Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, các triều đại phong kiến Đại Việt luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, bảo vệ hòa bình, tránh nạn binh đao; đồng thời, chăm lo xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện kế sách khoan thư sức dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, “giữ nước từ lúc nước chưa nguy… là quan điểm chỉ đạo chiến lược, trở thành kế sách giữ nước trong mọi thời đại.
Trước lúc lâm chung, vua Lý Nhân Tông đã căn dặn Thái tử cùng quần thần: “Nên sửa sang giáo mác để phòng việc bất ngờ”.
Về tinh thần “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, Thượng tướng Trần Quang Khải đã khái quát: “Thái bình tu trí lực. Vạn cổ cựu giang san” (tạm dịch là: Thái bình nên gắng sức. Non nước vững nghìn thu).
Đức Vua Lê Thái Tổ cho khắc trên vách núi đá Thác Bờ: “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ung tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài) và căn dặn con cháu, muôn dân trăm họ phải tập trung “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Luôn đau đáu ý thức phòng bị đất nước, trước lúc lâm chung, Nhà vua đã di chúc lại cho hậu thế: “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.
Duy trì kế sách của người đi trước, giữa thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông nhắc nhở: “Phàm có nhà nước tất có võ bị”và ra chỉ dụ khuyên các tướng sĩ phải biết quý trọng gìn giữ, bảo vệ từng thước núi, tấc sông do cha ông để lại, năng luyện rèn sẵn sàng đối phó với giặc ngoài.
Rồi việc “dụng kế biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tông miếu” của Lý Thường Kiệt sau chiến thắng Như Nguyệt, không chỉ buộc giặc Tống phải rút quân, mà còn lấy lại được những đất đã mất.
Lý Thường Kiệt còn sớm khẳng định độc lập, chủ quyền đối với lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở pháp lý đấu tranh, ngăn chặn mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang: “Sông núi nước Nam Vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Trên tinh thần đó, tổ tiên ta triển khai nhiều chính sách hướng tới mục tiêu “quốc phú, binh cường”, kết hợp chặt chẽ giữa việc “binh” và việc “nông”; khi đất nước thanh bình thì khuyến khích nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, khi có “biến” thì tập trung làm việc “binh”, nhằm vừa giảm chi phí nuôi quân, vừa có lực lượng đánh giặc, bảo vệ đất nước.
Cha ông còn thực hiện nhiều chính sách chiêu mộ, tuyển dụng hiền tài, ban bố luật lệ, xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, gắn bó với dân, bảo đảm quyền hành chính trị tập trung, giang san thu về một mối, “vua sáng, minh quân - tôi hiền, trung liệt”, trên dưới đồng lòng, “phụ tử chi binh”, cả nước góp sức; bộ chỉ huy tối cao đoàn kết, không chia bè phái.
Coi trọng nuôi dưỡng lòng dân, lấy dân làm gốc; tổ chức phòng bố, phòng bị, giao cho các quan tước cai quản, bảo vệ từng vùng; xây dựng thành lũy, hình thành các tuyến phòng thủ, phân chia khu vực, khai hoang, lập ấp ở những nơi xung yếu, “phục binh sẵn, phá thế giặc dữ” từ xa, củng cố vững chắc phên giậu; rèn, đúc vũ khí, đóng thuyền chiến, chuẩn bị lương thảo, sẵn sàng động viên khi có họa xâm lăng, v.v.
Kiên trì phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”, bên trong thì tăng cường chống cát cứ, xây dựng cơ sở, nghiêm trị tạo phản; chăm lo xây dựng quân đội theo phương châm “quân cốt tinh mà không cốt đông”, kết hợp quân triều đình với quân các hương, lộ, phủ và quân ở trong dân, với chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, bảo đảm “quân hùng, tướng mạnh, thống soái tài ba”, “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc”, tăng cường cảnh giác, đề phòng giặc giã; bên ngoài thì đẩy mạnh các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng kiên quyết, tránh nạn binh đao, ngăn ngừa, kết thúc chiến tranh, duy trì hòa hiếu, giữ yên biên thùy.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa tiếp tục được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, thấy trước, chuẩn bị trước”.
Kế thừa quan điểm, tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý báu ấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa," đồng thời triển khai toàn diện trên mọi lĩnh vực, phương diện của đất nước.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dự báo tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực, trong nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa”; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”; “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt;... giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy”.
Tư duy chiến lược về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng gồm nhiều nội dung:
Phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước: Trước bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn, khó dự báo, thì việc “nâng cao năng lực xử lý thông tin, dự báo, tham mưu chiến lược, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động…” là hết sức cần thiết, “góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước”.
Quan điểm này là một trong những đột phá tư duy, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng.
Xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng vững mạnh: Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Tập trung “xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp có số lượng phù hợp, coi trọng lực lượng dân quân tự vệ biển và dân quân tự vệ các địa bàn trọng điểm”. Đồng thời, “tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh”.
Phát huy sức mạnh tổng hợp: Tư duy về phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc của Đảng được Đại hội XIII nhấn mạnh: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”.
Đây là nét đặc trưng trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, là quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta, nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị - tinh thần, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đó còn là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền sâu rộng, liên tục để nhân dân thế giới và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đủ về Việt Nam, từ đó ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.
Đảng ta xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, v.v. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc phải được chủ động tiến hành, lấy phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, xung đột là chính; phương thức bảo vệ Tổ quốc là kiên quyết, kiên trì đấu tranh, không chỉ ngăn chặn chiến tranh xâm lược từ bên ngoài mà phải: “phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước, mục tiêu cao nhất là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại: Mục tiêu của đối ngoại quốc phòng là, thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài vào củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phát huy tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước; lấy đối ngoại quốc phòng làm công cụ quan trọng giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; tạo lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực.
Điểm mới về nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng của Đại hội XIII là, “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”.
Hoàng Hiệp, Thế Long, Bích Hạnh
21/12/2021 04:10