lê Hùng Cường (25 tuổi) - một kiến trúc sư tự do tại Hà Nội đã dành thời gian thử trải nghiệm và khám phá chuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Bộ ảnh của Cường gây chú ý khi khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh giới công sở tại Nhật Bản, hay Hàn Quốc vào giờ đi làm
Lựa chọn trải nghiệm tàu điện vào sáng sớm nên Cường không phải chen chúc, xếp hàng (Ảnh: Lê Hùng Cường)
Hùng Cường chọn trang phục với sơ mi phối áo măng tô công sở nhưng vẫn trẻ trung (Ảnh: Lê Hùng Cường)
Tương tự như Hùng Cường, Tuấn Lực (sinh năm 2000, sinh viên trường Sân khấu Điện Ảnh HN) đã cùng người bạn tới trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào sáng sớm.
“Mình là sinh viên khoa nhiếp ảnh, rất mê chụp những địa điểm đẹp, mới lạ nên không thể bỏ qua tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nhưng mấy ngày liên tiếp, thấy ảnh mọi người tới đây quá đông đúc nên mình lựa chọn đi vào sáng sớm. Thời điểm này, ga tàu vắng người, không phải chen chúc mà ta lại được cảm nhận trọn vẹn buổi sáng mùa thu lãng mạn của Hà Nội”, Lực chia sẻ.
Sơ mi và măng tô cũng là trang phục được Tuấn Lực lựa chọn vì phù hợp thời tiết, bối cảnh ga tàu (Ảnh: Tuấn Lực)
“Mình đi sớm nên khá vắng, gần như toa tàu mình ngồi chỉ có mình và bạn mình. Do đó mình bỏ khẩu trang một chút để chụp ảnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh đang căng thẳng nên chúng ta nên chú ý an toàn”, Tuấn Lực chia sẻ (Ảnh: Tuấn Lực)
(Ảnh: Tuấn Lực)
Lực ấn tượng với thiết kế nhiều màu sắc tại các trạm dừng - tạo ra những bối cảnh chụp ảnh khác nhau, rất hợp với phong cách ảnh retro của anh (Ảnh: Tuấn Lực)
Tuần qua, Đức Tân - một bạn trẻ mê nhiếp ảnh đã nhờ người bạn xinh đẹp Yến Nhi làm mẫu cho mình trong bộ ảnh đầu tiên tại công trình tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Tân cho biết, do chụp vào sáng sớm, khi ga tàu còn rất vắng nên anh dễ dàng bắt ánh sáng, đặt chủ thể sáng một bên, chụp toàn cảnh, trung cảnh để tạo cảm giác con người thật nhỏ bé trước một “tác phẩm” đồ sộ của Hà Nội.
“Khi trải nghiệm từng nhà ga, mình cảm thấy công trình không bị một màu, từng thiết kế đều mang phong cách hiện đại, mới mẻ. Mỗi nhà ga mang một màu sắc khác nhau, đánh vào thị giác khách hàng và khiến bất cứ ai trải nghiệm trên tuyến đường sắt này đều cảm thấy hứng thú hơn”, Đức Tân và Yến Nhi chia sẻ.
(Ảnh: Đức Tân)
Yến Nhi và Đức Tân đều ấn tượng với thiết kế của ga tàu (Ảnh: Đức Tân)
Bộ ảnh chụp vào khoảng thời gian có ánh sáng rất đẹp (Ảnh: Đức Tân)
(Ảnh: Đức Tân)
Từng trải nghiệm tàu điện tại Trung Quốc, tàu điện ngầm tại Hàn Quốc nhưng khi hay tin công trình tàu điện đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động, 9x Cao Quang Nam vẫn hồi hộp, tạm gác lại công việc để tới tham quan, trải nghiệm. Quang Nam lựa chọn đến ga tàu điện vào buổi trưa - khung giờ theo anh là khá vắng vẻ, ít người nên tránh được việc tiếp xúc gần khi dịch bệnh phức tạp.
“Khi tàu chạy, mình phải thốt lên “wow”. Từ trên tàu, mình có thể ngắm nhìn thành phố từ một góc rất khác thường ngày. Nhà ga hiện đại, tàu sạch sẽ, chạy nhanh và êm. Nếu đi vào ngày trời nắng đẹp, giờ vắng người, chọn ngồi ở đầu toa hay cuối toa, bạn sẽ dễ dàng có một bức ảnh ấn tượng khoe với bạn bè”, Nam chia sẻ.
Quang Nam chọn trải nghiệm tàu vào buổi trưa (Ảnh: Cao Quang Nam)
Vốn là người yêu du lịch, từng khám phá gần như toàn bộ các tỉnh thành Việt Nam và một số quốc gia châu Á, nhưng do dịch bệnh, Nam đành hoãn các kế hoạch du lịch. Quang Nam xem chuyến trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông như một “tour du lịch” ngay tại thành phố để vơi bớt nỗi nhớ xê dịch.
(Ảnh: Cao Quang Nam)
Không phái đi đâu xa, Quang Nam vẫn có bộ ảnh ấn tượng, mới mẻ (Ảnh: Cao Quang Nam)
(Ảnh: Cao Quang Nam)
Cũng giống như Quang Nam, Đinh Thanh Thanh (25 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng có dịp trải nghiệm tàu điện ở nước bạn - Thái Lan nên cô muốn thử so sánh xem phương tiện giao thông mới tại Hà Nội có sự khác biệt nào không. Thanh chọn thời điểm trải nghiệm vào lúc 9h sáng nên ga tàu và trên tàu đều khá vắng vẻ, di chuyển thuận lợi.
“Cảm nhận đầu tiên là hệ thống tàu bên mình mới hơn do tàu tại Thái đã hoạt động lâu năm rồi. Tuy nhiên, hệ thống tàu bên đó kết nối rất nhiều điểm du lịch, trung tâm thương mại, sân bay nên không chỉ phù hợp với người dân mà còn thích hợp với khách du lịch”, Thanh cho hay.
(Ảnh Đinh Thanh Thanh)
Thanh Thanh chọn trang phục cá tính, trẻ trung cho lần đầu trải nghiệm tuyến đường sắt trên cao (Ảnh Đinh Thanh Thanh)
Thanh cho viết, thời điểm cô đi trải nghiệm, mọi người xếp hàng rất nghiêm túc, thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, ngồi giữ khoảng cách.
Tuy nhiên, Thanh cũng chỉ ra một số lỗi hạn chế như: Cửa mở cả hai bên lên - xuống ngay khi cập bến ga đầu (Cát Linh) và cuối (Yên Nghĩa) nên hành khách dễ nhầm lẫn; đèn nhấp nháy điểm đến trên chuyến tàu Thanh đi bị lỗi, khi tới ga Phùng Khoang mà đèn vẫn nháy ở ga La Thành.
“Ngoài ra, đối với các bác cao tuổi, việc sử dụng tàu điện còn nhiều lúng túng từ việc nhét thẻ hay lên, xuống đường nào. Nếu bắt gặp các bác, ông bà thì chúng ta nên nhanh nhẹn giúp đỡ”, Thanh chia sẻ.
(Ảnh: Đinh Thanh Thanh)
Nguyễn Mai Hằng không phải người Hà Nội nhưng đã học tập và làm việc tại đây từ năm 2013 - giai đoạn đầu khi dự án Cát Linh Hà Đông triển khai.
Suốt một thời sinh viên đi học từ Hà Đông sang Vĩnh Tuy, Hằng đã chứng kiến quá trình xây dựng của tuyến đường sắt trên cao này: từ khi thành phố chặt hàng cây xà cừ hai bên đường, bỏ bớt làn xe bus để mở rộng đường… đến khi các trụ cột “khổng lồ” mọc lên, tuyến đường sắt dần hình thành.
Hằng cũng nhớ hình ảnh những công nhân miệt mài làm việc cả ban đêm, khi đường phố vắng vẻ để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động giao thông.
Mai Hằng chọn trải nghiệm tàu trên cao vào buổi tối (Ảnh: Nguyễn Mai Hằng)
“Khi nghe tin dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, mình thấy rất vui. Mình nghĩ những ai chứng kiến và chờ đợi chuyến tàu suốt 10 năm qua đều có cảm xúc như mình thôi. Mặc dù thời điểm này, Hà Nội đang phát sinh nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nhưng mình vẫn lựa chọn đi trải nghiệm vào ngày thứ 2 sau khi mở cửa. Mình đi vào buổi tối nên tàu vắng, không nhiều hành khách. Ga tàu chỉ lác đác khoảng 30 người, ai cũng tuân thủ nghiêm túc 5K”, Mai Hằng chia sẻ.
Hằng thực hiện khử khuẩn cẩn thận trước khi lên tàu (Ảnh: Nguyễn Mai Hằng)
(Ảnh: Nguyễn Mai Hằng)
Theo chia sẻ từ các bạn trẻ, để có những tấm ảnh ưng ý tại ga Cát Linh - Hà Đông, hành khách cần lựa chọn trang phục đơn giản, thoải mái để dễ di chuyển, nên đi vào những thời điểm ít khách như giờ sáng sớm, trưa hay tối để có thể dễ dàng tạo dáng, tránh được việc khung hình có quá nhiều người phía sau.
Các bạn trẻ cũng nên tuân thủ quy định 5K để phòng chống dịch bệnh, tuân thủ hướng dẫn của nhân viên nhà ga và chú ý không làm phiền đến các hành khách khác.
Linh Trang - Hiền Linh - Thư Cung