Nằm giữa trung tâm cửa ngõ miền Đông Quảng Ninh, giao điểm của các Quốc lộ 18A, 18C nối liền Hạ Long với Cửa khẩu Móng Cái, Cửa khẩu hoành Mô và Quốc lộ 4B đi Lạng Sơn, từ lâu, Tiên Yên đã được gọi là vùng đất ngã ba sông với truyền thống lịch sử lâu đời còn ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa.

Nằm giữa hai dãy núi phía đông và phía tây, thị trấn Tiên Yên là thung lũng được tạo nên bởi hai chi lưu sông Tiên Yên. Đối diện với thị trấn Tiên Yên là cánh đồng bằng Đồng Châu (xã Tiên Lãng) chạy dài ra biển trên 6km do sông Tiên Yên tạo nên.

Bên cạnh các di tích lịch sử, các đình, đền, chùa, Tiên Yên còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng như cảng Mũi Chùa, mũi Lòng Vàng, rừng ngập mặn Đồng Rui... Thác Pạc Sủi ở xã Yên Than với cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ có 16 tầng thác gắn với phong cảnh rừng tự nhiên, hệ thống thực vật phong phú da dạng. Dưới chân núi Pạc Sủi là những rừng quế nổi tiếng ở Khe Táu, xã Đông Ngũ - nơi định cư của đồng bào Dao. Qua dãy Pạc Sủi là thung lũng Đại Dực với những ruộng bậc thang và bản làng của đồng bào Sán Chỉ.

Tiên Yên có nhiều dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Thái, Cao Lan... nên có một nền văn hóa nghệ thuật đa dạng đặc sắc. Đó là nền văn hóa đặc trưng của nền văn minh lúa nước của người Kinh và văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số. Người Tày định cư lâu đời với bản làng nhà sàn hai bên triền sông trong thung lũng Tiên Yên. Người Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa gắn với những ngôi nhà cổ xây bằng đá, ngói âm dương, trình tường. Văn hóa dân gian phổ biến của các dân tộc là lối hát đối giao duyên trong các dịp lễ, tết, hội hè như hát then của người Tày, Sán cố của người Dao, Soọng cô của người Sán Dìu, Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát nhà tơ của người Kinh...

Vốn văn hóa dân gian mang nhiều sắc thái riêng của địa phương được duy trì phục dựng và thể hiện qua các lễ hội hàng năm như: Lễ cấp sắc, lễ cúng thành hoàng ở đình làng, lễ hội xuống đồng của người Tày, lễ đại phan của người Sán Dìu, lễ cấp sắc của đồng bào Dao, lễ hội văn hóa - thể thao với nhiều hoạt động như ném còn, đánh cầu, đánh gụ, đẩy gậy của người Sán Chỉ, lễ hội đua thuyền của người Kinh ở Đồng Rui, Tiên Lãng...

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Tiên Yên có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú.

Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, phát huy hiệu quả. Công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của huyện được triển khai tích cực bằng nhiều hình thức. Địa phương quan tâm đầu tư các nguồn lực và xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; hằng năm tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.

Huyện đã hoàn thành xây dựng các đề án bảo tồn văn hóa: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, từng bước xây dựng Tiên Yên trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.

Từ nay đến năm 2025, Tiên Yên phấn đấu mỗi xã, thị trấn xây dựng và duy trì tối thiểu 1 mô hình tiêu biểu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị 6 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng, 15 di tích đã được tỉnh kiểm kê phân loại. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng tầm quy mô, chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, đua thuyền truyền thống và nghệ thuật các lễ đặc trưng như lẩu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan, gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, rà soát lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ nhân dân gian đối với người có đóng góp tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ, xã Đại Dực.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phải có sự đổi mới, phát triển, đồng thời đảm bảo gìn giữ được những đặc điểm cơ bản trong cốt cách truyền thống, lấy người dân làm trung tâm, động lực phát triển với các trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa. Với quan điểm xuyên suốt như vậy, Tiên Yên đã và đang trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc.

Yên Minh