Xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vùng biên viễn xa xôi nhất phía cực Tây của Tổ quốc, vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Trước đây, cái nghèo trường kỳ đeo đẳng xứ này, bao người “thân tàn ma dại” bởi chìm đắm dai dẳng trong các cơn phê thuốc phiện. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm về trước. Giờ đây, Sín Thầu đã "tỉnh cơn mê" vươn lên trở thành địa phương tiêu biểu “bốn không”: xã duy nhất trong huyện không có người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép.
Để có được bước chuyển mình ngoạn mục như vậy, là nhờ trong những năm qua, Sín Thầu nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương và nhờ sự chủ động vươn lên của chính những người dân xã Sín Thầu.
Ông Pờ Dần Xinh (1960) nguyên là chiến sỹ Công an, sau đó trải qua nhiều chức vụ như Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Ở xã Sín Thầu, ông Xinh được mệnh danh là “người Hà Nhì đi đầu và đứng đầu”, “ngọn đuốc sống nơi biên viễn”. Ở vùng ngã ba biên giới này, ông Xinh là người đầu tiên làm nhà mái ngói, người đầu tiên mua xe máy, người đầu tiên đào ao thả cá, người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học. Các con của ông đều là đảng viên.
Hơn 30 năm về trước, bên cạnh công tác nhà nước, ông Xinh đã mạnh dạn đi đầu làm kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) để bà con noi theo. Ông nhận khoán và bảo vệ hàng chục ha rừng. Giờ đây, đã bước vào tuổi 62, ông Xinh vẫn miệt mài trồng rừng, nuôi cá, làm vườn cây ăn quả trên diện tích khoảng 10ha, tự tay hướng dẫn cho bà con trong thôn bản kĩ thuật làm nông nghiệp hiệu quả, cho bà con vay vốn, giống vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, "truyền lửa" cho bà con triển khai phong trào xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự tiên phong của ông Sinh, nhiều người Hà Nhì được truyền năng lượng tích cực, họ học theo ông Sinh trồng rừng, chăn nuôi gia súc…. Nhờ đó, cuộc sống có của ăn, của để. Tính ra, mỗi gia đình thu nhập ổn định khoảng 70 - 100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm. Theo thống kê của huyện, tính riêng lĩnh vực chăn nuôi, xã Sín Thầu có lượng lớn gia súc lên đến 10.000 con. Kinh tế của nhiều gia đình khởi sắc khá giả…. nhờ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Có thể nói, ở bất kể lĩnh vực gì, từ chủ động bung ra, đi làm kinh tế đến trở về bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì, ông Xinh luôn tiên phong với tư tưởng tiến bộ, tích cực, đi đầu. Người Hà Nhì học theo ông, đầu tư cho con cái được học hành, “no cái chữ”. Người Hà Nhì bảo nhau: “Cái bụng đầy chữ còn quý hơn cả bồ đầy lúa gạo!”.
“Nói gì thì nói, là người cán bộ phải nói được - làm được, mắt thấy - tay sờ thì dân mới nghe. Tôi phải làm được thì bà con mới theo mình. Nói mà không làm thực tế là không được”, ông Pờ Dần Sinh khẳng định.
Giờ đã khấm khá, song ông Xinh không dừng lại, ông tiếp tục trăn trở bởi giờ đây, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống tích cực của người Hà Nhi đang dần biến mất. Nghĩ là làm, ông bắt đầu đi khắp các xã ở Mường Nhé, tới nhiều huyện, tỉnh lân cận để sưu tầm những kinh nghiệm dân gian, câu chuyện kể truyền miệng, phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ. Bản Hà Nhì dù xa đến đâu ông cũng tìm tới để tìm tòi, ghi chép lại những tinh túy của dân tộc mình. Rồi ông trở về Sín Thầu, đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc như tết cơm mới, lễ hội cúng rừng, lễ cầu mưa, thành lập các đội văn nghệ thôn bản học chơi trống, đàn nét đu, tiêu trúc, múa xòe…
Nhờ sự chủ động, miệt mài, tận tụy đó, năm 2016, Chủ tịch nước đã trao tặng ông danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian vì có công nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống. Lãnh đạo tỉnh Điện Biên ghi nhận ông Xinh là một trong những lãnh đạo xã có uy tín nhất; giúp địa phương xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới.