Cuối năm ngoái, tại kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể  Việt Nam lần đầu tiên tham gia với tư cách thành viên của Ủy ban nhiệm kỳ 2022-2026, tiếp tục thể hiện vai trò năng động, trách nhiệm, đóng góp cho hợp tác chung trong bảo tồn các di sản của nhân loại.

Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 là cơ quan điều hành của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước. Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể bao gồm 24 đại diện của các quốc gia thành viên, do Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước bầu ra.

Tại kỳ họp này, Ủy ban liên chính phủ xem xét các báo cáo của các quốc gia thành viên về tình trạng của các di sản được ghi trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; xem xét các báo cáo chu kỳ đầu tiên về việc thực hiện Công ước và về tình trạng của các di sản được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại các quốc gia thành viên ở châu Âu; xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xem xét các đề xuất đăng ký vào danh sách thực hành bảo vệ tốt; quỹ di sản văn hóa phi vật thể; thảo luận chuyên đề về di sản sống và phát triển bền vững…

Kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, hướng tới chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tuy là một trong những khuôn khổ hợp tác khá mới của UNESCO, nhưng Công ước 2003 được đánh giá rất thành công. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần Công ước 2003 càng được coi trọng, trước tác động nhiều chiều của toàn cầu hóa, công nghệ số, gần đây nhất là đại dịch Covid-19.

Tại phiên họp ngày 29/11, hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy, nhất là trên cương vị thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2022-2026.

Đây cũng là danh hiệu thứ tư của Việt Nam được UNESCO ghi danh trong năm 2022, cùng với hồ sơ vừa được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) và Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Thành phố học tập Cao Lãnh. Sự ghi danh không chỉ thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc của Việt Nam mà còn thiết thực đóng góp vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm.

Theo thông tin từ Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO, hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là một trong những hồ sơ được đánh giá rất cao về chất lượng, hội tụ đủ các tiêu chí. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.

Việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam; khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản này, đối với những giá trị văn hóa Việt Nam; góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung; góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.

Việc ghi danh cũng tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.

  1. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, đại diện của nhân loại năm 2008
    2. Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Huế, đại diện của nhân loại năm 2008
    3. Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đại diện của nhân loại năm 2009
    4. Hát Ca trù, cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009
    5. Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, đại diện của nhân loại năm 2010
    6. Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, đại diện của nhân loại năm 2012
    7. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đại diện của nhân loại năm 2013
    8. Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh, đại diện của nhân loại năm 2014
    9. Tín ngưỡng và trò chơi kéo co, đại diện của nhân loại (hồ sơ đa quốc gia Campuchia - Philippines - Hàn Quốc - Việt Nam) năm 2015
    10. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, đại diện của nhân loại năm 2016
    11. Hát Xoan Phú Thọ, đại diện (chuyển từ danh sách khẩn cấp sang đại diện) năm 2017
    12. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, đại diện của nhân loại năm 2017
    13. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đại diện của nhân loại năm 2019
    14. Nghệ thuật Xòe Thái, đại diện của nhân loại năm 2021
    15. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, cần bảo vệ khẩn cấp năm 2022

Đắc Vịnh, Duy Khánh, Nguyễn Lâm, Vũ Huệ và nhóm PV, BTV