Ông Hoàng Xuân Mừng (SN 1962, trú thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) tâm sự, năm lên 8 tuổi, trong một lần gia đình ông bị giặc dồn vào ấp chiến lược không may bị bom đánh trúng. Gia đình ông bị chết 1 người, 3 người khác bị thương nặng. Ông bị cụt chân phải và mang mặc cảm từ đó.
Nhà đông anh em, cảnh sống cơ cực, đến miếng ăn còn khó, gắng gượng học đến lớp 9 thì ông Mừng quyết định nghỉ học để học may.
Năm 1988, ông Mừng nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Huế (SN 1966, trú thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, Gio Linh). Hai vợ chồng góp sức làm hơn 1,5 mẫu ruộng, nuôi thêm trâu, bò phục vụ kéo, cày.
Ông Mừng cũng thử sức làm nhiều công việc hơn. Nếu trước đây nghề may vá là chính thì giờ ông làm ruộng, học thêm nghề thợ xây, thợ mộc, thợ sửa xe rồi nghề đan lát… để khi có việc thì có thể làm ngay, dành dụm được đồng nào hay đồng đó.
Ông Mừng tâm sự: “Xưa, mái tranh vách đất, làm kiếm miếng ăn, sau nuôi 4 đứa con nên vất vả đủ bề, lắm lúc suy nghĩ bế tắc. Hai vợ chồng chỉ biết tựa vai, bảo ban cùng nhau cố gắng vì con cái”.
Nay, cuộc sống của gia đình ông đã khấm khá, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Gia đình ông Mừng nuôi 3 lứa heo bột với số lượng 180 con/năm, doanh thu gần 200 triệu đồng. Chưa kể, ông còn nuôi 4 con heo nái đẻ bán giống và nuôi thêm gà đá, gà thịt, góp vào kinh tế của gia đình thêm 20-30 triệu đồng/năm.
Năm 1997, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thi thể thao, văn nghệ người khuyết tật, ông hăng hái tham gia.
Bản thân chưa có kinh nghiệm nên năm đó ông Mừng không có giải gì. Tuy nhiên, hội thi đã mang lại cho ông nhiều động lực và nung nấu trong ông niềm hy vọng sẽ đoạt giải ở các cuộc thi tới.
Từ đó, ông lao vào tập luyện để rồi 15 năm liên tiếp ông đều góp mặt dự thi ở nhiều môn khác nhau và được đánh dấu bằng những kết quả rất ấn tượng.
“Mình cố gắng tham gia các cuộc thi, là tạo cơ hội để mình có môi trường tiếp xúc, giao lưu với những người có cùng số phận như mình, xem cách họ cố gắng để mình học hỏi”.
Nói là làm, ông Mừng về nhà, bắt tay vào sắp xếp thời gian, lên chế độ tự tập luyện cho bản thân thật nghiêm khắc và chỉn chu. Ông cố gắng dành trọn 2 tháng để tập luyện thuần thục, chuẩn bị thật chu đáo cho hội thi.
Đối với môn bơi, ông Mừng tự tập ở sông. Ông chia sẻ, chế độ bơi 8 km/ngày đối với ông là quá sức, nhưng ông tập luyện rất chuyên cần.
Mỗi buổi trưa, ông Mừng đều tranh thủ ra bãi cát ở sau nhà, một mình tự tập nhảy xa, đánh giá xem kết quả như vậy đã được chưa và tự điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Mừng luôn ý thức mình cố gắng hết sức, ông sợ nhất là không thể chiến thắng bản thân. Bởi vậy, càng muốn chiến thắng càng thôi thúc sự tập trung cao độ và ý chí thép nơi ông. Ông luôn tự nhắc nhở bản thân rằng, các đối thủ đã trải qua quá trình luyện tập vô cùng chuyên nghiệp, nên người ta hơn mình nhiều thứ.
Ông Mừng tâm sự: “Bản thân mình khuyết một chân, để bước đi như người bình thường thôi đã là một sự cố gắng rồi. Còn việc thi đấu là cả quá trình đổ mồ hôi, nước mắt nhưng tôi luôn tự động viên mình rằng, những khó khăn chỉ là thử thách dài thôi, chứ cứ chăm chăm vào nỗi đau của bản thân thì không thể nào đem huy chương về nhà được”.
Mở chiếc tủ gỗ, ông xách ra một túi to, đựng 60 đến 70 huy chương các loại.
Mấy năm trở lại đây, ông Hoàng Xuân Mừng nhận được nhiều bằng khen từ huyện, tỉnh biểu dương do có nhiều thành tích trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới.
Năm 2016, gia đình ông xây bức tường rào dài hơn 50m và 1 cổng vào nhà với chi phí hết hơn 50 triệu.
Khi nghe có chủ trương sẽ làm con đường mới, mở rộng hơn, chạy qua trước nhà mình, không ngần ngại, ông tiên phong cho phá bỏ công trình vừa xây chưa được 1 năm để việc làm đường được thuận tiện hơn. Ngoài ra, ông còn hiến cả đất vườn để làm đường.
“Con đường này rất hẹp, mỗi lần có xe to chạy qua phải tránh rất khó. 1m² đất lúc đó có giá là 600 nghìn đồng, đoạn đường tôi hiến sâu 3m, dài 180m². Giờ mở rộng đường thì việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn. Làm việc tốt thì bất kỳ ai cũng muốn cả”.
“Lúc ấy, có nhiều người cho rằng tôi rồ, lãng phí đất đai, tiền bạc. Thậm chí nhiều người còn khuyên ngăn nhưng tôi vẫn kiên quyết cho xe đến phá công trình trị giá hàng chục triệu”, ông Mừng nói.
Năm 2017, ông được nhận 2 bằng khen từ UBND xã Gio Quang và 1 bằng khen từ UBND huyện Gio Linh. Mới đây nhất, ông nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vì đã có thành tích góp sức xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang đánh giá, ông Hoàng Xuân Mừng là cá nhân tiêu biểu điển hình, được cán bộ và nhân dân trong xã khâm phục. Không những vượt qua nghịch cảnh, nuôi dạy con nên người, ông Mừng còn chịu khó học hỏi, vươn lên làm kinh tế giỏi, luôn là tấm gương tốt cho mọi người noi theo. Đặc biệt, hành động hiến đất mở đường của ông Mừng cho cuộc vận động Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới khiến ai cũng tự hào.
Hương Lài
Điều đặc biệt của vợ chồng sĩ quan Việt đầu tiên đi gìn giữ hòa bình
Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan có 2 quân nhân đặc biệt, đó là cặp vợ chồng đại úy Lê Hồng Thanh (36 tuổi) và Lê Thị Hồng Vân (32 tuổi).