- NSND Thu Hiền đã bước sang tuổi 72 nhưng vẫn giữ được sức khỏe và tinh thần tốt. Bà có bí quyết đặc biệt gì?

Về sức khỏe, quy luật tuổi tác không ai có thể tránh khỏi. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng giảm, nhưng tôi nhận ra điều quan trọng nhất là phải giữ được tâm hồn lạc quan và suy nghĩ tích cực. Bên cạnh đó, tôi bằng lòng với những gì đang có và nhìn mọi thứ xung quanh một cách nhẹ nhàng nhất.

Mỗi ngày, tôi thường dậy lúc 6h sáng và đi bộ, tập thể dục. Sau đó, tôi về nhà lo cơm nước cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa. Tôi thấy cuộc sống trọn vẹn vì cả gia đình vẫn khỏe mạnh. Tôi tin rằng có sức khỏe thì muốn làm gì cũng được… Hiện tại, ngoài những công việc chuyên môn về nghệ thuật, tôi còn làm bổn phận của người phụ nữ trong gia đình - đó là người vợ, người mẹ và người bà của các cháu. 

Tôi vẫn đi hát, nhưng không còn nhiều như giai đoạn trước, chủ yếu để bớt nhớ nghề hoặc tham gia những chương trình âm nhạc quốc gia. Tôi hiện sống cùng gia đình ở TP.HCM, thỉnh thoảng bay về Hà Nội để đi diễn, dạy học trò hoặc gặp gỡ bạn bè.

- Ngoài 70 tuổi vẫn đi diễn, chồng bà có lo lắng nhiều?

Không! Chồng tôi rất quen với cảnh đi công tác vì từng là người lính. Ông xã cũng hiểu được tính chất công việc của tôi nên không quá lo lắng mà động viên, hỗ trợ trong công việc.

Ở tuổi 72, sức khoẻ tôi cũng có giới hạn, muốn biểu diễn phục vụ khán giả nhiều cũng chẳng được… Tôi hạn chế nhận show, lùi về sau để các nghệ sĩ trẻ tiếp bước, thỉnh thoảng tham gia những sự kiện nghệ thuật của quốc gia. Trước mỗi lần đi biểu diễn, tôi sắp xếp việc nhà ổn thỏa. Ông xã luôn hiểu, thông cảm, ủng hộ công việc, sở thích của vợ.

- Trong mắt NSND Thu Hiền, ông xã Vũ Ngọc Đỉnh (Anh hùng phi công thời chiến với thành tích bắn hạ 6 máy bay Mỹ vào năm 1970 - PV) đặc biệt như thế nào?

Ở tuổi xế chiều, tôi và ông xã không còn như ngày trẻ. Nếu ngày xưa cả hai ấn tượng, khâm phục nhau bởi những chiến tích oanh liệt, dũng cảm, hào hùng thì bây giờ là sự kính trọng và nghĩa vợ chồng. Tôi và ông xã chỉ mong có sức khoẻ để sống cùng các con. 

Chồng tôi đã bước sang tuổi 84, dành cả cuộc đời gắn liền với binh nghiệp, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… Hiện tại, ông ấy vẫn khỏe mạnh là may mắn, không còn đòi hỏi gì hơn. Thỉnh thoảng chồng tôi đi họp mặt cùng đồng đội hoặc tham gia những sự kiện có thể cống hiến, giúp ích cho quê hương.

- Là người hát nhiều ca khúc cách mạng thời chiến, vậy tác phẩm nào nhiều kỷ niệm nhất với bà?

Đối với tôi, mỗi ca khúc đều mang dấu ấn riêng. Mỗi chiến dịch lại có những bài hát mới ghi lại kỷ niệm của cột mốc lịch sử ấy.

Ví dụ như bài hát Đường Trường Sơn xe anh qua tái hiện chặng đường của những người lính vượt Trường Sơn, Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân) đánh dấu thời khắc đất nước có chiến tranh nhưng người dân vẫn lạc quan với những câu hò hào hùng về chiến thắng… Những người thể hiện các ca khúc ấy đều tự hào và nó trở thành một phần kỷ niệm đẹp trong suốt hành trình hoạt động nghệ thuật.

- Niềm vui lớn của bà là được làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Động lực nào thúc đẩy bà tích cực làm việc thiện nguyện?

Sinh ra và lớn lên từ làng quê, chứng kiến đất nước đi lên từ nghèo khó nên tôi thấu hiểu và đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Khi cuộc sống tạm ổn, tôi nghĩ nên giúp đỡ họ trong khả năng của mình.

Hồi còn sống ngoài Bắc, thỉnh thoảng tôi hỗ trợ bạn bè, đồng nghiệp. Từ ngày chuyển vào miền Nam, tôi ấn tượng với con người nơi đây bởi sự hiền hòa, dễ chịu… nên càng yêu quý mảnh đất này. Tôi và các con chẳng giàu có hay dư giả gì nhiều, nhưng được đồng tiền nào cứ tích góp, trích ra một ít làm từ thiện. Mỗi lần giúp đỡ được ai đó, tôi rất vui, xem đó là cách để tri ân quê hương, đất nước.

- Bà có tiếc nuối khi các con không theo nghệ thuật?

Tôi không tiếc nuối về điều này. Thế hệ của các con không thích bị bó buộc theo một quy luật nào cả, yêu thích gì cứ làm cái đấy. Hồi các cháu còn bé, tôi có định hướng theo nghệ thuật, đứa học piano, đứa học đàn bầu… Lớn lên, các con thấy không có năng khiếu nên rẽ ngang, theo đuổi đam mê riêng. Tôi luôn tôn trọng và ủng hộ vì các con có quyền lựa chọn và sở trường riêng.

Tôi nghĩ lạc quan, không truyền lửa nghệ thuật được cho con thì dạy học trò, những ai có niềm đam mê với nghiệp ca hát, vậy là mãn nguyện!

Tôi không dạy ở trường lớp chính thức, thường học viện sẽ gửi gắm cho tôi các học viên. Trong quá trình giảng dạy, tôi không tập trung quá nhiều vào kỹ năng thanh nhạc mà chủ yếu truyền tải vốn sống, đạo đức nghề, kinh nghiệm biểu diễn... Theo tôi, nếu chỉ học tập ở trường lớp, các em sẽ không có đủ tố chất, sự rung động trên sân khấu để chạm đến trái tim khán giả và trở thành người nghệ sĩ thực thụ. 

Thế nên, tôi thường chia sẻ những trải nghiệm cho học trò. Hát dân ca phải như thế nào để lan tỏa cảm xúc đến người nghe, thể hiện văn hóa vùng miền… là điều cần học hỏi và rèn luyện. Tôi dạy rất nhiều học viên, hầu như các em đều đạt giải thưởng, thành tích.

- Tiếp xúc nhiều ca sĩ trẻ, bà nhận xét gì về thế hệ sau?

Thế hệ của tôi và các em có nhiều điểm khác biệt. Cuộc sống thời đó nghèo khổ, thiếu thốn... người nghệ sĩ ít đất diễn và điều kiện làm nghề. Với chúng tôi, chiếc áo dài hay hộp phấn rất xa xỉ và quý giá, có khi một chiếc áo đến bốn người mặc chung. Tuy nhiên, chúng tôi lại có nhiều thời gian rèn luyện giọng hát, không áp lực kiếm tiền mà chỉ phục vụ nghệ thuật cho đất nước.

Thời nay lại khác, nhìn một cách tích cực, các nghệ sĩ trẻ có đầy đủ điều kiện phát triển về mọi mặt. Một bài hát có thể thu đi thu lại nhiều lần và thêm phần hình ảnh bổ trợ, cách tiếp cận khác giả khác nhau, diễn trên sân khấu cũng được diện quần áo đẹp... Hơn nữa, các em được đào tạo kỹ năng, kiến thức về nghệ thuật bài bản và đất diễn đa dạng. Nhưng nếu các em không năng động, sáng tạo và tích cực sẽ bị thụt lùi. Đây là thời đại “trăm hoa đua nở”.

Với dòng nhạc dân ca, các ca sĩ trẻ phải làm thế nào thả cảm xúc vào bài hát và khi cất giọng chạm đến trái tim của khán giả. Quan trọng nhất, các em phải giữ một thái độ, phẩm chất chuẩn mực của người nghệ sĩ. Ngay cả tôi, khi được khán giả yêu thương cũng rất hạnh phúc và thấy may mắn! Nhưng càng được yêu thương, tôi càng phải học tập, gìn giữ phẩm chất.

- Vì sao ở tuổi 72 bà vẫn phải học tập?

Tôi đã hát trên sân khấu được 62 năm, có rất nhiều kỷ niệm và kinh nghiệm. Tuy nhiên, dù đi trước, tôi vẫn học hỏi thế hệ sau. Tôi thường mua băng đĩa của các ca sĩ trẻ, đồng nghiệp về nghe để bắt kịp xu hướng và cảm nhận chất giọng của các em. Bên cạnh đó, tôi còn học từ cách hòa âm phối khí đến lối thể hiện, sao cho mới mẻ, bớt nhàm chán. Thời của tôi, ca sĩ chỉ đến với khán giả bằng tiếng hát, giờ các em có rất nhiều đất diễn và điều kiện để làm sản phẩm chất lượng.

- Nhìn lại chặng đường đã đi qua, bà có tiếc nuối điều gì?

Nhìn lại 62 năm gắn bó với sân khấu, tôi thấy mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Nhà nước giao phó và tự hào với dòng nhạc mình theo đuổi. Tôi không còn gì phải nuối tiếc vì đã cống hiến tận tâm cho Tổ quốc…

Hiện tại, sức khoẻ đã giảm sút, tôi chỉ biết giúp đỡ, truyền lửa cho thế hệ trẻ để phát huy nền văn hoá nghệ thuật của dân tộc. Khi thấy các em say mê với âm nhạc, tôi phần nào cũng được an ủi vì đã hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật

Bài: Phước Sáng

Thiết kế: Hồng Anh