Học trường Y, làm bác sĩ, là "công tử Hà thành", KOL trên mạng xã hội với hơn 60 nghìn người theo dõi... Đây là "profile" ấn tượng của bác sĩ Dương Minh Tuấn.

Nhưng bỏ qua hết những danh xưng ấy, cách đây 4 năm, bác sĩ sinh năm 1991 đăng ký tham gia chương trình Đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Bộ Y tế. Thời điểm này, Tuấn đang là bác sĩ của một bệnh viện tư ở TP.HCM với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Từ TP.HCM, Tuấn được điều động về Bệnh viện Bạch Mai để được đào tạo chuyên khoa I với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Hai năm sau, bác sĩ trẻ nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình - một huyện biên giới Việt Lào, nơi anh trở thành bác sĩ nội tổng quát.

Không giống như ở Bệnh viện Bạch Mai, nơi vùng biên “thiếu đủ thứ”, anh phải làm bác sĩ cho tất cả các bệnh, kể cả đỡ đẻ. Tuy nhiên, là một người xông xáo và thích trải nghiệm, Tuấn không hối hận về quyết định ấy của mình.

Mới đây, anh lại xung phong vào tâm dịch TP.HCM để hỗ trợ các đồng nghiệp đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19.

Khu thu dung tập trung Quận 10 mà anh đang làm việc ban đầu được dựng lên với mục đích tập trung hết bệnh nhân dương tính của các phường. Sau đó, dựa trên tình trạng bệnh để phân loại, đẩy lên các tầng tiếp theo. Nhưng do các tầng trên đều quá tải nên khu thu dung lại hoạt động như một bệnh viện dã chiến điều trị các bệnh nhân nhẹ. Hiện ở đây có khoảng 300 bệnh nhân đang điều trị, cả bệnh nhân và y bác sĩ đều ăn ngủ trong khuôn viên của một trường học. 

Bác sĩ Tuấn nói rằng, kỹ năng “gì cũng biết” ở Minh Hoá lại giúp ích rất nhiều cho anh trong thời gian này. 

{keywords}
 

 

{keywords}
 

- Cuộc sống của bác sĩ Tuấn 8 tuần vừa qua đã thay đổi như thế nào?

Tôi giảm được 6kg - từ 95kg xuống 89kg. Đây là một thay đổi tích cực đấy, vì tôi đang béo (cười).

- Trong 8 tuần làm việc với các F0, theo bác sĩ, hình ảnh nào mô tả rõ nhất sự khốc liệt của trận chiến này?

Đó là sự ra đi rất nhanh của một bệnh nhân 35 tuổi. Chị ấy nhập viện cùng người mẹ 65 tuổi.

Bác gái có rất nhiều bệnh nền, khó thở, oxy máu tụt xuống 90; còn chị ấy chỉ hơi khó thở, tức ngực, các chỉ số đều tốt. Tôi dự đoán bác gái sẽ là người có nguy cơ cao, nhưng chị ấy lại là người ra đi trước, ngay trong buổi chiều hôm đó. Khi bọn tôi cấp cứu, người chị ấy đã tím ngắt, oxy máu tụt liên tục, rồi đi vào ngừng tim. Sau một hồi cấp cứu không có kết quả thì chị ấy ra đi.

Đó là cái chết đầu tiên tôi chứng kiến từ khi vào TP.HCM. Trước đó, tôi cũng không nghĩ là căn bệnh này lại kinh khủng đến thế.               

- Có khoảnh khắc nào đó bạn cảm thấy sợ hãi?

Đó là những khi tôi theo xe chuyển bệnh nhân lên các khu hồi sức hoặc các tầng cao hơn. Chứng kiến người ta đẩy những xe chở thi thể bệnh nhân ra ngoài, tôi thấy sợ hãi. Không biết đến một lúc nào đấy chính tôi có bị nhiễm bệnh không.

Cơ thể tôi béo như thế này thì chắc là sẽ trở nặng nhanh. Vì đúng là con vi rút này rất thích người béo phì (cười).

- Đó có phải là động lực để bạn tiếp tục giảm cân không?

Tôi giảm được 6kg rồi đấy. Còn có giảm tiếp hay không thì tuỳ vào… diễn tiến dịch bệnh (cười).

{keywords}
 

- Áp lực nhất của bạn khi làm việc với bệnh nhân Covid-19 là gì?

Áp lực nhất là nhìn bệnh nhân ra đi liên tục trước mắt. Có lần tôi đang ép tim cho bệnh nhân này thì bệnh nhân khác vào và ngừng tuần hoàn luôn. Mỗi kíp trực chỉ có 1-2 bác sĩ…

- Tâm lý của các bác sĩ bị ảnh hưởng như thế nào trước những hình ảnh đó?

Sức khoẻ tinh thần chính là cái mà chúng tôi chưa được chăm sóc nhiều nhất. Tôi mới vào có hơn 8 tuần, mọi người thì đã làm rất lâu rồi. Tôi có cảm giác các đồng nghiệp phải nén lại những áp lực khủng khiếp đó, lúc nào cũng phải tự nhủ trong đầu rằng tôi phải thế này thế kia. Đến một lúc nào đó, họ có những biểu hiện của bệnh tâm lý mà không hề biết.

- Ví dụ như?

Ví dụ như bản thân tôi, có hôm đang ngồi ăn mà thấy bạn bên cạnh gõ cái đũa thôi là cũng thấy khó chịu, rồi quát nhặng lên. Trong khi những việc đó bình thường đâu đến mức tôi phải phản ứng như thế. Vô hình chung, tôi bị dồn nén những áp lực vào trong mà không biết, rồi chỉ vì một hành động nhỏ mà tôi “bùng nổ” ra.

{keywords}
 

- Người ta đang nói nhiều đến chuyện đãi ngộ cho nhân viên y tế chống dịch. Bạn có thấy mình và các đồng nghiệp đang được đãi ngộ chưa tương xứng?

Tôi thấy mọi người bức xúc chuyện tại sao lương của bác sĩ tuyến đầu thấp. Thực ra, lương nghề y từ xưa đến nay vẫn thấp, tuy nhiên bọn tôi ở trong ngành cũng không để ý đến vấn đề đấy đâu.

Chỉ là, trong khi đồng lương eo hẹp như thế, thì thay vì động viên nhau người ta lại dồn áp lực xuống nhân viên y tế. Không nên nói rằng đây là việc của anh, là nhiệm vụ của anh, anh là bác sĩ thì anh phải hi sinh, phải thế này thế kia... Họ quên mất bác sĩ cũng chỉ là con người. Bác sĩ cũng có gia đình, có cuộc sống riêng.

Tôi nghĩ, đến thời điểm này, thứ bọn tôi mong muốn nhất chỉ là sự động viên. Về vật chất thì không cần nhiều nhưng phải kịp thời.

- Hiện tại, bữa cơm, giấc ngủ của các y bác sĩ chống dịch được chăm sóc như thế nào?

Chất lượng bữa ăn hơi đạm bạc so với khối lượng công việc mà nhân viên y tế phải làm. Nhưng mới đây, tôi thấy thành phố cũng đã có công văn yêu cầu rà soát lại việc này. Hi vọng thời gian tới y bác sĩ sẽ được chăm sóc tốt hơn. 

- Bạn và các đồng nghiệp có đang bị quá tải không?                               

Sau khi có chỉ đạo mới là cho bệnh nhân điều trị tại nhà, kể cả bệnh nhân có tải lượng vi rút cao thì khối lượng công việc của chúng tôi cũng đỡ hơn. Ba tuần nay, tôi thấy có giảm còn khoảng 7-8 phần.

Tuy nhiên, đâu đó cách này lại làm nặng gánh hơn cho các đồng nghiệp của chúng tôi ở tầng trên. Bởi vì khi bệnh nhân ở nhà, nếu không đủ nhân lực y tế theo dõi họ, hoặc nếu họ không biết cách tập thở cho đúng, hay sử dụng thuốc sai liều lượng, bệnh nhân có thể nặng lên rất nhanh, phải đưa vào các tầng trên thì rất nặng nề cho các bác sĩ.   

{keywords}
 

- Có ý kiến chuyên môn cho rằng nên điều trị bệnh nhân Covid-19 như các loại bệnh khác, tức là cho bệnh nhân nhập viện tuyến dưới trước, bệnh nhân nào nặng thì mới chuyển lên tuyến trên, chứ không phải dồn vào các bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện dã chiến. Bác sĩ nghĩ sao về mô hình điều trị này? 

Tôi cho rằng đó là cách làm khả thi với tất cả loại bệnh. Đầu tư vào các bệnh viện tuyến dưới để giảm gánh nặng đến mức tối đa cho tuyến trên là cách mà tất cả các nước trên thế giới đang làm, chứ không phải như chúng ta - tất cả đổ dồn vào Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy… Nhưng chúng ta chưa làm được điều đó bởi vì bệnh viện tuyến dưới nhân lực yếu, thiếu trang thiết bị.

Trước đây, TP.HCM phân ra làm 5 tầng điều trị Covid-19, bây giờ đã thu gọn thành 3 tầng. Trước, người ta chỉ tập trung cho bệnh nhân nặng nhưng quên mất là những tầng dưới là tiền đề để quyết định bệnh nhân có trở nặng hay không.

{keywords}
 

- Từ bệnh viện trung ương về bệnh viện huyện, bây giờ lại ở một khu thu dung giống như bệnh viện dã chiến, sự khác biệt giữa 3 môi trường làm việc này là gì? 

Về công việc, ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp - được tập trung vào một chuyên khoa, máy móc, trang thiết bị tốt, có nhiều cơ hội học tập, phát triển.

Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá, do thiếu người, tôi phải phụ trách nhiều loại bệnh khác nhau, kể cả là hỗ trợ mổ đẻ. Do thiếu trang thiết bị, tôi phải sử dụng tất cả kỹ năng khám lâm sàng để chẩn đoán và điều trị bệnh. Ở đó, bệnh nhân hầu như là người dân tộc, người nghèo nên bọn tôi hạn chế chuyển tuyến để đỡ tốn chi phí cho bệnh nhân và cũng để người dân tin tưởng hơn vào bệnh viện tuyến huyện.

Còn ở khu thu dung Quận 10, cái khác nhất là phải làm việc trong trang phục bảo hộ. Tôi hay trực ở buồng cấp cứu nên những kỹ năng ở Minh Hoá lại giúp ích nhiều.

- Thế còn về đời sống sinh hoạt thì sao, bạn có bị “sốc” văn hoá không?                       

Sinh hoạt thì thay đổi hoàn toàn. Khi còn ở Hà Nội, TP.HCM, đời sống tiện nghi bao nhiêu thì về một huyện biên giới sẽ ngược lại.

Ở Minh Hoá, tôi được bệnh viện bố trí cho một căn phòng 15m2 nằm trong khuôn viên của bệnh viện, chỉ có 1 chiếc giường và 1 cái bàn thôi.

Còn ở đây, chúng tôi ăn ngủ trong hội trường của một trường học, mỗi người được phát một chiếc ghế xếp để ngủ. Nhưng những chuyện đó không quan trọng lắm với tôi. Tôi có thể thích nghi được, có gì dùng đấy. Quan trọng là tinh thần phải thoải mái.

{keywords}
 

- Bác sĩ Tuấn vui tính, hài hước như thế chắc là được nhiều đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý?

Tôi được nhiều người yêu quý vì tính cách thẳng thắn, bộc trực và hài hước, nhưng có những người không thích tôi cũng vì những tính cách ấy.

Bệnh nhân thì đa số quý tôi vì tôi rất nhẹ nhàng và hay đùa. Tôi đi thăm khám các phòng là hầu như phòng nào cũng cười hết.              

- Bạn làm bệnh nhân cười như thế nào?

Ví dụ như trong trường hợp người nhà hay xúm vào bên giường bệnh rất đông. Nếu y bác sĩ nào nóng tính có thể quát hoặc nói giọng khó chịu, nhưng tôi quát theo cách hài hước hơn, ví dụ như: “Này, mấy người kia, ăn buffet trong này đấy à?”. Thế là mọi người sẽ cười rồi đi ra ngoài trong vui vẻ, thay vì đi ra trong sợ hãi hay tức giận. 

- Trải nghiệm trong đợt chống dịch này có khiến bạn thay đổi thái độ sống của tôi không?

Có. Thay đổi lớn nhất là tôi thường xuyên gọi điện về cho mẹ, nói yêu mẹ nhiều hơn. Là một bác sĩ, chứng kiến nhiều sự mất mát, ra đi, tôi cũng đã biết sự vô thường của cuộc sống. Nhưng bây giờ nó hiện hữu ngay trước mắt tôi, rõ ràng hơn bao giờ hết. 

Nó thôi thúc tôi, nhắc tôi phải nói ra tình cảm của mình với những người mình quan tâm, chứ không chần chừ vì lý do này, lý do kia nữa.

Tôi thấy ranh giới giữa sự sống, cái chết mong manh quá. Những bệnh nhân của tôi vào đây còn không có cơ hội để dùng từ “lúc khác”. Mọi thứ ập đến nhanh như một cơn bão và cứ thế cuốn đi luôn. Đó cũng là bài học lớn nhất mà tôi học được.

{keywords}
 
{keywords}
 

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Quốc Dũng

Bên trong ‘cánh cửa cuối cùng’ của những F0 nguy kịch

Bên trong ‘cánh cửa cuối cùng’ của những F0 nguy kịch

Trong cơn mê man, hoảng loạn, một bệnh nhân đã lấy điện thoại nhắn tin cho con: "Mẹ chết rồi. Đến đón mẹ về đi".