Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước.
Đây là một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu, là “phên dậu” của Tổ quốc, là ‘‘lá phổi“ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng. Kinh tế tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đến nay vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước:
Theo bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc thống nhất nhận thức chung về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ không chỉ là vấn đề của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành hay của từng địa phương mà còn là vấn đề của tất cả địa phương trong vùng.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được hiệu quả là do thể chế về tổ chức cấp hành chính chưa có chính quyền vùng, ngân sách vùng, cơ chế liên kết điều phối vùng dẫn đến một số địa phương gặp phải vấn đề “xung đột lợi ích”, chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể của cả vùng, mà cát cứ, cục bộ “mạnh ai nấy làm” nên xảy ra tình trạng không những không liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển mà trái lại còn làm giảm động lực tăng trưởng, không khai thác, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của cả vùng.
Vấn đề định hướng và tổ chức không gian phát triển là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, thông qua hành động tập thể. Do đó, 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ cần có sự thống nhất nhận thức chung, mục tiêu chung từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau theo phương châm “muốn đi nhanh và đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Đó cũng là xu thế liên kết, chia sẻ hợp tác của kinh tế thế giới ngày nay.
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là một cơ hội lớn để đánh giá, nhận diện các vấn đề của vùng một cách toàn diện, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của vùng, trên cơ sở đó tổ chức không gian phát triển, khai thác và phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của vùng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển. Trong quá trình lập quy hoạch vùng thì vấn đề liên kết vùng là một nội dung quan trọng, được thực hiện như một hợp phần riêng để tích hợp vào quy hoạch vùng.
Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, liên kết phát triển vùng là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Thực tiễn phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua cho thấy, các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương và phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác xuyên biên giới. Hình thành một số khu nông nghiệp chất lượng cao, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh có giá trị, như tại các tỉnh Sơn La, Bắc Giang. Bước đầu phát triển được hệ thống các khu du lịch nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, như tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn,...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, liên kết nội vùng và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn yếu, hiệu quả thấp; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, thể hiện ở những điểm sau:
Một là, chưa có cơ chế liên kết và một hội đồng điều phối vùng để điều phối chung.
Hai là, thiếu nguồn lực thực hiện chính sách liên kết vùng. Thiếu cơ chế để điều tiết lợi ích được tạo ra từ liên kết, điều tiết các nguồn lực phân bổ cho các dự án.
Ba là, trước khi có Luật Quy hoạch thì vai trò của quy hoạch vùng và quy hoạch ngành còn mờ nhạt, thiếu kết nối giữa các loại quy hoạch, giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư, thậm chí còn xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo. Việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, quy hoạch thường xuyên bị điều chỉnh gây lãng phí tài nguyên và cản trở thu hút đầu tư của xã hội. Chất lượng quy hoạch còn thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện.
Bốn là, thiếu hệ thống hạ tầng giao thông, đường kết nối giữa các địa phương. Các tuyến liên kết nội vùng chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông. Đặc biệt, hệ thống đường kết nối Đông - Tây còn ít. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải chưa hợp lý, đồng bộ, tính kết nối không cao. Hệ thống đường giao thông biên giới còn nhiều khó khăn. Hạ tầng đường sắt không phù hợp cho kết nối quốc tế.
Năm là, cơ chế hợp tác còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Các địa phương vẫn chủ yếu tập trung phát triển trong địa giới hành chính của mình, ít phối hợp với các tỉnh lân cận để phát huy lợi thế nhờ vào quy mô. Nhiều cụm, ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực có lợi thế chưa được liên kết tốt. Chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính đối với các thành phần kinh tế khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng.
Sáu là, thiếu cơ sở dữ liệu của vùng về các sản phẩm chủ lực, nguồn nhân lực, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm lợi thế cụ thể, dẫn đến hợp tác liên kết nội vùng và liên vùng chưa hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Tiến sỹ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian tới, quá trình lập quy hoạch cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tuân thủ đúng quy trình lập quy hoạch và tăng cường sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan.
Luật Quy hoạch tạo ra bước chuyển mới trong công tác quy hoạch, đặc biệt là quy định về quy hoạch vùng như một cấp quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố không gian phát triển, gắn với đó là quy trình lập quy hoạch được tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành và coi trọng sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng.
Quá trình đó tạo ra các khu vực khuyến khích phát triển, là cơ sở để tạo lập liên kết các tỉnh trong vùng và thu hút đầu tư phát triển thông qua kết nối về kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực, trong đó kết nối về giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng phải hướng tới phát triển kinh tế - xã hội vùng một cách cân bằng và hài hòa với mục tiêu cao nhất là bảo đảm “an sinh - an ninh”, giữ đất, giữ rừng, ổn định dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Thứ hai, phải thể hiện rõ nét định hướng liên kết phát triển vùng trong xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Khi xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nội dung quy hoạch cần thể hiện rõ yêu cầu liên kết, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng địa phương trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để triển khai trong thực tiễn, bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra. Nội dung các quy hoạch cần có sự thống nhất và phân chia một cách hợp lý mục tiêu phát triển, thu hút đầu tư giữa các địa phương để hạn chế tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có sân bay, cảng biển hay đường cao tốc. Bên cạnh đó, các quy hoạch cần được bảo đảm bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện.
Thứ ba, chú trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển hạ tầng giao thông với phát triển các hành lang kinh tế vùng.
Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối nội vùng, kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng và kết nối với thị trường Trung Quốc.
Theo đó, từ nay đến năm 2030 cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông. Đồng thời, trong giai đoạn tới, việc lựa chọn phát triển kết cấu hạ tầng cần gắn kết việc hình thành và phát triển các hành lang kinh tế.
Thứ tư, thúc đẩy liên kết khu vực động lực, các chuỗi liên kết kinh tế, chuỗi sản phẩm.
Trong chiến lược tổng thể về liên kết vùng, ngoài các vấn đề về liên kết giao thông, cần hướng đến một số nội dung, như: 1- Định hướng phát triển vùng động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận. 2- Định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang quy mô vùng. Trong đó:
Dựa trên các điều kiện phát triển, có thể xác định chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô. Đây là khu vực giữ vai trò quan trọng đối với cả vùng, hiện đóng góp khoảng gần 50% GRDP, 33% thu ngân sách của cả vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng đã và đang được đầu tư tương đối đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Vùng có vị trí thuận lợi kết nối theo các phương thức vận tải quốc tế (hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ), đóng vai trò trung tâm trung chuyển và logistic.
Nằm ở vị trí vùng Thủ đô, gắn với các hành lang kinh tế quốc tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, khu vực này có dư địa phát triển dài hạn và có đủ điều kiện để trở thành động lực tăng trưởng cho cả vùng. Định hướng phát triển chính của khu vực là công nghiệp, công nghiệp chế tạo để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, các ngành công nghiệp điện tử, tin học, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô-tô, công nghiệp hỗ trợ.
Hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng tạo động lực phát triển cho cả vùng với các đô thị động lực, như thành phố Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình. Gắn khu vực động lực tăng trưởng với các khu kinh tế cửa khẩu, gồm Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Lào Cai.
Hình thành chuỗi liên kết các sản phẩm, liên kết kinh tế, trong đó:
- Hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo. Tập trung bố trí phát triển công nghiệp và hình thành các chuỗi liên kết, cụm liên kết tại khu vực vùng động lực phát triển thuộc các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô và dọc theo các hành lang phát triển; kết nối với các khu kinh tế cửa khẩu và hợp tác xuyên biên giới. Hình thành cụm liên kết, trung tâm sản xuất cơ khí chế tạo có trình độ cao tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang.
- Liên kết trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết các địa phương trong vùng nhằm hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô lớn (nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng).
Kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp. Mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ rừng quản lý bền vững để phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Hình thành trung tâm chế biến gỗ tại tỉnh Phú Thọ để liên kết với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
- Liên kết phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, sinh thái giữa các địa phương trong vùng.
Thứ năm, tạo sự liên kết trong phát triển đô thị và nông thôn, gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
Phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn cả vùng, có tính liên kết tổng thể chặt chẽ, xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là đô thị động lực đối với hệ thống đô thị và vùng nông thôn phụ cận. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị trọng điểm, các vùng đô thị động lực để lan tỏa, thúc đẩy khu vực phụ cận phát triển. Gắn kết các khu đô thị với xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế liên kết trong huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm thực thi các dự án vùng, liên vùng.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho vùng để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu liên kết vùng, nhất là hoàn thiện, nâng cấp các quốc lộ, các đường nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, kết nối với các khu kinh tế cửa khẩu, như Đồng Đăng, Trà Lĩnh, cao tốc Hòa Bình - Sơn La, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện một số chính sách nhằm phát huy các thế mạnh của vùng, như chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối với đường cao tốc, đường quốc lộ của các địa phương gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm, vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nguyên liệu nông, lâm sản phục vụ chế biến gắn xuất khẩu theo chuỗi sản phẩm; liên kết đầu tư xây dựng hạ tầng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu kinh tế cửa khẩu.
Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tương đối kém cạnh tranh hơn các vùng lân cận, do đó cần nghiên cứu cơ chế đặc thù ưu đãi thỏa đáng để thu hút đầu tư.
Bàn về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vùng trung du và miền núi phía Bắc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, liên kết phát triển vùng là tất yếu, là khách quan của kinh tế thị trường; tuy nhiên, cần phải thay đổi về tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị để liên kết vùng thực sự là động lực của tăng trưởng nhất là đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Các địa phương trong vùng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần xây dựng, bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể nhân dân…
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia nói chung và quy hoạch vùng, liên kết vùng nói riêng nếu đúng và trúng sẽ xác định được con đường đi một cách ngắn nhất, khoa học nhất trong việc tổ chức không gian phát triển, định hướng phát triển, cách thức phát triển phù hợp bối cảnh, tình hình của từng giai đoạn.
Để xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có chất lượng và tầm nhìn thì phải có sự gắn kết các địa phương trong vùng để tận dụng được lợi thế sẵn có, đồng thời hạn chế được việc triệt tiêu các nguồn lực của từng địa phương.
Như vậy, việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.