Dự án mang tên "Tìm kiếm nô lệ từ không gian" đang được thực hiện thí điểm ở một khu vực rộng 2.600 km2 tại bang Rajasthan, Ấn Độ. Nơi đây được cho là có rất nhiều lao động đang bị bóc lột trong các lò gạch.
Trên các bức ảnh vệ tinh, những lò gạch có màu nâu nhạt, hình tròn hay chữ nhật, có kích cỡ tương đồng với một sân vận động khi quan sát từ không gian.
Các tình nguyện viên tham gia dự án được cung cấp tài khoản để khai thác các bức ảnh vệ tinh. Cùng thời điểm, một địa điểm nghi ngờ có thể được quan sát bởi nhiều tình nguyện viên khác nhau để phát hiện ra tình trạng lao động cưỡng bức.
Hiện nay, dự án này đang được thực hiện thí điểm bằng cách sử dụng các hình ảnh vệ tinh của Google Earth.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học dự định sẽ tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới, đồng thời nghiên cứu tạo ra một chương trình máy tính có khả năng tự phân tích hình ảnh, phát hiện các nô lệ, tiến tới chấm dứt tình trạng này vào năm 2030.
Trên khắp đất nước Ấn Độ, rất nhiều người đang bị bóc lột sức lao động như các nô lệ tại các vùng hẻo lánh, trong các lò gạch, nhà chứa hay các công trường.
Dự án nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Nottingham được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức hoạt động từ thiện chấm dứt tình trạng này.
Theo VTV