Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả đủ loại chuyến đi như đoàn tụ gia đình, kỳ nghỉ dưỡng hay và ghé thăm lại những địa điểm yêu thích. Vậy câu hỏi được đặt ra là, thực chất "du lịch trả thù" là gì?

Từ "Revenge" trong tiếng Anh có nghĩa là "Trả thù". Nhìn chung có hàm ý tiêu cực, trái ngược với cảm giác vui vẻ, phấn khích của nhiều người khi thực hiện những chuyến đi đầu tiên sau hơn hai năm đại dịch.

Nhưng xét về bản chất "du lịch trả thù" được hiểu thiên về hướng quá "khát" cảm giác được chu du sau một thời gian dài bị kìm kẹp vì các lệnh hạn chế. Có lẽ cụm từ "trả thù" được dùng ở đây là dành cho đại dịch Covid-19.

Erika Richter, phó chủ tịch Hiệp hội Cố vấn Du lịch Mỹ (ASTA) cho biết: “Du lịch báo thù là một từ thông dụng xuất hiện từ năm 2021 khi thế giới bắt đầu mở cửa trở lại và mọi người quyết định đi ra ngoài bù đắp cho khoảng thời gian đã mất”.

Một phần của vấn đề là thời điểm đó không có một cách thức hay cụm từ nào có thể diễn tả đúng tâm trạng của những du khách khi đã có thể bước ra thế giới sau một thời gian dài. Cụm từ "Du lịch sau đại dịch" không diễn tả hoàn toàn chính xác, vì đại dịch vẫn chưa kết thúc ở nhiều nơi. Các quốc gia và khu vực khác nhau đều có quyết định mở cửa và các quy định nhập cảnh khác nhau với du khách nước ngoài.

Richter đồng ý với quan điểm chung về nguồn gốc của khái niệm này, ngay cả khi cô không sử dụng thuật ngữ "du lịch trả thù".

"Đây có thể coi là cách diễn tả ngắn gọn của việc muốn nói rằng: Cuộc sống thật ngắn ngủi. Tôi muốn đặt chuyến đi đó. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi muốn kết nối với con người và với thiên nhiên. Tôi muốn khám phá thế giới và tìm kiếm những trải nghiệm khiến tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa", Richter giải thích.

Tuy nhiên, Richter không phải người duy nhất trong ngành du lịch đang đấu tranh để tìm ra cách nói phù hợp hơn với thuật ngữ "du lịch trả thù".

"Tôi không nghĩ tiền tố 'trả thù' phù hợp với những gì nên nói về du lịch", Rory Boland, biên tập viên của Which? nói với CNN Travel. Theo Boland, "du lịch trả thù" là một "thuật ngữ chẳng đẹp đẽ gì".

Tuy nhiên, biên tập viên này thừa nhận rằng cụm từ trên rõ ràng đã kết nối được tâm trạng của nhiều người.

Cho dù có sử dụng thuật ngữ "du lịch trả thù" hay không, nhiều du khách cho biết rằng họ đang bắt đầu những chuyến đi xa đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát.

Deborah Campagnaro, sống ở British Columbia, Canada, là một trong số đó. Bà đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm làm việc và mong muốn có một kỳ nghỉ kỷ niệm lớn với chồng của mình. Cặp đôi đã thực hiện một chuyến đi theo nhóm đến Nepal vào năm 2016 để đi bộ đường dài ở Annapurna Circuit, một chuyến đi đầy thử thách qua một số đỉnh núi cao nhất ở đây.

Họ yêu thích chuyến đi này đến mức đã lên kế hoạch quay trở lại Nepal một lần nữa với những khám phá mới mẻ hơn. Những ảnh hưởng của đại dịch và thời tiết khiến họ phải hoãn lại chuyến đi nhiều lần. Nhưng cuối cùng, hai vợ chồng xác nhận rằng đã đặt được vé và chỗ trong tháng 9 năm nay.

"Thật không thể tưởng tượng được điều này có thể xảy ra, chúng tôi sắp được quay lại Nepal sau một khoảng thời gian chờ đợi quá dài", bà Campagnaro cho biết.

Brittney Darcy, một cư dân Rhode Island, cũng đang mong chờ chuyến đi xa sau hơn hai năm.

Cô gái 26 tuổi đã mơ ước được đến Paris từ khi còn là một cô bé yêu thích bộ phim, "Sabrina". Nhưng chuyến đi dự kiến ​​vào mùa hè năm 2020 với bạn trai của Darcy đã bị hoãn lại sau khi đại dịch bùng phát.

Giờ đây, Darcy đã có thể lên lại kế hoạch cho kỳ nghỉ trong mơ của mình - nhưng dự kiến lớn hơn trước. Thay vì năm ngày ở Paris, cô ấy sẽ dành hai tuần ở cả Pháp và Ý.

"Tôi đã thực hiện một chuyến đi xuyên Mỹ trong thời gian ở Covid, nhưng vẫn chưa thực sự thỏa mãn. Tôi luôn muốn đến Paris và Ý, những nơi tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Chúng tôi còn trẻ và tại sao không?", Darcy chia sẻ.

Số tiền cô ấy tiết kiệm được từ việc không đi du lịch trong hai năm đã giúp kế hoạch lần này được mở rộng. Thay vì phải bay trung chuyển ở Iceland hoặc Ireland, Darcy và bạn trai đã trả nhiều tiền hơn để mua vé một chuyến bay thẳng từ Boston.

Darcy thừa nhận rằng cô chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ "du lịch trả thù", nhưng sau khi biết cô cho rằng đó là một thuật ngữ hoàn hảo để áp dụng cho chuyến đi châu Âu lần này của mình.

"Sau khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát, tôi đã quyết định sống bớt tằn tiện đi. Chúng tôi chỉ sống một lần, vì vậy tôi sẽ đầu tư nhiều hơn cho những trải nghiệm của cuộc đời mình", cô cho biết.

Một điều rõ ràng là: khi việc tiêm phòng vaccine được phủ rộng và nhiều quốc gia mở cửa trở lại, mọi người trên khắp thế giới đang háo hức bắt đầu những chuyến đi một lần nữa.

Công ty đặt phòng du lịch Expedia chuyên theo dõi dữ liệu tìm kiếm trực tuyến liên quan đến du lịch và lữ hành. Vào năm 2021, mức tăng cao nhất trong lưu lượng truy cập tìm kiếm du lịch trung bình - 10% - vào tháng 5, một tuần sau khi Liên minh châu Âu bỏ phiếu gia hạn hợp đồng với Pfizer và phê duyệt loại vaccine sử dụng cho thanh thiếu niên.

Cuộc khảo sát của Expedia cho thấy 60% người tiêu dùng có kế hoạch đi du lịch trong nước và 27% đi du lịch quốc tế vào năm 2022.

Và nhiều người trong số những du khách này sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một kỳ nghỉ so với trước đây.

Hai năm không thể đi đâu đồng nghĩa với việc một số người đã tiết kiệm được nhiều hơn và giờ đây có thể chi trả cho một khách sạn sang trọng hơn, một vé máy bay hạng nhất hoặc những trải nghiệm cao cấp hơn.

Trên hết, ngày càng nhiều công ty đã thay đổi vĩnh viễn các chính sách làm việc từ xa của họ sau đại dịch.

Một cuộc khảo sát của Pew được công bố vào tháng 2 cho thấy 60% người lao động có công việc có thể làm tại nhà cho biết họ muốn làm việc tại nhà toàn bộ hoặc phần lớn thời gian kể cả sau khi đại dịch kết thúc nếu được lựa chọn.

Đối với một số người, khái niệm "làm việc tại nhà" không nhất thiết có nghĩa là phải ở nhà thật - nó có thể là cơ hội để kết hợp những chuyến đi du lịch với công việc.

Một số điểm đến đang công khai chào đón những người có thể làm việc từ xa tới lưu trú trong một khoảng thời gian dài. Các hòn đảo Caribe như Barbados hay Anguilla đã cung cấp thị thực dành riêng cho những đối tượng này như một cách để thúc đẩy du lịch.

Vì vậy, dù có thích thuật ngữ "du lịch trả thù" hay không, thì cũng không thể phủ nhận rằng mọi người đã thay đổi tư duy du lịch của họ kể từ khi đại dịch bắt đầu.