Khảo cổ học tôn giáo Việt Nam cho thấy, khi Trần Nhân Tông chính thức thành lập Phật giáo Trúc Lâm thì Phật giáo Việt Nam đã hình thành đặc điểm riêng của mình. Tinh thần nhập thế tùy duyên, hòa hợp dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm là cơ sở hoạt động hoằng pháp của Phật giáo ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn.
Tinh thần nhập thế, tích cực tham gia xây dựng xã hội phồn vinh, an ninh và hòa bình của Phật giáo Trúc Lâm không chỉ cần thiết cho Phật giáo Việt Nam mà còn phù hợp cho nhu cầu phát triển chung của nhân loại.
Phật giáo thời Trần gắn với sứ mệnh dân tộc, với sự mất còn, tồn vong của giống nòi, đất nước. Phật giáo góp phần đoàn kết dân tộc trước, trong và sau chiến tranh. Đạo Phật thời Trần gắn với đời, dẫn dắt đời, hòa quyện với đời và cũng là đời.
Trong ý nghĩa đó, trong một bài viết bàn về không gian văn hóa ở vùng đông bắc Quảng Ninh, GS, TS. Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm thể hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc; sự tự tin, tinh thần sáng tạo của văn hóa dân tộc.
Đó là quá trình hợp luyện với các giá trị truyền thống, xây dựng một tâm thế mới, khẳng định cốt cách, giá trị mới để từ đó đem lại sinh lực mới cho sự phát triển của dân tộc. Đặc tính căn bản của dòng phái này là sự khoan hòa, có năng lực nhập thế cao và tinh thần dân tộc sâu sắc. Nói cách khác, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã chuyển hoá thành công một trong những triết lý căn bản của Phật giáo từ vô vi xuất thế sang nhập thế hữu vi, đồng thời đưa quan niệm này thành giá trị chung, hòa với dòng chảy của văn hóa - tín ngưỡng - tâm thức dân tộc để trở thành tinh hoa của Thiền Việt và văn hóa dân tộc.
Theo GS Kim, hầu hết các vua, quý tộc thời Trần đều là những người ham học và có tri thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Sinh thành từ vùng hạ châu thổ, dòng họ Trần đã tiến về Thăng Long và đã hội nhập mau chóng với môi trường văn hóa, nguồn lực tri thức dân tộc cùng nhiều giá trị văn hóa khu vực ngưng kết ở đất kinh kỳ. Do vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, những người gánh vác trọng trách trước dân tộc, hầu hết đều là các quý tộc - trí thức thông hiểu Tam giáo. Tư tưởng thân dân, coi trọng vai trò, cuộc sống của nhân dân cũng được trải nghiệm, đúc rút từ chính thực tế đó.
Có thể coi việc lựa chọn và tôn vinh Phật giáo là một chủ trương lớn, thể hiện sự nhạy cảm trong tư duy chính trị, văn hóa của nhà Trần trước sự uy hiếp của các đế chế khu vực. Phật giáo nhà Trần là một Phật giáo Việt Nam và là một bình diện văn hóa mới trong lịch sử văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần và khát vọng dân tộc. Sức mạnh quật cường được tôi luyện qua mười thế kỷ Bắc thuộc cùng khí thế đi lên của một dân tộc đã giành lại được nền độc lập gần ba thế kỷ đã dồn tụ, hun đúc để tạo nên một Phật giáo Thiền Trúc Lâm kết tụ hồn khí của dân tộc thời Trần.
GS Kim khẳng định, với sự xuất hiện của Thiền Trúc Lâm, tinh thần dân tộc đã in dấu lên toàn bộ hình thái ý thức của vương triều Trần và nhiều triều đại sau đó. Lập một thiền phái riêng, chấm dứt mối liên hệ với các dòng phái vốn du nhập từ Trung Quốc, rõ ràng, là một biểu hiện của tinh thần dân tộc. Tinh thần từ bi Phật giáo nhìn chung đều muốn cứu vớt con người, còn tư tưởng “thân dân” thời Trần thì muốn giảm nhẹ sự đau khổ của con người. “Khoan thư sức dân” là có ý nghĩa đó.
Thiền Trúc Lâm đã khắc họa chủ nghĩa “dân ái” lên cái nền “nhân ái” của Phật giáo. Rõ ràng, ý thức dân tộc và tư tưởng thân dân của giới quý tộc Trần, có mạch nguồn từ các cuộc chiến tranh giữ nước, đã làm cho Thiền Trúc Lâm trở thành Thiền nhập thế. Triều Trần thành lập, cùng với các chiến công giữ nước, đã đem lại những sinh lực mới cho Phật giáo. Như vậy, suy cho cùng, giá trị văn hóa ở Thiền Trúc Lâm không thuộc về tôn giáo, mà thuộc về dân tộc.
Khánh Hòa
Ảnh: Ngọc Chính
Video: Quốc Huy, Thanh Bình, Văn Tiến
20/12/2021 12:35
Ảnh 360 - Khu di tích Yên Tử