{keywords}
 

FAS Angel là nhóm Hỗ trợ sơ cứu miễn phí do anh Phạm Quốc Việt (SN 1987) lập ra vào ngày 18/9/2019 sau 2 năm rưỡi âm thầm làm công việc này một mình. Hiện nhóm có 84 thành viên, hầu hết là các xe ôm công nghệ, trong đó có 10 thành viên “cứng”, 24 thành viên hoạt động thường xuyên và 50 thành viên hỗ trợ.

Câu chuyện của FAS Angel cũng bắt đầu từ một vụ tai nạn giao thông mà chính anh Việt là nạn nhân.

Vào buổi tối một ngày tháng 11/2016, khi đang đi bộ từ một đám ma về nhà trọ ở Tuyên Quang - nơi anh làm việc lúc ấy, anh bị một chiếc xe máy đâm từ phía sau. Cả người phụ nữ đi xe máy và anh đều nằm sõng xoài trên đường.

Trong suốt 15 phút sau vụ tai nạn, anh Việt vẫn còn đủ ý thức để nhận ra rằng những chiếc xe và dòng người qua lại vẫn đang chạy lướt qua 2 con người nằm đó. Cảm giác đầu tiên bao trùm trong ý thức của anh là sự cô đơn và bất lực.

“Có thể người ta nghĩ mình đã chết, hoặc người ta sợ bị đổ oan khi dừng lại…”.

Anh Việt lấy hết chút sức lực còn lại để giơ cánh tay lên, ra hiệu cho người đi đường là mình còn sống. Cuối cùng, cũng có 1 người phụ nữ dừng lại và gọi xe cứu thương.

Sau khi xuất viện, anh Việt không còn đủ sức khoẻ để làm những công việc nặng. Anh bỏ công việc buôn bán ở Tuyên Quang, trở về quê Nam Định để nghỉ ngơi một thời gian.

Năm 2017, anh lên Hà Nội kiếm việc làm. Lúc này, chưa biết làm gì, anh định chạy xe ôm tạm thời nhưng rồi cũng gắn bó với nó tới tận bây giờ.

Cũng trong thời gian đó, những câu chuyện trên đường phố mà anh được chứng kiến đã khiến anh trăn trở.

“Có lần tôi gặp một người đàn ông bị say rượu nằm trên đường, chảy máu nhiều. Nhưng những người đi qua lại nói những câu rất lạnh lùng: ‘Say cho nó chết đi’, ‘Tí gọi công an ra bàn giao’…”.

“Tôi cảm thấy người đàn ông kia có phần nào giống mình vào cái đêm năm 2016 đó”.

Nghĩ vậy, mặc kệ những lời can ngăn của mọi người xung quanh, anh dùng hết kỹ năng mình có để lao vào giúp đỡ. “Có người bảo tôi ‘có biết gì không mà sờ vào?’, ‘nó chết ra đấy lại mang vạ’… Tôi nghĩ họ nói cũng đúng, nhưng tôi không muốn bất kỳ ai bị bỏ rơi giống như mình ngày hôm đó, dù họ có say rượu hay vi phạm luật giao thông”.

Sau khi anh sơ cứu xong cũng là lúc xe cấp cứu đến, anh bàn giao nạn nhân. “Tôi đã nhận lời cảm ơn đầu tiên như thế”.

{keywords}
 

Từ lần cứu người đầu tiên ấy, anh quyết định cần học hỏi thêm để tự tin hơn vào khả năng của mình.

Anh nhớ lại những kiến thức và kinh nghiệm được học từ khi còn trong quân ngũ, tìm tòi sách vở, trên Internet và xin tư vấn từ chính người thân trong gia đình - những người đều đang là bác sĩ, y tá trong các bệnh viện.

Cứ thế trong suốt 2 năm rưỡi, anh âm thầm làm công việc này một mình. Hễ đi đường gặp vụ tai nạn nào, anh đều dừng lại, dỡ đồ nghề tự trang bị ra để sơ cứu cho nạn nhân trong khi chờ xe cấp cứu tới.

Toàn bộ trang thiết bị anh đều bỏ tiền túi ra mua sắm. Những lần sơ cứu cho nạn nhân, anh mất từ vài chục phút tới hàng tiếng đồng hồ. Đôi khi, đưa được bệnh nhân tới bệnh viện xong, ngồi đợi gia đình họ đến, anh mất cả mấy tiếng đồng hồ mà đáng lẽ ra thời gian ấy anh nên để dành cho việc mưu sinh.

Đã không ít lần vì cứu người mà anh gặp rắc rối, từ việc bị người nhà nạn nhân hiểu nhầm là thủ phạm gây tai nạn cho tới việc bị đánh.

Cũng vì thế mà sau này, anh rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc giao tiếp với nạn nhân và người nhà nạn nhân để tự bảo vệ mình khỏi những hiểu lầm.

“Môi trường ở ngoài hiện trường khác hẳn với trong bệnh viện nên sẽ xảy ra rất nhiều tình huống khác nhau. Có lần sau khi 2 nhóm đánh nhau xong, tôi tới sơ cứu cho nạn nhân thì nhóm kia quay lại, đánh cả tôi. Nhưng khi nhận ra tôi chỉ là người sơ cứu thì họ bỏ đi, một vài người ngỏ ý xin lỗi”.

{keywords}
 

Đến tháng 9/2019, khi đã tích luỹ cho mình những kỹ năng và kinh nghiệm nhất định, anh thành lập nhóm Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel.

“Trước đó, có nhiều người muốn tham gia cùng tôi nhưng tôi thấy mình chưa có đủ khả năng để truyền đạt lại những kỹ năng cần thiết nên từ chối, bảo mọi người đợi thêm một thời gian nữa”.

Thời gian đầu, nhóm chỉ có 5 thành viên, sau đó tăng lên 20 người, rồi 50 người và đến bây giờ là 84 thành viên. Anh Việt và các thành viên trong nhóm không chỉ tự dạy nhau các kiến thức sơ cứu mà còn có cả sự hỗ trợ của tổ chức Kỹ năng sinh tồn Việt Nam SSVN.

Khi đã trở thành một nhóm lớn, họ tìm cách tạo dựng một hệ thống liên lạc để báo cho nhau các vụ tai nạn trên địa bàn. Ai thấy mình ở gần hiện trường, trong vòng 15 phút có thể có mặt thì sẽ thông báo vào nhóm. Hệ thống liên lạc của FAS Angel gồm có bộ đàm (hoạt động sau 21 giờ hằng ngày), định vị GPS và nhóm chat Zalo.

Khác với những lái xe ôm công nghệ khác, đội quân của FAS Angel lúc nào cũng mang theo túi sơ cứu, cánh tay đeo băng đô hình chữ thập. Họ cũng luôn trao cho những khách hàng mình gặp chiếc tem giới thiệu về đội, số điện thoại liên hệ để khi cần thì gọi.

{keywords}
 

Hiện tại, một ngày làm việc điển hình của anh Việt bắt đầu từ 7 giờ sáng. Đến 6 giờ tối, anh về nhà tắm rửa, ăn cơm xong lại tiếp tục ra khỏi nhà. Từ 21 giờ tới 1 giờ sáng hôm sau là thời gian anh cùng các đồng nghiệp đi “tuần” ở khu vực mình được phân công.

“Kể cả sau 1 giờ sáng, nếu có thông báo vụ tai nạn nào trong phạm vi 15 phút có thể tới, tôi cũng sẵn sàng ra khỏi nhà bất kể thời tiết như thế nào, thậm chí là khi đã lên giường đi ngủ”.

Có những lần vừa về đến nhà, mới kịp tháo mũ bảo hiểm ra thì anh đã nhận cuộc gọi thông báo có tai nạn. Khi ấy, trời đang mưa, anh lao đến hiện trường trong tình trạng mặc quần đùi, đi dép lê, người khoác áo mưa. Nhưng khi hỗ trợ xong, anh thấy vui, thấy mình có thể vượt qua những khó khăn đó.

Từ bản thân mình, anh biết các thành viên trong đội cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, vất vả khi phải làm việc đêm hôm. Vì thế, anh luôn khuyến khích mọi người chia sẻ những gì mình đang làm với người thân để tìm kiếm sự ủng hộ và động viên. “Biết đâu một ngày nào đó, những người thân sẽ đồng hành cùng các bạn ấy trên chuyến xe đi cứu người” - anh nói.

Tính đến thời điểm này, FAS Angel đã hỗ trợ được khoảng 2.500 vụ tai nạn, từ những xây xước nhẹ nhất đến những vụ tai nạn nặng.                        

{keywords}
 

Với kinh nghiệm nhiều năm chứng kiến các vụ tai nạn, anh Việt nhận thấy một phản xạ điển hình của người Việt là khi va chạm xảy ra, rất dễ nổi nóng, tranh cãi, thậm chí là ẩu đả không cần thiết, mà quên đi lúc ấy có ai bị thương, ai đang cần giúp đỡ.

“Một trường hợp như vậy xảy ra mới đây khi một ô tô và chiếc xe máy đâm vào nhau giữa ngã tư. Tôi ngồi gần đó nên chứng kiến toàn bộ sự việc. Sau va chạm, hai người xe máy bị thương rất nặng, máu đang chảy ra rất nhanh từ phần đầu. Nhưng khi tôi tiếp cận nạn nhân để sơ cứu thì những người đi ô tô nhất quyết không cho tôi động vào nạn nhân. Họ nói phía xe máy vượt đèn đỏ nên cứ để nguyên hiện trường, đợi công an tới giải quyết”.

“Tôi vừa thuyết phục vừa cảnh báo họ rằng nếu để 5-10 phút nữa, nạn nhân tử vong thì các anh là người chịu trách nhiệm. Lúc ấy, họ mới đồng ý cho tôi sơ cứu và đưa nạn nhân vào bệnh viện. Sau khi nạn nhân đã được trao cho bác sĩ, chiếc áo tôi đang mặc cũng thấm đẫm máu của người bị nạn. Lúc ấy, người đi ô tô mới nhìn tôi và nói rằng ‘cậu vất vả quá’”.

Dù muộn, nhưng đó là những lời động viên mà anh Việt hết sức trân quý. Những lúc ấy, anh cảm thấy công việc của mình đã được ghi nhận và cảm hoá được người khác.

Đó cũng là điều mà anh và FAS Angel đều mong muốn - con người quan tâm tới con người và chúng ta có niềm tin vào nhau.

{keywords}
 
{keywords}
 

Anh Việt cho biết, trong 75% vụ tai nạn anh gặp, người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, chất kích thích. Các nguyên nhân sau đó là do phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành luật giao thông. Những vụ tai nạn này đều gây hậu quả rất nghiêm trọng, không ít trường hợp phải trả giá bằng mạng sống.

“Tôi đã chứng kiến khoảng 60 người ra đi trong vòng tay của mình. Khi tôi đến nơi, họ đang trút những hơi thở cuối cùng. Có cả nạn nhân còn đang nằm nguyên dưới bánh xe container, một nửa thân thể bị đè bẹp. Trong những trường hợp ấy, tôi không thể làm gì thêm được nữa ngoài việc hứa sẽ liên lạc với người thân của họ để đưa họ về nhà”.

Người sáng lập FAS Angel nhớ lại một vụ tai nạn xe máy trên đường Khuất Duy Tiến mới đây: “Nạn nhân vừa uống rượu với bạn xong, trên đường về thì gặp tai nạn. Khi tôi đến thì nạn nhân đang trải qua những cơn co giật cuối cùng. Tôi đã nắm tay anh ấy và nói: ‘Tôi gọi cho người nhà đưa bạn về nhé!’. Tôi thấy anh ấy chớp chớp mắt như muốn đồng ý với tôi. Sau đó, anh ấy nôn ra lần cuối và nhắm mắt ra đi.

Khi người thân và bạn bè anh ấy đến, tôi mới biết vợ anh vừa sinh đứa con thứ 3. Tôi cũng kể cho bố anh ấy nghe cuộc trò chuyện cuối cùng đó để ông biết rằng con trai mình không cô độc trước khi trút hơi thở cuối cùng”.

Đó cũng là một trong những vụ tai nạn đau xót nhất do rượu bia mà anh chứng kiến.

{keywords}
 

Anh tâm sự, có những lần anh phải mất 1-2 ngày để tự trấn tĩnh mình, để thoát ra khỏi sự ám ảnh của những vụ tai nạn thảm khốc.

“Khi ngồi nghĩ lại về những tình huống đã gặp, tôi thực sự cảm thấy buồn, một chút tiếc và uất nghẹn vì đã không thể đến nhanh hơn. Nhưng cũng không phải vì thế mà anh em FAS dừng lại. Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thành viên để mạng lưới của chúng tôi không chỉ phủ sóng ở Hà nội mà còn lan tới ở các tỉnh thành khác”.

Mục đích sau cùng của FAS Angel vẫn là phổ biến cho càng nhiều người càng tốt những kỹ năng sơ cứu để bảo vệ bản thân và người xung quanh khi gặp nạn.                      

{keywords}
 

Tâm sự về công việc “vác tù và” của mình, anh Việt nói, ngay từ những ngày đầu thành lập đội, anh đã nhắc nhở các thành viên phải tuân thủ 5 tôn chỉ hoạt động, hay còn gọi là 5 Không: Không bỏ rơi - Không thu phí - Không phân biệt - Không tranh cãi - Không kết án.

Trước đây, khi anh về quê, câu hỏi mà anh được nghe nhiều nhất là: “Làm có được nhiều tiền không? Cứu người như thế có tiền đâu mà làm!”. Nhưng bây giờ, nhờ các phương tiện truyền thông mà công việc của anh và các đồng nghiệp được nhiều người biết đến hơn. Những câu hỏi trước kia đã được thay bằng: “Có vất vả lắm không cháu?”, “Đã cứu được nhiều người chưa?”.

Anh cảm thấy vui về sự thay đổi đó trong suy nghĩ của mọi người. Người sáng lập FAS Angel cũng chia sẻ rằng, trong số hơn 2.500 vụ tai nạn mà đội của anh từng sơ cứu, những lời cảm ơn mà các anh nhận được chưa quá 30.

“Nhưng chúng tôi không cảm thấy buồn về chuyện đó. Tôi luôn nghĩ rằng, biết đâu họ giữ lời cảm ơn đó trong lòng để một ngày nào đó họ cũng làm như chúng tôi khi gặp một vụ tai nạn. Điều đó còn quý hơn nhiều lần những lời cảm ơn mà họ nhắn gửi cho chúng tôi”.

{keywords}
 

Hiện tại, chưa có bất cứ tổ chức nào hỗ trợ về mặt tài chính cho FAS Angel, mà chỉ có một số cá nhân gửi tặng nhóm các trang thiết bị như bông băng, áo phản quang, gậy phát sáng, nẹp xương… “Tất nhiên, một số thiết bị trong đó rất đắt tiền nhưng khi chúng tôi đã dùng cho nạn nhân rồi thì không lấy lại được. Chúng tôi cần sự hỗ trợ thường xuyên hơn”.

Mới đây, anh Việt có nộp báo cáo về FAS Angel cho Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội để xin sự hỗ trợ và nhờ kết nối với các đoàn thể khác cùng đồng hành trong tương lai.

Năm 2020, UBND TP.Hà Nội đã trao tặng anh Phạm Quốc Việt danh hiệu Người tốt Việc tốt vì sáng kiến và những đóng góp của anh cho cộng đồng.

{keywords}
 

Bài: Nguyễn Thảo Thiết kế: Hồng Anh