Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song tại một số nơi, vẫn còn phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối mặt với nhiều quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người.

Trong kinh tế và phân công lao động phụ nữ dân tộc thiểu số bất lợi hơn, nên thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định. Trong khi 74% hộ gia đình dân tộc thiểu số có nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng thì tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 41%. Tình trạng bỏ học của học sinh diễn ra phổ biến, đặc biệt là việc duy trì việc học lên cấp trung học phổ thông. Nam dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 86,3%, trong khi đó tỷ lệ nữ chỉ 73,4% biết đọc, biết viết. Điều đáng lo ngại là ở độ tuổi dưới 16, trẻ em nữ dân tộc thiểu số kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em nam (685 em trai và 2.306 em gái).

Số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Năm 2018, con số này là 27,5%, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%.

Tục thách cưới của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên diễn ra phổ biến, vật thách cưới này thường là trâu, bò, chum ché, vàng, tiền, thường cao so với điều kiện kinh tế thực tại của gia đình nhà gái.

Thực tế cuộc sống đã cho thấy, các tập tục văn hóa lạc hậu gây ra sức ép lớn đến việc thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ, làm hạn chế sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc. Đồng thời các hủ tục lạc hậu cũng góp phần tác động đến sự phát triển lâu dài của vùng dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người phụ nữ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con, điều này dễ xảy ra tình trạng người mẹ tử vong sau khi sinh hoặc rối loạn tâm lý hậu sinh. Đây còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ dân tộc thiểu số liên quan đến thai sản. Theo kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là 22,13%. Các dân tộc thiểu số nói chung đều sinh sớm hơn so với mô hình chung của cả nước, trong đó phần lớn phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con ở độ tuổi 20-24.

Thứ hai, phụ nữ dân tộc thiểu số kết hôn sớm thường ít có cơ hội tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề. Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ là 8,9%, thấp hơn nam giới dân tộc thiểu số và phụ nữ dân tộc Kinh; không có nền tảng kinh tế vững chắc, không đủ các điều kiện tốt nhất để chăm lo cho con của họ gây khó khăn trong thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo ra lực cản đối với sự phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, phụ nữ và trẻ em gái kết hôn sớm, thường bỏ dở việc học hành, hạn chế việc tiếp thu những tri thức tiên tiến, hiện đại, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, tài năng; phải lao động từ sớm để trang trải cho cuộc sống gia đình, gây khó khăn trong bảo đảm các quyền của trẻ em; là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lừa lao động, hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn bán người. Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từ năm 2013 - 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), đa số là người dân tộc thiểu số.

“Tập tục lạc hậu bắt nguồn từ chức năng xã hội của tập tục đó và trình độ nhận thức của cộng đồng. Tập tục chỉ thay đổi, mất đi khi nó không còn giá trị và người dân nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cộng đồng, mong muốn xóa bỏ.

Chính vì vậy, để có thể xóa bỏ, giảm thiểu các tập tục văn hóa có hại – các hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và chị em các dân tộc”, bà Nguyễn Thị Minh Hương, phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo “Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới”.

Trên tinh thần các văn bản của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, hàng loạt giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đã ra đời, đặc biệt tại Kỳ họp thứ 9 (6/2020) Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ngày 14/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 xác định “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Chương trình đưa ra mục tiêu từ năm 2021 đến hết năm 2025, sẽ triển khai 10 dự án, trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày 13/8/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” (giai đoạn I) và văn bản số 834/UBDT-DTTS ngày 13/8/2015 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015.

Theo ghi nhận của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, kết quả triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan công tác dân tộc đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền như: tổ chức được 7.245 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho 478.298 người tại các xã triển khai mô hình điểm.

 Tổ chức các hoạt động truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tổng số là 120.774 cuộc với 4.070.148 người tham gia; nội dung tuyên truyền về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (ảnh hưởng đến giống nòi, phát triển trí tuệ, chất lượng cuộc sống và nguồn lực của gia đình)...

Thiết kế, lắp đặt 2.704.757 (pa-nô, áp phích; tờ rơi/tờ gấp, sổ tay hỏi đáp 5 pháp luật...) phát cho 1.412.363 đồng bào để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; địa điểm tại các xã có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao...; tuyên truyền qua các đài phát thanh và truyền hình tỉnh.

Hơn một năm qua, các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719, đặc biệt với Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em và Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Điều đó cho thấy sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực, vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trong nỗ lực làm thay đổi nhận thức, góp phần đẩy lùi những quan niệm, hủ tục lạc hậu, đặc biệt là thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV