Đường vào căn phòng trọ rộng 12 m2 ở phường An Phú, quận 2, TP.HCM của chị Đỗ Thị Hạnh (44 tuổi) ngoằn nghoèo, phải qua nhiều khúc cua.
Bên trong, bé Cà Rốt (tên khai sinh là Đỗ Pháp Chí) đang ngồi chơi với những món đồ được bày ở sàn nhà.
Mấy hôm nay, Cà Rốt bị bệnh phải nghỉ học. Chẳng thể nghỉ làm ở nhà lo cho con, chị Hạnh phải nhờ người quen trông giúp. Ở chỗ làm, lòng chị như lửa đốt, liên tục gọi về hỏi thăm tình hình của con.
Nghe tiếng xe mẹ về ngoài cổng, Cà Rốt mừng rỡ, miệng gọi “Mẹ”, chân chạy lon ton ra đón. Chỉ kịp dựng chân chống xe, chị Hạnh ôm con ngay, giọng xót xa:“Thằng bé mọc răng nên sốt, không chịu ăn nhưng chẳng mè nheo mẹ. Hình như con biết mẹ vất vả hay sao ấy”.
Chị Hạnh làm nghề giúp việc theo giờ. Sáng ngày 3/9/2017, chị vào chùa Diệu Giác, quận 2 làm công quả thì nghe tiếng khóc oe oe ngoài cổng.
Tò mò đến gần, chị thấy chiếc túi xách du lịch, bên trong có một bịch khăn ướt, một bình sữa uống dở và một đứa trẻ còn đỏ hỏn khóc không ngớt. Được bế lên bé thôi khóc, hai mắt nhìn chị Hạnh chăm chăm, miệng nhóp nhép như đòi ăn.
Nhìn đứa trẻ, chị nhớ đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc hơn 11 năm trước. Khi đó, chị có một con gái, đang mang thai lần hai thì chồng ngoại tình. Quyết định bỏ thai và làm mẹ đơn thân khiến chị day dứt khôn nguôi. “Có lẽ, tôi với bé có duyên với nhau”, chị nói. Từ giây phút ấy, chị xem đứa trẻ như con mình.
Sau khi chị Hạnh trình báo sự việc cho chính quyền địa phương, chùa Diệu Giác đã làm lễ đặt tên, lấy ngày 3/9 làm ngày sinh cho Cà Rốt để chị Hạnh đưa về nuôi vì nơi đây đã nhận đủ số trẻ bị bỏ rơi.
Ngày đầu ở chỗ mới, Cà Rốt lạ chỗ, nhớ hơi mẹ và khát sữa nên quấy quấy khóc. Chẳng còn cách nào khác, chị Hạnh phải cho con ti mình, cả đêm thức ôm con vào lòng cho bé cảm nhận hơi ấm của tình thương. khóc. Chị cũng quyết định nghỉ việc một tháng chăm con, ngược xuôi xin sữa mẹ cho con.
Nhìn chị vất vả chăm trẻ nhỏ, ai cũng bảo “sướng không muốn lại thích đeo bòng”. Có người còn bóng gió: “Đàn bà không chồng mà có con”. Nhưng chị chỉ im lặng.
“Thằng bé bị mẹ bỏ đã thiệt đủ đường, tôi muốn bù đắp tình mẫu tử cho con”, ôm con trai áp vào ngực mình, người mẹ quê Thanh Hóa nói.
Các vật dụng của con trai do mẹ em để lại khi bỏ trước cổng chùa chị vẫn giữ kỹ, để sau này Cà Rốt lớn lên muốn tìm về cuội nguồn sẽ dễ hơn.
Người phụ nữ này cũng đăng thông tin trên mạng xã hội, nhờ bạn bè tìm ba mẹ cho Cà Rốt giúp. “Có thể họ vì quá khó khăn hoặc vì lý do nào đó mới bỏ con. Tôi muốn Cà Rốt được lớn lên trong vòng tay của một gia đình trọn vẹn. Nếu họ khó khăn tôi sẽ giúp đỡ. Nếu mẹ bé còn đi học, tôi sẽ nuôi cả hai mẹ con”, chị nói.
Tháng 12/2017, chị Hạnh nuôi bé Cà Rốt được hơn hai tháng. Sau đó, Cà Rốt phải chuyển vào Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP.HCM) theo đúng thủ tục pháp lý.
“Ban đầu, tôi nghĩ chỉ bế con đến đó, làm xong thủ tục rồi được mang về. Nào ngờ, hai mẹ con phải xa nhau. Lúc ra về, nhìn con nằm trong cũi khóc, mắt nhìn mẹ cầu cứu, tôi như đứt từng khúc ruột”, giọng chị Hạnh chùng xuống khi nhắc lại chuyện đã qua.
Về nhà, nhớ con, chị chỉ biết mang những bộ quần áo, đồ dùng của con ra giặt, lau chùi rồi tỉ mẩn gấp lại để cẩn thận trong tủ như giết thời gian. Đêm đến, hình ảnh Cà Rốt nằm một mình trong cũi khóc, mắt dáo dác tìm mẹ cứ hiện ra khiến chị chẳng thể chợp mắt.
Để được nuôi con lần nữa, suốt hơn ba tháng liền chị cầu cứu các cơ quan chức năng, nghỉ việc về quê xác nhận nhân thân, chứng minh thu nhập, kê khai tài sản… để hoàn thành hồ sơ xin nhận con nuôi.
Có thời gian, chị lại đi thăm con. “Nhiều khi không được vào, nhưng tôi cứ ngồi lỳ ở cổng, nhất định phải được gặp con một tí mới về được”, chị Hạnh nhớ lại.
Hay tin hồ sơ của mình khó được chấp nhận vì không đủ điều kiện, do đang ở trọ, thu nhập bấp bênh, mắt chị cứ nhòe đi.
Trên trang Facebook cá nhân, chị viết cho con trai: “Cà Rốt à, con là một đứa trẻ quá đặc biệt để khiến cuộc đời mẹ không ngừng nghĩ đến con, lo lắng và yêu thương con vô tận. Mẹ có thể mạnh mẽ, luôn tỏ ra là kiên cường độc lập trước tất cả mọi người. Nhưng đứng trước con, khi nhìn thấy con ngủ mẹ lại yếu mềm.
Mẹ đã bỏ qua nhiều cơ hội cho tương lai và những định kiến để chọn con. Nếu không có con cuộc sống của mẹ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tình yêu thiêng liêng dành cho con, mẹ một đời không hối hận”.
Ngày 1/3/2018, sau hơn ba tháng xa nhau, những hy vọng tưởng như đã vụt tắt thì chị Hạnh nhận được điện thoại của Làng thiếu niên Thủ Đức báo, hôm sau đến đón Cà Rốt về.
Ngay lập tức chị xin nghỉ làm, dọn dẹp nhà cửa, mua thêm mấy bộ quần áo mới, đồ dùng, xe nôi, thêm bộ gối nằm cho con trai rồi gọi điện báo tin vui cho mọi người.
“Về nhà, con không cười, cứ nhìn khắp nơi rồi đòi mẹ bế. Tôi rời tay một tý là khóc thét lên. Phải một ngày sau con mới quen và chịu cười với mẹ”, chị Hạnh kể, mắt không rời cậu con trai đang đùa nghịch với chiếc ôtô đồ chơi.
Sau khi học xong đại học, con gái ruột chị Hạnh qua Nhật du học. Ở phương xa, biết mẹ ở nhà có em, cô rất vui, ngày nào cũng gọi bằng video về để được nhìn thấy em. Cô cũng động viên mẹ, gắng nuôi em, thời gian tới, ra trường đi làm, cô sẽ phụ mẹ lo cho em.
Ở quê, nghe tin con gái đang ở một mình có thêm thành viên mới, bố mẹ chị Hạnh cũng mừng khôn xiết. Ông bà nói, nếu chị vất vả thì hãy bế Cà Rốt về quê cho ông bà chăm sóc hoặc bà sẽ vào ở với chị để phụ chăm cháu ngoại.
Hiện Cà Rốt đã hơn 16 tháng tuổi. Em ngoan, ít mè nheo, biết tự cất đồ chơi, mang rác bỏ vào thùng. Đi nhà trẻ về, em tự chơi một mình cho mẹ Hạnh làm việc nhà. Em cũng biết gọi ba, mẹ, chị, ông và bà. “Con thiếu tình thương của ba nên gặp mấy chú trong xóm hay bế là con theo rồi gọi họ là “Ba… Ba”, thương lắm”, hôn lên tóc con, mắt chị Hạnh ướt nhòe.
Năm nay, chị Hạnh đưa Cà Rốt về quê ăn tết với ông bà ngoại. “Ông bà nhớ thằng bé, từ lâu cứ bảo mang về cho gặp nhưng tôi chưa sắp xếp được thời gian”, chị Hạnh nói.
Sắp đến giờ cho Cà Rốt ăn chiều, chị Hạnh vừa nấu ăn, vừa trông chừng con. Lâu lâu, nghe Cà Rốt bập bẹ gọi “Mẹ” chị lại nhìn con cười âu yếm, đáp lại “Mẹ đây”.
Ông Văn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Bình An, Quận 2 xác nhận, sau khi nhặt được đứa trẻ, chị Hạnh có báo cho phường biết, chính ông là người tiếp nhận sự việc. Ngay sau đó, phường đăng thông tin tìm cha mẹ cho bé Cà Rốt nhưng không ai đến nhận, vì thế phường để chị Hạnh nuôi.
Theo số liệu thống kê của Cục con nuôi Bộ tư pháp, từ năm 2011-2017 có hơn 2.800 trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi, với 176.000 trẻ bị bỏ rơi và trẻ mồ côi. Tình trạng trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa đang có xu hướng tăng. Số trẻ em được nhận làm con nuôi tăng 400%. Nhiều trẻ trưởng thành, có công việc ổn định, mong muốn tìm về cội nguồn.
Bài: Tú Anh
Thiết kế: Diễm Anh