Nhà báo Hà Sơn: Bạn chỉ có một tuần nghỉ ngơi sau khi đoạt HCV nhảy xa tại giải Asiad 2018. So với thành tích đạt được ở SEA Games 29 bạn đã hài lòng về mức nhảy mình đạt được?
VĐV Thu Thảo: Thi đấu Asiad chúng tôi không quan trọng thành tích cho lắm, chỉ cần thi đấu nỗ lực hết mình chiến thắng các vận động viên (VĐV) khác để mang huy chương vàng về cho Tổ quốc. Thành tích Asiad lần này của tôi 6m55 kém 13 phân so với thành tích SEA Games năm ngoái. Do đấu trường lần này thuộc khu vực Châu Á, các VĐV vào thi đấu hơi bị tâm lý, tôi cũng thế nên không thể vượt qua thành tích trước đó của mình.
Clip 1: VĐV Thu Thảo nói về thành tích cũng những bạc bẽo của nghề.
Lịch tập luyện của bạn mỗi ngày ra sao và những bí quyết để nhảy được xa? Bạn bảo vệ đôi chân mình cẩn thận chứ?
- Lịch tập của tôi không theo giờ mà theo giáo án của HLV, có hôm dài hôm ngắn nên không cố định. Còn về đôi chân, không phải riêng gì tôi mà tất cả các VĐV thể thao đều giữ gìn đôi chân để mang lại nhiều thành tích cao. Tôi có tố chất may mắn là tốc độ và sức bật tốt nên các bài tập thường sử dụng hai yếu tố đó để giúp mình có những có thành tích xa hơn.
Trước khi có được những vinh quang ngày hôm nay, bạn có tới 6 năm không có thành tích gì và liên tục chuyển môn thể thao để theo đuổi. Đó có phải là giai đoạn khó khăn nhất bạn phải đối diện? Có lúc nào bạn mệt mỏi muốn bỏ cuộc?
- Năm 2012 tôi bị chấn thương lưng, gối và bàn chân, lúc ấy muốn nghỉ tập luyện thể thao cũng may được sự động viên từ gia đình, bố mẹ và thầy Nguyễn Trọng Hổ giúp đỡ khích lệ để chữa trị và quay lại tập luyện. Tôi tự nhủ nếu quyết tâm theo đuổi thể thao hãy cố gắng tập luyện thật tốt để mang tấm huy chương cho bố mẹ.
Bạn chia sẻ gì về HLV Nguyễn Mạnh Hiếu và Nguyễn Trọng Hổ - hai người thầy sát sao, động viên về tinh thần cũng như những kinh nghiệm, bí quyết giúp bạn có những thành tích cao trong môn nhảy xa?
- Người thầy đầu tiên Nguyễn Trọng Hổ từ thời tôi mới xuống huyện thi, thầy là người đầu tiên phát hiện tố chất của tôi để hướng tôi xuống Tỉnh tập các môn nhảy cao, nhảy xa, chạy. Thầy nói tôi chuyển sang tập 7 môn cho khỏe và nếu có tố chất nhảy xa sẽ cho quay lại môn này. 2011, tôi nhảy xa phá kỷ lục trẻ dành huy chương vàng quốc gia, thầy chuyển tôi sang chỉ tập trung cho nhảy xa từ đó.
Người thầy thứ hai Nguyễn Mạnh Hiếu huấn luyện tôi từ 2016. Hai thầy trò rất có duyên với nhau, cố gắng tập luyện và thật may mắn đều dành huy chương vàng.
Thể thao dễ đưa người ta lên bục cao vinh quang nhưng cũng được xem là nghề nhiều bạc bẽo. Chắc bạn đã nghe câu chuyện của nữ hoàng điền kinh Vũ Bích Hường - một VĐV từng có thành tích rất cao nhưng cuộc sống của chị hiện tại nhiều khó khăn và bệnh tật. Là một VĐV, Thu Thảo có lo ngại gì về tương lai phía trước và nghề mình đang theo đuổi?
- Tôi may mắn khi được UBND Thành phố, Sở và Trung tâm, bộ môn điền kinh Hà Nội quan tâm nên được vào biên chế từ tháng 4/2018. Do đó tôi toàn tâm toàn ý không vướng bận cho tương lai cố gắng tập luyện thi đấu mang lại thành tích cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Nhiều VĐV nói nghề thể thao này bạc lắm. Nếu có thành tích, có huy chương được người ta tung hô, tiền thưởng còn không được sẽ không được gì. Tôi thấy nhiều người nói như vậy cũng đúng. Nhưng với riêng tôi thấy thể thao mang lại cho mình sức khỏe đầu tiên và thể thao giúp mình trưởng thành hơn.
Truyền thông phong cho Thu Thảo là "Nữ hoàng nhảy xa", "Thảo Bò Vàng", còn bạn, nếu để nói về mình sẽ nói gì?
- Tôi cũng không biết nói gì. (cười). Nhiều anh chị báo chí đặt như vậy tôi thấy rất hay và may mắn khi được gọi như vậy. Tôi thấy những tên đó phù hợp với mình vấn đề làm sao cố gắng tập luyện thật tốt để mỗi lần thi đấu đều mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Gia đình Thu Thảo có những ai theo thể thao?
- Bố tôi bị thấp khớp 17 năm không làm được gì, mẹ tôi là nông dân ở nhà chủ yếu phụ giúp việc nhà chăm sóc bố là chủ yếu. Tôi có 2 người anh trai, anh trai cả chưa lấy vợ, anh thứ 2 đã có gia đình và ở riêng. Tôi là cô gái út trong gia đình và nhà chỉ có tôi theo thể thao.
Bố bị thấp khớp 17 năm, mẹ chỉ giúp bố là chính. Vậy kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào mức lương đi tập luyện thi đấu của bạn để trợ cấp cho gia đình phải không?
- Vâng, bây giờ tôi đã lấy chồng nhưng mỗi tháng vẫn phải trợ cấp cho bố mẹ để mua thuốc thang và mua gì đó ăn uống bởi bố bị bệnh như vậy, mẹ tôi cũng già không làm gì được. Tôi đi tập luyện có chút tiền thưởng, tiền công thì giúp đỡ bố mẹ.
2017 khi bạn đoạt Huy chương Vàng SEA Games, bố bạn ở Việt Nam đã phải nhập viện. Vậy trong quá thi bạn có biết thông tin này không?
- Trước khi thi đấu tôi không biết. Tôi có gọi điện về gặp mẹ và nói muốn gặp bố nhưng mẹ bảo bố nằm trong buồng nhưng thực tế lúc đó bố nằm viện. Gia đình giấu vì sợ tôi hôm sau thi đấu ảnh hưởng không có thành tích tốt. Hôm thi đấu xong tôi gọi về nhà nói chuyện với mọi người và hỏi bố đâu lúc đó mọi người mới nói bố đang nằm viện.
Cái nghèo nào khiến bạn thương nhớ nhất? Quãng thời gian bạn phải đóng gạch thuê thậm chí là làm thợ phu hồ có phải là những năm tháng đáng nhớ với bạn?
- Trước khi tôi theo thể thao chuyên nghiệp, gia đình có đấu thầu đất để làm lò gạch. Khu đất ấy toàn là ao hồ nên bố mẹ phải vay mượn nhiều tiền để múc đất lên, xây lò, thuê người làm công. Sau một thời gian, bố tôi bị bệnh thấp khớp, bị phổi, gan khiến sức khỏe yếu đi nên không làm được và nợ nần nhiều. Bố tôi phải đi các nơi chữa trị mà bệnh không thuyên giảm.
Trong thời gian đó người ta cấm làm lò gạch nên bố mẹ không làm và nợ nần mấy trăm triệu, hoàn cảnh nhà tôi lúc đó vay lãi vì vậy đến bây giờ vẫn còn nợ.
Clip: VĐV Thu Thảo nói về việc phải trả nợ cho người thân.
Đến bây giờ khi bạn đã dành rất nhiều giải thưởng, nhận nhiều Huy chương Vàng mà vẫn chưa trả nợ hết cho gia đình hay sao?
- Vẫn chưa trả nợ hết chị ạ. Một phần là bởi tôi đã lấy chồng nên phải lo cho tổ ấm riêng của mình. Được tiền thưởng tôi cũng giúp bố mẹ trả nợ phần nào vì khoản nợ khá nhiều. Lúc bố mẹ tôi sửa nhà tôi cũng phải rút tiền để hoàn thiện nhà, sơn nhà và cho bố mẹ tiền hàng tháng.
Nói chung bao nhiêu năm tiền thưởng cũng được ít. Những năm trước tiền thưởng cũng được ít lắm, chẳng được bao nhiêu, tiêu pha và mua đồ dùng con gái hay việc nọ việc kia cũng như cho bố mẹ mấy triệu mỗi tháng nói chung cũng chẳng còn đồng nào.
Như chia sẻ bạn vẫn đang có nỗi lo, câu chuyện buồn phía sau những hào quang?
- Hai vợ chồng tôi cưới nhau đã được 3 năm, do chồng làm công nhân cũng chẳng được bao nhiêu nên đến giờ chúng tôi vẫn phải thuê nhà trọ. Chồng muốn tôi an tâm tập luyện nên đã thuê nhà trọ cách trung tâm tôi tập luyện hơn 1 cây số để lúc nào rảnh tôi về với chồng.
Các VĐV được Huy chương vàng mọi người cứ tưởng được thưởng nhiều lắm nhưng thật ra chẳng được bao nhiêu như SEA Games chúng tôi được thưởng 4 hoặc 5 triệu cho 1 Huy chương vàng hay Asiad thưởng 70 triệu trong khi đó SEA Games 2 năm một lần còn Asiad 4 năm một lần. Còn các giải khác toàn giải mở cũng gần như chẳng có tiền, chỉ có thi thoảng có giải nào đó có huy chương mới có tiền.
Lương VĐV của chúng tôi cũng thấp, chế độ không được cao lắm. Chế độ đặc biệt chuẩn bị Asiad tháng được 10 triệu còn nếu không chúng tôi cũng chỉ được 150 ngàn/ngày với 200 ngàn tiền ăn. 200 ngàn tiền ăn chúng tôi ăn hết còn 150 ngàn/ngày chỉ được 26 ngày vì không có tiền công Chủ Nhật, tính ra mỗi tháng cũng được 3,9 triệu/tháng.
VĐV như tôi rất nghèo không có tiền. Ra ngoài mọi người cứ tung hô tôi lắm tiền lắm vì thi giải nào cũng đoạt huy chương, nhà nước phải thưởng mấy trăm triệu, này nọ. Như SEA Games 2017 tôi về nước, người ta bảo chắc được thưởng tỉ nọ tỉ kia rồi chung cư Hà Nội nhưng thật ra có được bao nhiêu đâu, tổng tiền thưởng được gần 100 triệu.
Năm nay Asiad, nhà nước thưởng và Ủy ban Olympic lần đầu tiên thưởng nóng VĐV nhiều là 300 triệu và có nhà tài trợ nào thưởng VĐV mới được nhiều còn đâu thật ra chẳng được bao nhiêu.
Phần 2: Nghèo mà ngọt ngào: Bao người mơ ước được như 'nữ hoàng' Thu Thảo
Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Phúc
Thiết kế: Đỗ Diễm Anh
Ảnh: Tuấn Mark