Tỉnh Hà Giang đã triển khai lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Quản Bạ là huyện vùng cao của tỉnh, do địa hình núi đá, khí hậu khắc nghiệt và dân cư phân bố không tập trung khiến việc tiếp cận nước sạch trở nên khó khăn đối với người dân. Xác định nước sinh hoạt và vệ sinh là chiều dịch vụ xã hội cơ bản cần giải quyết trong chương trình dành cho người nghèo, cận nghèo. Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được triển khai nhằm cải thiện tình hình.
Xã Lùng Tám với 100% dân số là người dân tộc Mông. Trước đây cuộc sống của người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân trong xã từng chật vật tìm kiếm nguồn nước, đặc biệt là trong mùa khô.
Những năm qua, việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp nhiều hộ dân có dụng cụ chứa nước đảm bảo, hợp vệ sinh.
Để đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích, chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại xã đã được triển khai theo quy trình chặt chẽ. Xã đã phân công cán bộ phụ trách các thôn tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu thực tế của các hộ dân trong xã, đặc biệt tập trung vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thiếu nước sinh hoạt.
Từ khi được trang bị bồn chứa nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân đã có những thay đổi tích cực. Tận thu nước từ mái nhà chứa vào bồn và các nguồn nước khác, người dân đã không còn lo lắng về việc thiếu nước, các hộ gia đình có thể tập trung vào phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự hỗ trợ này đã mang lại niềm vui và hy vọng cho cộng đồng, giúp họ vững tin hơn trong hành trình thoát nghèo.
Cuối năm 2024, đầu năm 2025, dự kiến có khoảng 100 hộ được nhận téc chức nước inox, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy giảm nghèo đa chiều tại xã Lùng Tám.
Cũng giống như Lùng Tám, xã Thanh Vân là nơi sinh sống tập trung đông đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, xã đẩy mạnh các giải pháp để nhân dân được thụ hưởng các chính sách về nước sạch của Đảng, Nhà nước. Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ dân.
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được nhận téc nước inox, đảm bảo nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất. Quá trình triển khai được thực hiện theo các bước rõ ràng, minh bạch, từ khâu khảo sát nhu cầu, lập danh sách các hộ cần hỗ trợ đến việc phân bổ bồn chứa nước theo đúng tiêu chuẩn.
Gia đình anh Hùng Văn Sinh là hộ nghèo ở xã. Trước đây, khi chưa có téc chứa nước, gia đình anh chủ yếu dùng nước mó, nước khe, nước mưa. Các dụng cụ chứa nước lại không đảm bảo. Đặc biệt, vào mùa khô, lượng nước ít gây khó khăn cho cuộc sống.
Khi được nhận téc chứa nước, cuộc sống của gia đình anh đã bớt vất vả, không còn lo lắng việc thiếu nước sạch. Từ đó, anh tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt và vươn lên thoát nghèo.
Từ đầu năm 2024 đến tháng 11/2024, UBND xã Thanh Vân được cấp nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia là 10.509,297 triệu đồng. Trong đó, với nội dung về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, dự án hỗ trợ nước sạch phân tán có kinh phí cấp là 300 triệu đồng. Dự kiến sẽ có 100 hộ dân được thụ hưởng chương trình, nhận téc chứa nước.
Phòng Dân tộc huyện Quản Bạ tiến hành các bước theo quy định cũng như thuê đơn vị kiểm định về chất lượng, đảm bảo mỗi téc nước đến tay người dân đều đảm bảo các tiêu chí đề ra. Đồng thời phối hợp với Phòng Tài chính ban hành các quyết định thực hiện. Sau khi hoàn thiện các bước, các xã tiến hành họp dân và thông báo, mời lên nhận téc inox.
Với mỗi téc chứa nước chất liệu inox bền, không rỉ, khả năng chống chịu ăn mòn cao, được kiểm định an toàn với sức khỏe. Ngoài ra, téc có nắp đậy kín có thể ngăn được sự xâm nhập của bụi bẩn, các loại côn trùng và mang lại những tiện ích thật sự cho các gia đình, giảm bớt thời gian, chi phí mua các vật dụng khác để chứa nước.
Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần cải thiện vệ sinh nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng gia đình, cộng đồng, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường và xa hơn nữa là tạo điều kiện giúp bà con thoát nghèo bền vững.