Vừa qua dư luận xôn xao việc ông Phạm Tuấn Sơn, tác giả cuốn sách “Dám làm giàu” thuê khinh khí cầu rải tiền để tạo ra “mưa tài lộc” tại TP Huế. Nhiều bạn đọc thắc mắc là hành vi rải tiền như thế có vi phạm pháp luật không, thưa luật sư?
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:
1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, với hành rải tiền từ khinh khí cầu không thuộc các trường hợp bị nghiêm cấm nêu trên, nên hành vi của ông Sơn không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi rải tiền không vi phạm pháp luật
Còn sự việc nhiều tài xế đã dùng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán khi qua trạm BOT Cai Lậy nhằm phản đối việc đặt trạm thu phí trên QL1 thì sao thưa ông? Đã có đề xuất cho phép trạm BOT Cai Lậy chỉ nhận tiền thu phí qua trạm có mệnh giá trên 5.000 đồng, đề xuất này có phù hợp với quy định pháp luật hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ thì: “Tiền Việt Nam theo quy định tại Quyết định này được hiểu gồm: tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành”.
Và theo khoản 4 Điều 3 của Quyết định 130/2003 thì nghiêm cấm hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam. Cũng theo khoản 3 Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành” là một trong các hành vi bị cấm.
Do đó, đề xuất trạm thu phí Cai Lậy chỉ nhận thanh toán tiền từ mệnh giá 5.000 đồng trở lên là trái luật. Trong trường hợp tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán khi qua trạm là hoàn toàn hợp pháp và nhân viên trạm BOT không thể từ chối nhận tiền.
Theo luật sư, đề xuất trạm thu phí Cai Lậy chỉ nhận thanh toán tiền từ mệnh giá 5.000 đồng trở lên là trái luật, tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán khi qua trạm là hoàn toàn hợp pháp
Vậy nếu có hành vi cắt, xé, đốt tiền Việt Nam thì hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa luật sư?
Hành vi cắt, xé, đốt tiền Việt Nam được xem là hành vi hủy hoại tiền và hành vi này bị nghiêm cấm. Theo khoản 3 điều 31 nghị định 96/2014 của Chính phủ sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Hành vi hủy hoại tiền Việt Nam không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.
Còn hành vi làm tiền giả thì bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì:
- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới ba triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật Hình sự 1999, với khung hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ ba triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), với khung hình phạt tù từ hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Dân Trí