Trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia đã trao cho hãng AFP bản tuyên bố chung, trong đó cảnh báo rằng những hành động gần đây ở vùng tranh chấp trên Biển Đông "có khả năng gây hại cho hòa bình khu vực".

"Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến đã và đang diễn ra, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông" - thông cáo chung của ASEAN cho biết, không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Malaysia cho biết, Ban Thư ký ASEAN đã quyết định thu hồi văn kiện này. "Chúng tôi phải thu hồi tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN vì có những sửa đổi khẩn cấp cần được thực hiện" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết.

Nữ phát ngôn viên bổ sung, Ban Thư ký ASEAN đã đồng thuận ra tuyên bố chung, nhưng sau đó thông báo với Bộ Ngoại giao Malaysia rằng văn kiện bị thu hồi. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra bối rối và phủ nhận việc tuyên bố chung đã được ban hành.

"Chúng tôi kiểm tra lại với ASEAN và cái gọi là tuyên bố chung mà AFP đưa ra không phải là văn kiện chính thức của ASEAN" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết.

Theo Wall Street Journal, một quan chức ngoại giao cấp cao của một nước ASEAN cho biết, ASEAN quyết định không ra tuyên bố chung, và các nước thành viên sẽ ra tuyên bố riêng nếu muốn. Trước khi rút lại văn kiện, Bộ Ngoại giao Singapore và Indonesia cũng đã có những tuyên bố riêng, đồng thuận các điểm chính trong tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN.

ASEAN, ra tuyên bố trên cơ chế đồng thuận, vất vả trong việc tìm tiếng nói chung về tranh chấp ở Biển Đông. Một số nước duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, trong khi một số nước khác tỏ ra miễn cưỡng, lo ngại làm mếch lòng đối tác kinh tế lớn là Trung Quốc. Năm 2012, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia cũng không ra được tuyên bố chung, là lần đầu tiên trong lịch sử của khối này.

Theo Lao Động