Những ngày đầu tháng 4/2022, các cán bộ thuộc Phòng Giám định kỹ thuật hình sự truyền thống (Phòng 3, C09 Bộ Công an) làm việc liên tục để thực hiện nhiệm vụ giám định, hỗ trợ cơ quan điều tra trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Là những người “đi sau về trước”, lực lượng giám định viên của Phòng 3 thực hiện nhiệm vụ đa dạng. Trong số đó, việc giám định đường đạn, tìm dấu vết của các vụ nổ súng là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác để đưa sự thật trở về đúng vị trí vốn có.
“Các vụ gây án bằng súng đều là những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với tính sát thương cao. Đối tượng sử dụng đều rất manh động, liều lĩnh và gian xảo”, Thượng tá Nguyễn Đỗ Hải Nam, Trưởng phòng 3 nói với VietNamNet.
Theo Thượng tá Nam, chuyên ngành giám định súng, đạn được ra đời sớm nhất, trong đó con người là yếu tố quyết định trong giám định súng, đạn. Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, tội phạm lợi dụng những thành tựu khoa học công nghệ để thực hiện hành vi tội phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm.
Với đội ngũ cán bộ “thiện chiến”, Phòng 3 (C09 Bộ Công an) đã giải mã hàng nghìn vụ án rúng động dư luận, giúp cơ quan điều tra xác định đâu là kẻ sát nhân thật sự.
Cuối tháng 2/2020, Thượng tá Nguyễn Đỗ Hải Nam cùng 2 đồng nghiệp tức tốc lên huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để thực hiện giám định một vụ án có tính chất phức tạp. Anh Vàng A Dềnh - nạn nhân trong vụ án bị thương do súng gây ra.
Rất nhanh chóng, nghi phạm là Lường Văn Minh được triệu tập để làm rõ những hành vi liên quan. Minh khai nhận hành vi do mình gây ra với anh Dềnh. Tuy nhiên, trong phiên tòa sơ thẩm, Minh phản cung, phủ nhận việc bắn anh Dềnh.
“Lường Văn Minh cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc, Minh đi qua hiện trường, cách vị trí nạn nhân khá xa và nghe thấy tiếng súng nổ từ trên đồi”, Thượng tá Nam kể lại diễn biến.
Tình tiết vụ án có diễn biến mới buộc phải có sự vào cuộc và kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Thượng tá Nam khi có mặt tại hiện trường đã nhanh chóng dựng lại hiện trường, thu thập, nghiên cứu các vật chứng, dấu vết để lại sau vụ việc.
“Quá trình giám định các vật chứng, dấu vết để lại, chúng tôi xác định, nạn nhân bị bắn từ phía sau vào xuyên qua áo rồi sượt mặt trong cánh tay trái, xuống mu bàn tay, xuyên vào tay nắm bên trái xe máy. Đầu đạn hằn trên ống kim tay nắm và rơi ra hiện trường”, Thượng tá Nam nói về đường đi của viên đạn.
Đặc biệt, kết luận của Phòng 3, C09 Bộ công an khẳng định, hướng bắn của viên đạn là “từ sau về trước, từ trên xuống dưới, tầm bắn khoảng từ 1 đến 3m”. Kết luận trên bác bỏ lời phản cung vô căn cứ. Đây cũng là chứng cứ quyết định để cơ quan chức năng chứng minh hành vi phạm tội của Lường Văn Minh.
Trước bản giám định dựa vào cơ sở khoa học, đối tượng Lường Văn Minh thừa nhận đã “bắn từ phía sau về phía anh Dềnh làm nạn nhân bị thương, sau đó nhanh chóng tẩu thoát”.
Theo Thượng tá Nam, thủ phạm có thể nói dối nhưng “đường đi viên đạn, các dấu vết để lại hiện trường thì không”.
Với việc giám định hàng nghìn vụ án do súng đạn gây ra, Phòng 3 từng lật tẩy tội ác của các sát thủ giết thuê, thanh toán lẫn nhau của các đối tượng.
Giữa năm 2016, tại TP Phủ Lý, Hà Nam xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Nam nạn nhân 41 tuổi là giám đốc một doanh nghiệp bị bắn gục tại khu vực Miếu Thần với 6 phát súng K54.
Theo tài liệu điều tra, vào khoảng 15h ngày 4/7/2016, ông Lê Hữu Trí lái ô tô đi lễ tại Miếu Thần. Do đường nhỏ nên anh Trí dừng xe đi bộ vào Miếu làm lễ. 15 phút sau, khi từ Miếu ra xe, anh Trí bị đối tượng lạ mặt bắn vào người, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa ban ngày với sự manh động, gây hoang mang dư luận. Sau một tháng điều tra với sự vào cuộc của hơn 200 cảnh sát và các lực lượng nghiệp vụ, cơ quan công an bắt giữ 3 nghi phạm gồm Nguyễn Sỹ Đạt (SN 1970), Lê Thái Duy (SN 1988) và Lê Việt Hoàn (SN 1981), đều trú TP Phủ Lý.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình làm ăn giữa ông Trí và Đạt nảy sinh mâu thuẫn. Đạt thuê Hoàn bắn chết Trí với bản “hợp đồng” giá 500 triệu đồng. Nắm được thói quen đi lễ tại Miếu Thần của ông Trí nên sát thủ phục sẵn rồi xuống tay bắn chết nạn nhân.
Quá trình phá án, cơ quan điều tra thu giữ được nhiều tang vật, trong đó khẩu súng K54. Phòng 3, C09 Bộ Công an nhanh chóng tham gia giám định.
Theo Thượng tá Nguyễn Đỗ Hải Nam, các đối tượng trong vụ án hiểu rõ về súng, đạn nên sau khi gây án đã “tháo từng bộ phận của súng rồi vứt xuống ao ở nhiều vị trí khác nhau”.
“Quá trình thu giữ, chúng tôi lắp ráp các bộ phận lại thành khẩu súng K54 để bắn thực nghiệm. Kết luận giám định cho thấy, khẩu súng này bắn ra 3 đầu đạn, 6 vỏ đạn tương thích với vật chứng thu được trong vụ án”, Thượng tá Nam thông tin.
Tháng 8/2020, tại phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) một vụ án nghiêm trọng xảy ra khiến chị Trần Thị Tr tử vong trong vũng máu. Vết thương gây ra được xác định là do súng quân dụng.
Quá trình điều tra, cảnh sát khởi tố, bắt giam Nông Văn Tú (SN 1988, trú TP Thái Nguyên). Tối 26/8/2020, Tú mặc áo tối màu, đi xe máy áp sát xe nạn nhân rồi rút súng bắn chết chị Tr. Cảnh sát xác định, do mâu thuẫn nợ nần nên Tú rút súng bắn chết “con nợ”.
Để buộc tội Tú, Phòng 3, C09 Bộ Công an vào cuộc thực hiện giám định khẩu súng của kẻ thủ ác. Kết quả xác định, khẩu súng thu giữ của Tú bắn ra đầu đạn thu trong người của nạn nhân. Đây là kết luận quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội của Tú.
Không chỉ giám định những vụ án xảy ra gần đây, theo ông Nam, từ những năm 60 của thế kỉ trước, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự truyền thống đã khám phá, giám định hàng loạt các vụ trọng án.
Trong đó có những vụ án được khám phá đã lật tẩy các âm mưu chống phá của thế lực thù địch. Điển hình là vụ sát hại nghệ sỹ Thanh Nga tại TP.HCM năm 1978. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh các thế lực thù địch đang tiến hành chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc. Kết quả điều tra xác định, Nguyễn Thanh Tân là hung thủ, khẳng định đây là vụ án do cá nhân gây ra.
Các vụ án nổi cộm như băng cướp Bạch Hải Đường, Nguyễn Ngọc Tuấn khét tiếng một thời cũng được Phòng 3, C09 tham gia giám định, lật tẩy tội ác các băng nhóm liều lĩnh, manh động.
Thượng tá Nguyễn Đỗ Hải Nam, việc giám định súng, đạn trong các vụ án đòi hỏi sự tỉ mỉ. Các dấu vết để lại hiện trường được so sánh, đối chiếu dưới kính hiển vi. Độ chính xác của các dấu vết khi giám định là căn cứ khoa học khiến các đối tượng không thể chối cãi.
Đoàn Bổng - Thiết kế: Nguyễn Ngọc