Nhà báo Phạm Huyền: Chào ông! Ông đã sống trong lòng nước Mỹ những ngày khủng hoảng dịch bệnh hết sức tồi tệ, hẳn sẽ là những trải nghiệm rất khó quên?
Ông Huỳnh Thế Du: Trước hết, tôi xin làm rõ rằng, những chia sẻ qua lăng kính của một người nghiên cứu về chính sách công ở đây là để rút ra những gì Việt Nam có thể làm cho mọi thứ tốt hơn. Tôi không có ý so sánh để nói rằng nơi này tốt hơn nơi kia vì bối cảnh xã hội và mức độ phát triển của Mỹ và Việt Nam rất khác nhau.
Trở lại câu hỏi của chị, tôi sống ở Mỹ đúng đợt khủng hoảng dịch bệnh nặng nề và về Việt Nam, sống ở TP.HCM, lại cũng đúng lúc dịch căng thẳng tột đỉnh. Bởi thế, tôi cảm nhận được bức tranh chống dịch của cả hai nơi.
Phản ứng xã hội ở Mỹ, Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới trong giai đoạn đầu hay trong lúc căng thẳng dịch bệnh là giống nhau.
Khi dịch bùng lên, ở Mỹ, mọi người cũng hoảng loạn sợ hãi, đổ xô tới siêu thị vơ vét mọi hàng hóa. Người ta mua tích trữ tất cả các loại hàng hóa có thể mua được, các kệ hàng của siêu thị trống trơn. Nhưng tình trạng đó nhanh chóng ổn định trở lại.
Khi dịch quá căng thẳng, số ca tử vong tăng mạnh, nước Mỹ buộc phải lockdown (giãn cách xã hội). Mọi người được khuyến cáo ở nhà làm việc và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chỉ những dịch vụ thiết yếu cơ bản vẫn diễn ra để duy trì hoạt động của xã hội. 5K cũng được áp dụng, nhưng rất khác nhau ở các địa phương.
Giai đoạn này, công việc của tôi cũng như việc học của cháu nhà tôi đều là trực tuyến.
Tuy nhiên, các quyết định liên quan lockdown hay cụ thể hơn là việc học trực tuyến là khá linh hoạt và đều được dựa trên các dữ liệu tình hình dịch bệnh cụ thể trong từng giai đoạn.
Hình ảnh tháng 3/2020: Người dân Mỹ xếp hàng dài ở siêu thị Costco chờ mua hàng tích trữ. Ảnh: Reuters |
Ví dụ như trường Đại học nơi tôi công tác, dạy hoàn toàn trực tuyến trong học kỳ thu năm học 2020-2021, chỉ một vài lớp học trực tiếp với điều kiện nghiêm ngặt trong học kỳ xuân; và đến học kỳ thu năm nay (2021-2022) thì hoàn toàn trực tiếp.
Trong khi đó, trường phổ thông nơi con đầu của tôi học thì tùy tình hình mà thay đổi qua lại: giữa hoàn toàn trực tuyến, một phần trực tuyến và hoàn toàn trực tiếp với ba trạng thái: đỏ, vàng và xanh. Giai đoạn màu đỏ là học hoàn toàn trực tuyến; vàng là cách nhật, một ngày trực tuyến một ngày trực tiếp; xanh là hoàn toàn trực tiếp.
Đối với đứa nhỏ đang học mẫu giáo thì học trực tiếp hoàn toàn. Khi lớp bên cạnh của cháu có người bị Covid-19 thì cả lớp nghỉ 7 ngày rồi đi học lại, trong khi các lớp khác vẫn học bình thường.
Xã hội Mỹ thời kỳ dịch bệnh trầm trọng cũng trải qua tất cả các kịch bản bi thương mà ta đang phải chứng kiến ở Việt Nam: F0 tăng nhanh, bệnh viện quá tải, số ca tử vong cao. Cũng có lúc họ cũng lúng túng như ở Việt Nam hiện nay.
Tình trạng này không phải là cá biệt ở Mỹ hay Việt Nam, nó là một thực tế buộc phải chấp nhận ở tất cả các quốc gia khác. Không có gì khác được. Quá tải là điều tất yếu khi cùng lúc, quá nhiều người nhiễm và trở nặng.
Tuy nhiên, ở Mỹ không có tình trạng rào chắn và khoanh vùng như ở Việt Nam. Có lẽ Việt Nam nên quan tâm hơn đến các vấn đề tâm lý của những người bị ảnh hưởng, nhất là khi tình hình căng thẳng còn kéo dài. Những cuộn kẽm gai trong các khu phong tỏa tác động tâm lý rất lớn.
Hình ảnh tại TP.HCM tháng 7/2021: Chính quyền rào chắn để cách ly khu phố. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Tại Việt Nam, thời gian đó vẫn khá là bình yên. Ở Mỹ thời điểm đó, ông có cảm giác lo lắng, hay hoảng sợ?
Cũng không quá mức. Người bên ngoài nhìn vào tình cảnh của Mỹ lúc đó, cảm thấy rất kinh khủng, rất khiếp sợ (hiệu ứng truyền thông là vậy). Nhưng khi tôi sống và làm việc trong bối cảnh đó, thì mọi thứ cũng vừa phải thôi.
Xã hội Mỹ trong lúc dịch bệnh vẫn vận hành khá ổn. Sinh hoạt của người dân về cơ bản được duy trì bình thường. Đây là điểm rất khác với Việt Nam.
Tuy nhiên, nước Mỹ đã bị chỉ trích rất mạnh về cách xử lý trong giai đoạn dịch bùng phát do cấu trúc thể chế và xã hội của họ.
Tại Mỹ, việc cung ứng các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày chỉ tập trung ở một số chuỗi siêu thị hoặc các chuỗi cung ứng lớn, không có chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc như Việt Nam, nên thành ra, việc điều hành của Chính phủ có lẽ đơn giản hơn Việt Nam rất nhiều.
Khi đó, Tổng thống Mỹ (Donal Trump) trao đổi với các nhà cung ứng để đảm bảo cung - cầu trên thị trường. Giữa Chính phủ và các nhà cung ứng lớn cũng có những cam kết nhất định với nhau. Chỉ một thời gian ngắn sau, chuỗi cung ứng thị trường nhu yếu phẩm trở lại bình thường.
Đường phố Mỹ vào tháng 8/2021, cuộc sống trở về gần như bình thường dù dịch đang tái bùng phát mạnh. Ảnh: Xuân Linh |
Hệ thống y tế của Mỹ, mặc dù có những thời điểm quá tải trầm trọng, không đủ giường bệnh, nhưng cơ bản vẫn được đánh giá là trong nhóm tốt nhất thế giới.
Đây quả là điều hết sức bất lợi của Việt Nam khi trình độ phát triển và năng lực hệ thống y tế của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với Mỹ. Đây cũng là lý do Việt Nam đã làm rất chặt ngay từ ban đầu. Tiếc là bất ngờ đã ập đến khi chúng ta lạc quan nhất.
Phản ứng xã hội là giống nhau, kịch bản quá tải tương tự nhưng nếu nhìn ở góc độ quản trị xã hội, quản trị quốc gia thời kỳ này, ông nghĩ tình hình của Việt Nam so với Mỹ có điểm gì khác biệt?
Trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nước Mỹ vấp phải những khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều.
Khi Mỹ bùng dịch nặng nề, chưa có vắc xin và chưa có bài học kinh nghiệm nào từ các nước. Lúc đó, Vũ Hán là nặng nề nhất và nước Mỹ thì không thể áp dụng các lệnh phong toả, cách ly như cách chính phủ Trung Quốc áp dụng.
Ở Mỹ, hơn 330 triệu người dân thì có hơn 37 triệu người nhiễm Covid-19, tỷ lệ trên 10% và hơn 620 nghìn người tử vong. Có ngày cao điểm hơn 300 nghìn ca nhiễm và hơn 4 nghìn người tử vong. Hạt nơi tôi sinh sống, có gần 140 nghìn người dân thì hơn 13 nghìn người nhiễm, với gần 200 người tử vong. Gần như cả xã hội đều là F1.
Người Mỹ đề cao sự tự do cá nhân. Vì thế, khi thực hiện lockdown thì vẫn diễn ra tình trạng người dân chống đối chính quyền và không tuân thủ. Hơn thế, ngay cả một số lãnh đạo chính quyền không tin các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt và đeo khẩu trang nên không áp dụng cho địa phương của họ chứ không chỉ là các cá nhân riêng lẻ.
Ở Việt Nam, tình hình ít căng thẳng hơn Mỹ rất nhiều cho dù năng lực hệ thống y tế của chúng ta thua rất xa. Chúng ta hiện giờ đã có vắc xin và có rất nhiều bài học kinh nghiệm chống dịch từ các nước khác trên thế giới. Mức độ người dân tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm hơn rất nhiều.
Thế nhưng, có hai điểm mà tôi vẫn thấy đáng tiếc. Chúng ta đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” - một năm yên ổn để chuẩn bị nguồn lực và cách thức chống dịch tốt hơn. Và mặc dù, chỉ thị giãn cách xã hội hay các biện pháp phòng dịch được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương nhưng ở địa phương, mỗi nơi một cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.
Ở Mỹ theo mô hình phi tập trung, nhưng những thứ cần thiết thì họ tập trung được, trong khi ở Việt Nam theo mô hình tập trung, đáng lý là phải dễ và tốt hơn (ý tôi là những vấn đề cần tập trung), nhưng thực tế lại không triển khai được.
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ (đơn giản và cơ bản nhất) nhằm tránh các hoạt động giao tiếp trực tiếp trong phòng chống dịch ở Việt Nam không được thống nhất xuyên suốt. Đây là một trong các mấu chốt dẫn tới tình trạng trục trặc, lúng túng như ở một số địa phương vừa qua.
Vậy, theo ông mấu chốt để vượt qua được đỉnh dịch thời gian qua của cường quốc này là gì?
Đầu tiên, đó là vắc xin. Khoa học công nghệ của Mỹ phát triển nên việc có vắc xin sớm là chìa khoá thành công, là mấu chốt, căn cơ và lâu dài trong việc chống đại dịch. Cho dù các biến thể virus SARS-CoV-2 gần đây làm cho hiệu lực của vắc xin giảm đi và việc miễn nhiễm cộng đồng đang bị đặt dấu hỏi, nhưng việc tiêm vắc xin cho số đông đã làm giảm đi rất nhiều các ca bệnh nặng và số người tử vong.
Nhưng điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh, đó là các quyết định đưa ra đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyên môn. Các nền tảng công nghệ được áp dụng thông suốt đã giúp cho xã hội Mỹ vận hành ổn định trong thời kỳ dịch bệnh.
Ví dụ hệ thống thông tin báo cáo về tình hình dịch bệnh với các chỉ số như số ca bị nhiễm, số ca tử vong, số người tiêm vắc xin… tất cả vận hành gần như tự động. Các số liệu nhập lên hệ thống tập trung của bang và từ các bang, dữ liệu được chuyển liên thông lên Liên bang, lên Chính phủ.
Việc cập nhật thông tin về dịch bệnh đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời nên không tạo ra cú sốc hay bất nhất số liệu như Việt Nam. Và nhờ đó, đội ngũ chuyên môn nhìn thấy được xu hướng để đưa ra các quyết sách phòng chống dịch. Các bản đồ được hiện lên và cập nhật hàng ngày nên người thường cũng có thể biết những nơi có nguy cơ bị dịch bệnh cao để tránh.
Tôi lưu ý rằng, những trục trặc số liệu cũng xảy ra ở Mỹ, nhưng mức độ nghiêm trọng không cao, trong khi độ tin cậy là lớn. Và, xét về năng lực công nghệ thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự.
Nhân nói đến vắc xin, đây là vấn đề đau đầu ở các điểm tiêm ở Việt Nam thời gian qua. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về trải nghiệm đó ở Mỹ?
Đó là một trải nghiệm rất ổn. Tôi tiêm 2 mũi vắc xin ở Mỹ theo một quy trình rất nhanh chóng, đơn giản. Khi đến nhóm tuổi của tôi được tiêm, tôi vào Google gõ vài từ khóa đơn giản. Các trang web cho phép đăng ký tiêm hiện ra với các tuỳ chọn như địa điểm tiêm, ngày giờ tiêm và cả loại vắc xin, lúc đó có Pfizer và Mordena.
Đó là một hệ thống rất dễ sử dụng và cho phép mình thấy được điểm nào vắng, điểm nào đông và phải xếp hàng chờ bao lâu. Tôi chọn điểm tiêm phải đi xa hơn 50 km nhưng chỉ phải đợi 4 ngày để đến lượt. Trong khi vợ tôi phải chờ lâu hơn vì cô ấy đăng ký tiêm ở điểm gần nhà.
Nhờ hệ thống công nghệ đó, việc đi tiêm chủng không bị ùn ứ hay ách tắc. Số người ở các điểm tiêm được kiểm soát vừa phải, xếp hàng ngồi giãn cách. Vì cứ đúng giờ hẹn thì bạn mới đến tiêm. Bạn có đến sớm cũng không được mà tới trễ thì mất lượt.
Nếu công nghệ không thay con người làm tốt việc phân luồng, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xếp hàng thì trục trặc tập trung đông người xảy ra là khó tránh khỏi.
Một điểm tiêm vắc xin công cộng đặt tại trung tâm hội nghị tại Mỹ, người dân ngồi xếp hàng, thực hiện giãn cách. Ảnh: Duy Hậu |
Thêm vào đó, việc tiêm vắc xin được thực hiện ở gần như tất cả các địa điểm có thể gồm: các bệnh viện công, các trung tâm tiêm tập trung (họ dùng cả sân vận động để biến thành các điểm tiên quy mô lớn) và các phòng khám tư nhân đủ điều kiện. Các phòng khám tư nhân tiêm rồi yêu cầu Chính phủ trả tiền cho các mũi tiêm của mình.
Như vậy toàn bộ hệ thống y tế của xã hội được huy động chứ không phân biệt công tư như ở Việt Nam. Lúc cao điểm thì phải làm sao để cả hệ thống là một chứ tổ chức như ở Việt Nam thời gian qua là khá bất cập.
Cho đến giờ này, theo tôi hiểu, vẫn chưa rõ vị trí và vai trò của khu vực y tế tư nhân trong chống dịch, cả hệ thống y tế của Việt Nam vẫn chưa được xem là một.
Tôi thấy các ứng dụng công nghệ đó giống như cách chúng ta mua vé online xem phim ở rạp Megastar, thể hiện rõ giờ nào chiếu phim gì và trống ghế nào?
Đúng rồi. Nó rất đơn giản.
Ý tưởng dùng công nghệ để giải bài toán chống dịch đã được đề cập từ đầu năm 2020, với sự ra đời thần tốc của Bluezone.
Gần đây, các thông điệp của Chính phủ về chiến lược chống Covid-19 cho thấy sự thay đổi lớn về cách tiếp cận. Ban đầu là "5K+ vắc xin", sau đó là "5K+vắc xin+ công nghệ" và hiện giờ là "5K+vắc xin+ công nghệ + các giải pháp khác".
Tôi nghĩ, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ là rõ nhưng quá trình vận hành thời gian qua vẫn có trục trặc. Vậy ông nghĩ vấn đề nằm ở đâu?
Thời gian qua, chúng ta “trăm hoa đua nở” về công nghệ trong phòng chống dịch. Trong khi đó, người Việt lại có một hạn chế cơ bản trong tâm lý và tư duy là đôi khi, không đi cùng nhau và thậm chí, hay chê nhau.
Ví dụ, tôi dùng phần mềm của bạn, tôi thấy một vài điểm yếu, tôi chê bạn và tôi tự làm phần mềm của tôi. Tôi chú tâm vào những điểm yếu của bạn để tôi khắc phục nhưng cuối cùng, chính phần mềm của tôi lại có điểm yếu khác. Và điểm yếu lớn nhất của các phần mềm là không kết nối được.
Chính vì vậy, có thể bạn đăng ký khai báo y tế trên Bluezone nhưng khi bạn đi máy bay, hay đến nơi nào khác, bạn vẫn phải check in bằng cả các hình thức khác. Mặc dù bạn có mã QR code nhưng phần mềm của người ta không “load” được dữ liệu khai báo của bạn vì thiếu tính liên thông.
Ví dụ đơn giản như việc tiêm vắc xin ở TP.HCM, theo tôi được biết, Thành phố không có số liệu về nhu cầu tiêm vắc xin là bao nhiêu và xã phường đó khả năng tiêm bao nhiêu. Do vậy, dẫn đến tình trạng có chỗ số liều tiêm vắc xin thừa ra, có chỗ lại thiếu, cuối cùng là tạo ra sự dồn cục ở một số nơi.
Anh bạn tôi có liên quan đến việc này cho biết, có hôm cuối ngày, người ta gọi điện thoại đến và hỏi, ở chỗ anh ấy còn có ai thì nói đến tiêm cho hết các mũi vắc xin còn lại.
Ở Mỹ, họ làm theo cách là có ứng dụng để các địa điểm tiêm cập nhật số vắc xin dư ra cho những người có nhu cầu và có thể đến tiêm ngay. Mọi người có thể cập nhật thường xuyên để đi tiêm. Một người bạn của tôi đã làm theo cách này nên được tiêm rất sớm so với lứa tuổi đến lượt của bạn ấy.
Theo tôi biết, cho đến giờ, chính quyền Thành phố vẫn chưa chắc có bao nhiêu người đang ở đó và nhu cầu tiêm như thế nào (ý tôi là một con số tương đối mà thôi chứ không phải chính xác đến từng người).
Thống kê dân số chính thức là hơn 9 triệu người, nhưng con số được nhắc đến là 12-13 triệu người. Và đến thời điểm này không ai biết là bao nhiêu người ở TP.HCM đã về quê.
Khi công nghệ thiếu sự nhất quán, thiếu tập trung và rời rạc thì mặc dù, chúng ta luôn nói đến việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cuối cùng, thực tế thành ra là 0.4.
Ông có nghĩ đến câu chuyện về lợi ích nhóm?
Đó là một vấn đề rất lớn và tôi nghĩ, các nước khác cũng gặp phải. Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở”, địa phương, bệnh viện dùng các công nghệ khác biệt nhau mà giờ, yêu cầu cần phải tập trung một mối thì tất yếu, sẽ đụng chạm lợi ích của một số người (nhiều khi chỉ là thói quen không muốn bỏ).
Người ta có thể bỏ qua lợi ích tổng thể lớn lao cho toàn xã hội vì muốn giữ lợi ích riêng biệt của mình. Điều đó lý giải sự chậm trễ, trì hoãn hay trục trặc việc áp dụng công nghệ chung của quốc gia trong phòng chống dịch ở địa phương.
Tôi nghĩ tất cả các vấn đề này có thể gói gọn ở câu chuyện quản trị xã hội, quản trị quốc gia. Và chúng ta cần một lực đẩy để cải thiện vấn đề này.
Vấn đề sâu xa nằm ở tư duy quản lý và quán tính xã hội.
Nhìn từ bài học nước Mỹ, tôi có thể khẳng định rằng, sử dụng công nghệ là giải pháp hiệu quả để giải quyết mọi bất cập xảy ra trong không gian thực, hạn chế tương tác trực tiếp giữa người với người, hỗ trợ cho việc giãn cách xã hội, phòng chống dịch.
Công nghệ sẽ giúp nhà quản lý, nhà chuyên môn sắp xếp việc tiêm chủng một cách trật tự, đúng thứ tự xếp hàng, đảm bảo tốt việc lưu trữ và tập trung thông tin cũng như liên thông dữ liệu trên toàn quốc. Chỉ có ứng dụng công nghệ mạnh mẽ mới giải quyết những hiện tượng ùn ứ, ách tắc hay số liệu vênh nhau như hiện nay.
Tuy nhiên, công nghệ ở đây đòi hỏi phải có tính tập trung, tính kết nối, liên thông đi cùng tác phong công nghiệp chứ không phải là "mạnh ai nấy làm".
Một trong những rào cản đầu tiên cho việc vận hành cái mới này là người Việt Nam chưa có thói quen áp dụng công nghệ vào công việc. Đây là một quán tính của xã hội.
Về góc độ tư duy quản lý, tôi nhìn thấy, có những nhà lãnh đạo, ví dụ như ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xuất thân trong ngành công nghệ, đã hình dung ra vai trò quan trọng của công nghệ trong chống dịch nói riêng, quản trị quốc gia nói chung. Đó là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, vẫn có một số nơi và có lẽ khá nhiều người có trách nhiệm lại chưa nhìn thấy như vậy. Một người hay một số ít người tiên phong trong vấn đề này sẽ không thể làm thay đổi quán tính xã hội tồn tại bao lâu nay, nhất là sức ỳ của khu vực công.
Ông thấy cần giải quyết bài toán này như thế nào?
Ở đây, có thể nói tới nguyên tắc 80-20. 80% là sự quản lý của tổ chức một cách bài bản và khoa học, tập trung, còn 20% mới là đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Chúng ta không chú ý 80% mà nhiều khi cứ đổ lỗi cho phần 20% kia thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Tôi nghĩ, việc quản trị xã hội, quản trị quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh phải được tổ chức kỷ luật như trong quân đội.
Trong thời kỳ chiến tranh, bao nhiêu lần chúng ta phải đối đầu với những đối thủ mạnh hơn rất nhiều về tiềm lực quân sự, về sức người, sức của. Nếu chúng ta dàn hàng ngang ra đấu tay đôi thì không thể thắng được. Nhưng cuối cùng, ta vẫn thắng.
Trong quân đội, tính tập trung, tính xuyên suốt và ý chí quyết tâm rất cao. Sử dụng công nghệ cho bài toán quản trị quốc gia cũng đòi hỏi những yêu cầu này: Phải có sự tập trung đồng bộ, kết nối xuyên suốt.
Chúng ta cần một bộ chỉ huy tập trung có tính chất nhất quán và tất cả các địa phương phải trao đổi, tương tác hoặc tuân theo những chỉ đạo của bộ chỉ huy tập trung đó.
Dưới bộ chỉ huy tập trung ở Trung ương là các bộ chỉ huy vùng. Sự linh hoạt của vùng hay các địa phương vẫn cần đặt trong không gian định hướng của bộ chỉ huy trung ương. Lúc đó mới giải quyết được vấn đề.
Nước Mỹ có những người khổng lồ thế giới về công nghệ, còn ta chỉ có vài doanh nghiệp lớn trong phạm vi quốc gia. Vậy, ông có niềm tin nào về năng lực công nghệ của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quản trị quốc gia?
Tôi không nghĩ công nghệ là vấn đề chính ở Việt Nam. Những ứng dụng về quản lý tiêm vắc xin, khai báo y tế, truy vết… chỉ là những phần mềm hết sức cơ bản và đơn giản, không đòi hỏi trình độ cao siêu.
Kể cả khi chúng ta không tự nghiên cứu thì hoàn toàn có thể mua của nước ngoài về dùng. Thực tế, chúng ta cũng đã có những tập đoàn khẳng định được vị thế của mình trên thị trường công nghệ thế giới.
Có thể nói, năng lực công nghệ của Việt Nam để triển khai những công việc đại trà cho quản trị quốc gia như vậy là hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Về mặt nhận thức, chúng ta đã có những người hiểu được vấn đề này và tầm quan trọng của công nghệ trong bài toán chống dịch hiện nay, cũng như bài toán quản trị quốc gia. Một số giải pháp cụ thể đã được đưa ra.
Vấn đề chính vẫn nằm ở khâu tư duy quản lý và quán tính xã hội. Những gì thuộc về tập quán thì khó có thể thay đổi một sớm một chiều.
Ví dụ, Federer là một cầu thủ tennis hàng đầu thế giới với những kỹ thuật giao bóng kinh điển được đưa vào sách vở. Tuy nhiên, để học Federer việc kết hợp tất cả các kỹ thuật đánh bóng đỉnh cao thì không chỉ dựa vào kiến thức sách vở mà cần cái “chất” của anh ta.
Tương tự như vậy, công nghệ chúng ta có thể giải quyết được nhưng tập quán xã hội và kiến thức nội tại chưa tương thích. Công nghệ 4.0 không thể hoạt động với tư duy và cách hành xử 0.4.
Ví dụ đơn giản hơn là thói quen xếp hàng, thói quen đúng giờ chẳng hạn,ở người Việt là chưa có. Muốn Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên công nghệ thì những thói quen này cũng phải thay đổi. Chúng ta nên tập trung vào 80% điều cần làm và bớt nói đến 20% phần công nghệ.
Giải bài toán chống dịch bằng công nghệ, hay rộng hơn là quản trị quốc gia bằng công nghệ, đây là một vấn đề mới của Việt Nam nhưng những thông điệp gần đây của Chính phủ đã hé mở hướng đi chiến lược này. Theo ông, đâu sẽ là yếu tố quyết định sự thành công cho hướng đi này?
Có 3 điều kiện để một ý tưởng táo bạo có thể thành công.
Yếu tố đầu tiên là cần những người dám nghĩ dám làm, tức là có tinh thần doanh nhân công cộng, là người hiểu hệ thống và có thể vận động sự ủng hộ các bên.
Yếu tố thứ hai là có một liên minh ủng hộ mạnh mẽ bao gồm cả lãnh đạo của quốc gia, của người dân, của doanh nghiệp và các yếu tố liên quan. Họ có cùng khát vọng như những người tiên phong.
Yếu tố thứ ba là sự tham gia của các đối tác có lợi ích dài hạn, hay nói cách khác là có người đồng hành trong câu chuyện triển khai ý tưởng này. Họ phải có khát vọng cùng phát triển đi đến thành công.
Ở Việt Nam, đã có những người hiểu được vai trò của công nghệ và muốn làm bằng được. Tuy nhiên, hai yếu tố còn lại chưa rõ nét.
Nói về liên minh ủng hộ, có thể có người phát biểu hay nhưng chưa thấy sự ủng hộ đó ở hành động. Sự tham gia của các đối tác đồng hành cũng chưa rõ ràng, trong khi khát vọng chưa được thổi bùng để tạo ra áp lực cho mình.
Cả 3 yếu tố này giống như kiềng 3 chân để quyết định sự thành công. Thiếu một yếu tố là cái kiềng này khó có thể đứng vững.
Phải chăng đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi và vươn lên?
Covid-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam.
Với kiềng 3 chân trên, chúng ta có thể chống dịch thành công bằng công nghệ. Nhưng nhìn nhận rõ hơn, liệu chúng ta đã có khát vọng đủ lớn để trở thành một quốc gia công nghệ hay chưa? Điểm tựa nào để tạo ra khát vọng như thế?
Chúng ta có thể có người dám nghĩ, dám làm, thuyết phục được liên minh ủng hộ nhưng làm như thế nào để thổi bùng khát vọng quốc gia, coi Covid-19 như một áp lực thế kỷ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ? Tôi thấy đó là điều vô cùng thách thức trong bối cảnh hiện tại.
Tôi hi vọng, Việt Nam có những nhà lãnh đạo, những nhân tố có khả năng quyết tâm đương đầu với thách thức để tạo nên sự đột phá cho sự phát triển của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Phạm Huyền
Thiết kế: Quốc Dũng
Ảnh: Trương Thanh Tùng
Chống dịch dựa trên khoa học
Ở cấp quốc gia cần có thêm rất nhiều dữ liệu trong lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội để ra các quyết định dựa trên khoa học thay vì cảm tính cho các mặt trận chống dịch và kinh tế.