Các báo cáo hàng không cho thấy mỗi năm có hàng nghìn con chim bay quá gần máy bay gây va chạm dẫn đến tử vong. Trong năm 2019, chỉ riêng tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) cho biết có hơn 17.000 vụ va chạm giữa chim và máy bay bên cạnh hàng ngàn vụ tai nạn khác chưa được báo cáo trên khắp thế giới.
Hầu hết những vụ va chạm này xảy ra ở phạm vi hơn 900 mét so với mặt đất khi máy bay đang trong quá trình cất cánh và hạ cánh. Đáng chú ý hơn là vẫn có những vụ tai nạn giữa chim và máy bay ở độ cao từ 6.096 đến 9.448 mét nhưng số lượng đã ít hơn trong khoảng ba thập kỷ nay.
Các đội quản lý động vật hoang dã ở các sân bay thường sử dụng pháo hoa, đèn chiếu sáng, tia laser, chó và chim săn mồi như diều hâu, đại bàng và chim ưng, để cố gắng xua chim tập trung ở những khu vực quanh sân bay.
Bất chấp những nỗ lực kể trên thì thực tế là hiện nay các phi công vẫn tiếp tục phải 'chạm trán' với các loài chim cả lớn lẫn nhỏ.
Khả năng xảy ra một vụ tai nạn hàng không thảm khốc có thể chỉ diễn ra trong vài phút và đã có không ít những sự cố do chim va phải khiến khung máy bay bị hư hỏng nặng.
Vào tháng 1 năm 2009, một chiếc máy bay phản lực Airbus A320 của hãng hàng không US Airways khởi hành từ sân bay LaGuardia của New York đã phải rất vất vả mới có thể bay qua một đàn ngỗng Canada.
Cả hai động cơ máy bay sau đó đều hư hỏng nặng khi những con chim lớn bị cuốn vào trong. Cơ trưởng Chesley Sullenberger và người phụ ta Jeff Skiles đã phải nhanh chóng cho máy bay hạ cánh xuống sông Hudson giúp tất cả phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay đều được an toàn.
Nhưng may mắn đã không xảy ra với những người có mặt trên hai chuyến bay diễn ra vào đầu những năm 1960.
Tháng 10 năm 1960, sau khi cất cánh từ Boston, Mỹ, một động cơ phản lực cánh quạt Lockheed Electra đã bị mất công suất đột ngột sau khi máy bay lao vào một đàn chim sáo đá khiến 62 người thiệt mạng trong vụ tai nạn thương tâm này.
Sau đó, vào năm 1962, hai con chim đã va vào đuôi của một máy bay hạ khi đang giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Cú va chạm quá nghiêm trọng khiến bộ ổn định ngang bị hỏng làm máy bay rơi thẳng xuống khiến 17 người thiệt mạng.
Những vụ tai nạn trên đã khiến các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới phải thắt chặt các tiêu chuẩn chứng nhận động cơ của máy bay thương mại, đồng thời phát triển những cách kiểm tra các bộ phận của máy bay trước các cuộc tấn công bất ngờ của chim.
Một trong số các tổ chức đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm máy bay là Trung tâm Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada (NRC). Có trụ sở tại Ottawa, trung tâm này được trang bị cơ sở vật chất và nguồn lực dồi dào với chuyên môn về nghiên cứu hàng không bao gồm khí động học, động cơ đẩy, đóng băng máy bay, các cấu trúc và vật liệu.
Sau hai vụ tai nạn thảm khốc do chim gây ra vào những năm 1960, NRC cùng với các chuyên gia từ quân đội, cơ quan quản lý, nhà sản xuất và phi công đã thành lập một ủy ban để điều tra các cuộc tấn công của chim và tạo ra một thiết bị để kiểm tra chúng.
Những nhà nghiên cứu của NRC sau khi tham quan những cơ sở sản xuất vũ khí ở Vương quốc Anh đã quyết định thiết kế một khẩu pháo chạy bằng khí nén để thử nghiệm với những loại chim nặng từ 1 lạng cho tới 3kg.
Khẩu pháo bắn chim đầu tiên do NRC chế tạo có đường kính nòng 20cm, được đưa vào hoạt động từ năm 1968 cho tới năm 2009.
Ngày nay, nhóm của NRC có bốn khẩu pháo trong kho vũ khí với đường kính nòng lần lượt là 8cm, 12cm và 16cm. Và rất có thể trong tương lai khẩu pháo với kích thước nòng 43cm, lớn nhất trên thế giới, Super Cannon sẽ được đưa vào hoạt động.
Có hai loại thử nghiệm các vụ tấn công của chim với máy bay được thực hiện tại Cơ sở Mô phỏng Tác động Chuyến bay ở NRC.
Một thử nghiệm hướng tới các thành phần cấu trúc của máy bay như kính chắn gió, phần cánh và đuôi và một thử nghiệm khác sẽ tiêu diệt chim tấn công vào khu vực động cơ đang vận hành.
Với các quy định về chứng nhận máy bay quy định kích thước và trọng lượng của con chim và tốc độ tác động lên một bộ phận cụ thể, nhóm NRC có thể mất hàng tuần để thiết lập một bài kiểm tra.
'Điều đầu tiên là hiệu chỉnh pháo để có thể bắn được chim ở tốc độ cần thiết', Azzedine Dadouche, nghiên cứu cấp cao của NRC, giải thích với CNN Travel.
'Để thực hiện cuộc thử nghiệm, chúng tôi sử dụng chim làm bằng gelatin hoặc gà mua ở các cửa hàng tạp hóa. Khi pháo hoàn thiện, chúng tôi sử dụng chim thật để tiến hành hiệu chuẩn mọi thứ và đưa ra chứng nhận'.
Theo Dadouche, NRC mua xác gia cầm chết từ các trang trại gia cầm và từ các công ty có quyền tiếp cận với những loại gia cầm cần thiết được yêu cầu xử lý chúng.
'Có lần trong những dự án, tôi phải đi lấy gà từ trang trại và lái xe suốt 25 km với những con gà trên xe. Mùi hôi ám ảnh đó đã khiến tôi không thể ăn gà trong tám tháng liền. Và tôi đã cảnh báo các kỹ thuật viên khác rằng 'Dự án tiếp theo, người đi lấy gà sẽ không phải là tôi', Dadouche chia sẻ những khó khăn trong nỗ lực khiến bầu trời trở nên an toàn hơn trong tương lai.