icon icon

Tượng Phật trên núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, chợ Long Hoa là ba trong những công trình, điểm đến nổi bật của Tây Ninh, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tây Ninh đang trở thành một điểm đến gây chú ý đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách (tăng hơn 50% so với cùng kỳ), khách lữ hành 12.000 lượt khách, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

So với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Ninh là một địa phương có rất nhiều rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Ảnh: Vũ Minh Hiển.

Tây Ninh, một địa phương có bản sắc độc đáo, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú về nguồn lực. Nhiều người ví đây có thể xem là một Nam Bộ thu nhỏ. Ảnh: Vũ Minh Hiển.

Tỉnh này phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hàng năm từ 25%/năm trở lên. Ảnh: Khánh Phan. 

Trước đó, sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống, cùng với TP.HCM, Tây Ninh là một trong 2 địa phương đầu tiên khởi động lại hoạt động du lịch trên cả nước. Ảnh: Thái Viết Hoàn. 

Công trình thủy lợi nghìn tỷ đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông là dự án kinh tế đang chú ý ở Tây Ninh. Ảnh: Lê Việt Khánh. 

Đây là công trình lớn không chỉ phục vụ 1.700 ha đất nông nghiệp khu vục phía Tây sông Vàm Cỏ dự án còn phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các cụm, khu công nghiệp và người dân trong vùng dự án. Đồng thời, thu hút nhiều doanh nghiệp tầm cỡ chọn địa phương là điểm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Phúc Lê.

Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Tây Ninh, nhưng nhìn chung sản xuất còn ở dạng tự phát, manh mún với thị trường nhỏ hẹp. Để khai thác tối đa tiềm năng vốn có, tỉnh đang thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực này. Ảnh: Khánh Phan.

Tây Ninh có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn. Một trong số đó phải kể đến núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, độ cao 986m. Nhiệt độ ở đây giảm hơn các vùng đồng bằng phía dưới 6 độ C nên khí hậu rất trong lành và chan hòa.

Ngoài độ cao ấn tượng, núi Bà Đen còn có khung cảnh hữu thiên nhiên hữu tình, núi non hùng vĩ. Mùa khô ở Tây Ninh bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, là thời điểm lý tưởng nhất để du ngoạn nơi này. Đặc biệt vào mùa lễ hội chùa Bà Đen từ mùng 4 đến 16 tháng Giêng, lượng du khách hành hương tới đây rất lớn. Ảnh: Hải An - Vũ Minh Quân - Lê Việt Khánh.

Đến Tây Ninh không thể không tham quan tòa thánh Tây Ninh. Nằm trên khu đất rộng 1km2, đây là công trình cả đạo Cao Đài, được xây dựng từ năm 1933 nhưng bị gián đoạn, mãi đến năm 1955 mới được hoàn thiện. Hệ thống bên trong gồm tòa thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Điểm nổi bật của công trình này là được xây dựng bằng xi măng cốt tre, thiết kế độc đáo, các chi tiết đều được chạm trổ kỳ công và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ảnh: Thái Viết Hoàn.

Vì nằm ở tỉnh Tây Ninh nên người dân hay gọi là “Tòa thánh Tây Ninh”. Tên chính xác của công trình này là “Tòa thánh đại đạo tam kỳ phổ độ” hay “Tòa thánh Cao Đài”. Ngoài tòa thánh còn có nhiều công trình quan trọng khác cùng một quần thể các loại thực vật, hoa quả, nhất là các cây cổ thụ bao quanh. Vì thế khi đến tòa thánh, du khách có cảm giác thư thái bởi khí hậu trong lành. Ảnh: Vũ Minh Hiển.

Tòa thánh có chiều dài 140m, rộng 40m, cửa chính hướng về phía Tây với tam đài cao 36m, hiệp thiên đài (hai lầu chuông và trống) cao 25m, nghinh phong đài, cửu trùng đài và bát quái đài cao 30m. Với những người thích tìm hiểu văn hóa, đây là một trong những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ.

Tháp Bình Thạnh nằm trên khu đất cao, nép mình dưới những hàng cây xanh mát và được bao quanh bởi những đồng lúa bao la, tạo nên khung cảnh hoang sơ, trữ tình, không kém phần bí ẩn thanh tịnh. Ảnh: Phúc Lê.

Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng tại ĐT786 ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Thành cổ này nằm bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, cách trung tâm thành phố khoảng 50km, là kiệt tác kiến trúc 1.000 năm tuổi thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Chợ Long Hoa là một ngôi nhà lồng hình chữ thập, nằm trên lô đất vuông, xung quanh có 8 cửa, hướng ra 8 con đường. Chợ này sầm uất nhất tỉnh Tây Ninh, bán nhiều đặc sản như bánh tráng phơi sương, bánh tráng mè, đặc biệt là các loại muối chế biến. Ảnh: Phúc Lê.

Ảnh: Thái Viết Hoàn - Khánh Phan.

Ngoài ra, chợ Long Hoa cũng nổi tiếng về những thức ăn chay như chả giò, gỏi cuốn, bún bì, bì cuốn, chạo tôm chay, nem chay, bò bía chay, cháo, bánh canh, hủ tiếu… Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trung tâm thành phố Tây Ninh. Sau khi thành lập phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh và thành phố Tây Ninh thì tỉnh Tây Ninh có hơn 403 nghìn ha diện tích tự nhiên, trên 1 triệu nhân khẩu, 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Tây Ninh và các huyện Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu) và 95 đơn vị hành chính cấp xã (80 xã, 7 phường, 8 thị trấn). Ảnh: Tuấn Nguyễn - Vũ Minh Hiển.

Nam Khánh

Tin nổi bật