Theo lời quảng cáo của những người bán hàng tiểu thương ngoài chợ thì đây là loại táo đá được bà con đồng bào trồng tại một số huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang như Quảng Bạ, Đồng Văn. Giá bán lẻ loại táo này tại Hà Giang chỉ dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg.

Trên các trang mạng xã hội, cũng có khá nhiều người rao bán mặt hàng này. Đặc biệt họ đều khẳng định đây là loại táo sạch và có thể cung cấp với số lượng lớn với giá trung bình khi về tới Hà Nội là từ 45-60 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, khi tới huyện Đồng Văn- nơi được các tiểu thương khẳng định là vùng đất trồng táo đá Hà Giang, hỏi về loại táo này thì chúng tôi khá bất ngờ trước câu trả lời của những người bán hàng và chính quyền địa phương.

Người bán hàng - Thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, ở đây thì chỉ có một số nhà giáp biên họ có đất họ trồng được nhưng không phải số lượng lớn để chuyển đi khắp nơi, chủ yếu là Trung Quốc thôi vì bên đấy nhiều đất, bên này toàn đá thế này trồng cây ngô còn khó.

Ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay đối với Đồng Văn chúng tôi đang tập trung phát triển 3 cây 4 con: cây lê, cây tam giác mạch và đang hướng đến trong nghị quyết là cây dược liệu và 4 con là con bò, con ong, con dê, con lợn. Cái táo đá thì trên Đồng Văn chúng tôi chưa trồng cái này.

Đặc biệt, khi chúng tôi tới Sở Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Giang, đơn vị này khẳng định toàn tỉnh Hà Giang hiện chưa có nơi nào trồng loại táo này bởi khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Giang không phù hợp để trồng táo.

Ông Giang Đức Hiệp - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết thêm, phải khẳng định là trên địa bàn Hà Giang không có trồng loại táo này. Táo đá được người tiêu dùng và người bán tự đặt tên là táo đá. Thứ hai về nguồn gốc theo chúng tôi được biết thì táo này có nguồn gốc ôn đới. Qua tìm hiểu thông tin thì chúng tôi cũng được biết là loại táo này được nhập từ những đường tiểu ngạch những vùng giáp biên từ bên Trung Quốc thứ hai nữa là qua đường cửa khẩu chính ngạch.

Cũng theo khẳng định của ông Giang Đức Hiệp hiện trên địa bàn các tỉnh lân cận với Hà Giang cũng chưa trồng loại táo này. Như vậy tên gọi táo đá Hà Giang là do tiểu thương tự đặt, nhằm giả danh thương hiệu cho một loại táo xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ bằng cách đặt tên, những người bán hàng đã hô biến nguồn gốc sản phẩm. Chưa biết chất lượng loại táo này ra sao, nhưng ngay từ thông tin ban đầu người mua hàng đã bị lừa dối.

Theo ANTV