Trong mắt các tifosi Milan, Maldini là biểu tượng bất tử, một trong những người xuất sắc nhất lịch sử bóng đá ở các vị trí mà mình thi đấu. Ông là mẫu hậu vệ cần được nhân bản.
Bóng đá rất phong phú với các cấp bậc. Có những người được gọi "hiện tượng", những "người ngoài hành tinh", các "hoàng đế", một số "vua"... Tiếp đó đến Maldini (Milan, 26/6/1968), người được gọi là "Bello Paolo" (Paolo xinh đẹp) khi còn trẻ và người ta không tìm được tính từ thích hợp nhất cho trường hợp đặc biệt này.
Paolo Maldini trải qua hơn hai thập kỷ thi đấu chuyên nghiệp, với 25 mùa giải khoác duy nhất màu áo AC Milan, với một sự nghiệp được đánh giá cao về sự quyết đoán và tinh thần hiệp sĩ.
"Clonate Maldini" (hãy nhân bản Maldini), biểu ngữ ấy xuất hiện trên khán đài trong trận đấu cuối cùng mà Paolo vĩ đại tham dự ở San Siro, với hơn 80.000 người.
Tháng Năm vừa qua, 13 năm kể từ khi treo giày, Maldini là người hùng đưa Milan đến với danh hiệu Scudetto thứ 19. Tình yêu và sự nghiệp bóng đá của ông dành hết cho Rossoneri.
Maldini, lịch sử sống của bóng đá
Ngày 20/1/1985, Cesare Maldini - trong vai trò trợ lý huấn luyện viên đội tuyển Italy - trải qua buổi chiều trên khán đài lạnh giá của San Siro. Inter đang thi đấu và Enzo Bearzot, vị thuyền trưởng vĩ đại đưa Azzurri đến với chức vô địch thế giới 1982, yêu cầu ông đi theo dõi một cầu thủ trẻ.
Hóa ra chàng trai trẻ đó không được đăng ký. Vì vậy, Cesare quyết định rời đi và trên đường về nhà, trong lúc lái xe, ông bật radio. "Đây, Udine, có một điều gì đó mới mẻ: một Paolo Maldini rất trẻ sẽ ra mắt", phát thanh viên nói trên đài. "Lạy đức Mẹ!", người đội trưởng nâng cao danh hiệu vô địch Cúp C1 đầu tiên trong lịch sử Milan, mùa 1962-63 - thốt lên.
Trước khi Milan đến Udine, đội không có hậu vệ phải Mauro Tassotti và chỉ còn giải pháp thay thế Sergio Battistini. HLV Nils Liedholm thông báo rằng Paolo Maldini sẽ được đi cùng đội.
"Nếu được thi đấu, cậu muốn chơi ở vị trí nào?", Liedholm hỏi. "Thưa ngài, ở hành lang phải, vị trí tự nhiên của tôi", chàng trai trẻ trả lời. Hôm sau, Maldini xuất hiện trên băng ghế dự bị trận đấu với chủ nhà Udinese. Cuối hiệp một, Battistini chấn thương và vị HLV huyền thoại người Thụy Điển nhìn vào ghế dự bị: "Paolo, hãy giữ cánh phải".
Tỷ số trận đấu là 1-1, với một Milan rất bình thường. CLB kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5 Serie A.
Maldini không biết rằng chủ tịch mới, Silvio Berlusconi, sắp đến Milan, cũng không hình dung rằng câu lạc bộ sắp bắt đầu một chu kỳ giật gân, trở thành tham chiếu trong bóng đá thế giới suốt nhiều thập kỷ sau đó. Paolo - với sự khéo léo bằng cả hai chân - trong màn ra mắt ấy, cũng không nghĩ rằng cuộc sống của mình trở nên "trái tự nhiên": vị trí hậu vệ trái.
Fabio Capello là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp Maldini, với 3 năm đào tạo ở đội Primavera (đội trẻ). Năm 1987, không lâu sau khi Berlusconi mua lại CLB và trước ngày Arrigo Sacchi vĩ đại xuất hiện, họ một lần nữa làm việc cùng nhau khi Capello có thời gian ngắn làm huấn luyện viên tạm quyền Milan.
Capello trở lại trung tâm huấn luyện Milanello vào năm 1991 và mở ra giai đoạn rực rỡ với Maldini là nhân tố chính. Trong 5 năm (cho đến 1996, khi Capello đến Juventus), Milan giành 4 danh hiệu Scudetto (gồm 3 chức vô địch liên tiếp từ 1992-1994), cùng chức vô địch Champions League 1993-94 với trận chung kết thắng "Dream Team" của Barcelona do Johan Cruyff dẫn dắt với tỷ số đậm 4-0.
Ngày nay, sau nhiều môi trường khác nhau, Capello không thay đổi cái nhìn về Maldini: "Hậu vệ giỏi nhất". Paolo cũng không thay đổi sự kính trọng của mình: "Ông ấy là thầy của tôi".
"Cậu ấy từng thi đấu với tôi khi 16 tuổi, nhưng giống như 19 tuổi. Paolo có thể hình ngoạn mục", Capello nhớ lại. "Có những người nói rằng Maldini chơi bóng vì cậu ấy là con trai của Cesare. Không thể nào! Cậu ấy hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Cậu ấy là một cầu thủ phi thường, hoàn thiện, một trong những nhân vật mà tất cả các HLV đều muốn sở hữu".
Capello nhấn mạnh: "Maldini là lịch sử sống của bóng đá thế giới. Một chàng trai mà tôi chưa bao giờ nghe thấy lời phàn nàn".
Arrigo Sacchi - kiến trúc sư của hai chiếc Cúp C1 1989 và 1990, với lối đá pressing vẫn là tài liệu tham khảo cho đến nay - khen ngợi: "Paolo luôn tỏ ra rất chín chắn. Cậu ấy không bao giờ gây khó khăn cho tôi". Maldini học mọi thứ có nhanh không? "Cậu ấy có một thể chất tuyệt vời. Nếu Chúa đã ban cho bạn tài năng như vậy, thì việc bạn không bình thường là chuyện hết sức bình thường", vị HLV sinh năm 1946 trả lời câu hỏi của một nhà báo.
"Paolo chưa bao giờ có những lúc yếu đuối. Cậu ấy chịu đựng và giữ mọi thứ cho riêng mình", Franco Baresi, người đã trao chiếc băng đội trưởng Milan cho Maldini vào năm 1997, nói về đồng đội cũ. "Mặc dù tính cách mạnh mẽ, nhưng vào Chủ nhật, tại San Siro, tôi luôn nhận thấy cậu ấy rất xúc động".
"Trong 25 năm qua, tôi chưa từng thấy con trai mình khóc dù chỉ một lần vì bóng đá", Cesare nói vào thời điểm con trai quyết định nghỉ hưu năm 2009. Ông cũng tâm sự rằng nếu không có vợ mình, bà Marialuisa Mazzucchelli (1935-2016), Paolo sẽ không có một tuổi thơ hạnh phúc. "Tôi đã trải qua cuộc đời mình từ lục địa này sang lục địa khác với những vai trò khác nhau".
Cesare ở nhà khi Paolo bắt đầu đá bóng. "Khi đi học về, điều đầu tiên con trai tôi yêu cầu là một quả bóng". Khi Maldini được thuyết phục chơi điền kinh vì thể hình vượt trội, quả bóng cũng không rời chân. "Paolo có sải chân lý tưởng để chạy 200 mét, nhưng nó chỉ mê bóng đá".
Nhà Maldini có thể sống mà không có bóng đá? Một phóng viên hỏi. "Tất nhiên! Paolo không bao giờ nói về bóng đá ở nhà", Cesare - người qua đời năm 2016, tâm sự. Đó là khoảng thời gian mà họ, những con người sống cả đời với bóng đá và Milan, dành toàn bộ cho gia đình.
Maldini vĩnh cửu
"Maldini đã làm sai chuyên môn. Cấu ấy đáng lẽ phải là một diễn viên. Cậu ấy quá dễ thương để chơi bóng", Diego Maradona đề cập một cách vui vẻ trong cuốn tự truyện của mình, "Tôi là Diego". Paolo được mô tả là quá đẹp trai, quá giỏi, với tuổi thọ bóng đá quá dài so với mức trung bình.
Maradona là người khiến Maldini gặp nhiều vấn đề nhất trên sân cỏ. Ở khía cạnh ngược lại, Paolo cũng là hậu vệ gây khó khăn nhất cho Diego, trong giai đoạn cuối thập niên 1980 mà Milan và Napoli đua tranh hấp dẫn.
Trong suốt gần 24 năm thi đấu chuyên nghiệp, một sự nghiệp nhận được sự ngưỡng mộ của các đối thủ, đồng đội, huấn luyện viên, công chúng và giới lãnh đạo, của tất cả, nhưng Maldini chưa bao giờ giành được Quả bóng Vàng - giải thưởng trước đây dành cho cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong năm, hiện mở rộng phạm vi thế giới.
Một thiệt thòi mang tính lịch sử, nhưng sự nghiệp của Maldini luôn được công nhận. Điều này tương tự câu chuyện đã xảy ra với Cary Grant (tên thật Archibald Alec Leach), nam diễn viên vĩ đại người Mỹ gốc Anh, người phải đợi đến năm 1969 mới nhận được tượng vàng Oscar danh dự cho sự nghiệp của mình dù đã thống trị sân khấu trong ba thập kỷ.
Việc thi đấu ở hàng thủ đã tước đi sự công nhận xứng đáng của Maldini với Quả bóng Vàng, đặc biệt là giai đoạn 1994-1995. Nhưng Paolo không bao giờ hối tiếc vì đã không thi đấu tiền đạo. Mặc dù đá hậu vệ, ông xây dựng được trên triết lý của riêng mình về sự bền bỉ, an toàn, làm việc chăm chỉ và thích ứng với tập thể.
Tháng 4/2007, MU chuẩn bị rất kỹ cho vòng bán kết Champions League với Milan. "Trong trận tứ kết với Bayern Munich, Maldini không thực hiện một pha tắc bóng nào. Paolo luôn đến đúng lúc, đúng chỗ. Cậu ấy là hình mẫu yêu thích nhất của tôi. Cầu thủ châu Âu giỏi nhất trong 15 năm qua", Sir Alex Ferguson khen ngợi.
Milan sau đó loại MU ở bán kết, rồi thắng Liverpool trong trận chung kết tại Istanbul và Sir Alex thể hiện sự ngưỡng mộ với Carlo Ancelotti - HLV của Rossoneri khi đó.
Maldini có chức vô địch Champions League/Cúp C1 thứ 5 trong sự nghiệp, trong số 8 trận chung kết được tham dự.
Ông cũng lập kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất đăng quang (38 tuổi và 331 ngày).
"Tôi cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng đối với Paolo. Cậu ấy là một cầu thủ và con người phi thường bởi sự liên tục, sức hút, sự chuyên nghiệp và cá tính riêng. Với tôi, cậu ấy là cầu thủ xuất sắc nhất mà bóng đá Italy từng có", Giuseppe Bergomi, huyền thoại Inter và là đội trưởng Italy khi Maldini ra mắt, nhớ về thời điểm họ cùng khoác áo Thiên thanh.
"Khi Paolo ra mắt đội tuyển quốc gia, tôi là đội trưởng [từ 1994, Maldini kế thừa chiếc băng thủ quân]. Cậu ấy mới 20 tuổi và tôi rất ngạc nhiên vì đồng đội của mình thi đấu như một cầu thủ từng trải, đầy kinh nghiệm", Bergomi tiếp tục. "Maldini có một sự điềm tĩnh ngoạn mục mà tôi không thấy ở bất kỳ cầu thủ nào khác cùng tuổi. Cậu ấy là duy nhất, không thể bắt chước".
Maldini không thích làm HLV, đã từ chối Giorgio Armani để trở thành người mẫu khi giã từ sự nghiệp cầu thủ. Khi Milan rơi vào khủng hoảng và tìm kiếm con đường mới, huyền thoại Paolo tái xuất trong vai trò quản lý từ tháng 8/2018 (giám đốc phát triển chiến lược thể thao) và trở thành Giám đốc kỹ thuật sau đó một năm.
Trên cương vị quản lý, Maldini tái sinh Milan và giúp đội vô địch Serie A 2021-22, Scudetto đầu tiên của Rossoneri sau 11 năm. Sau sinh nhật 54, ông chuẩn bị gia hạn hợp đồng và xây dựng một chiến lược mới: hành trình chinh phục Champions League.