Lễ vật cho một đám cưới gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, thuốc lào, tiền mặt và cả những vật dụng như túi vải, ô đen… Ông trưởng họ đại diện cho nhà trai tìm một người có uy tín và có tài ca hát để làm ông mối. Ông mối sẽ dẫn dắt toàn bộ đoàn đón dâu trong suốt ngày cưới.

Trước khi đi đón dâu, trưởng họ bàn giao đồ lễ cho ông mối và phân công công việc cho mọi người. Ông mối hướng dẫn chú rể cùng phù rể vái lạy tổ tiên trời đất, chú rể lạy hai lạy hướng vào phía trong nhà để tạ ơn tổ tiên, hai lạy hướng ra ngoài để tạ trời đất. Họ cùng nhau uống rượu rồi đi một vòng quanh bàn thờ để xin phép với tổ tiên. Trước khi lên đường ông mối sẽ nhận chiếc ô đen và túi vải từ tay trưởng họ.

Theo phong tục của người H’Mông, khi đoàn đón dâu đến cửa nhà gái thì ông mối sẽ phải hát bài Xin mở cửa rồi sau đó mới bước vào. Đoàn đón dâu bước vào trong nhà, đại diện nhà gái ra đón tiếp. Họ mời nhau thuốc lào, rượu rồi ông mối cất lời hát bài Xin bàn ghế. Khi bài hát vừa dứt thì bàn rượu được bày ra để mời họ nhà trai.

Ông mối tiến hành bàn giao đồ lễ cho nhà gái rồi xin phép cho phù dâu vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài, bật ô che nắng cho cô dâu. Ông mối hướng dẫn chú rể và phù rể vái lạy cảm ơn cha mẹ vợ, hai lạy phía trong để lạy tổ tiên nhà vợ, hai lạy phía ngoài để lạy trời đất, thổ công rồi xin phép được đón cô dâu về. Khi ra khỏi cửa, theo tục lệ thì cô dâu và chú rể không được ngoái đầu lại nhìn ngôi nhà của cô dâu.

Khi về  đến cửa nhà trai, cô dâu, chú rể phải dừng lại trước cửa để họ nhà trai mang gà trống ra làm phép, quay bên phải, quay bên trái ba vòng để xua đuổi những điều xấu, đón tiếp những điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.

Người H’Mông quan niệm rằng của hồi môn của nhà gái cho con khi về nhà chồng phải qua ba ngày mới được mở ra xem và đó thường là váy áo, vải vóc, chăn màn… Tuy nhiên, ở những gia đình khá giả của hồi môn có khi có cả bạc trắng hoặc tiền.

Theo TGVH