Sapobai4.jpg
Tit1bai4.jpg

Theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giảm nghèo, trình độ học vấn ảnh hưởng đến quá trình cải thiện sinh kế của người nghèo, cụ thể là trực tiếp cải thiện thu nhập, mức sống của con người; trình độ học vấn càng cao càng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp. 

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị với Việt Nam rằng năng suất và kỹ năng lao động là những trụ cột chính cho giảm nghèo và phát triển bền vững, thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn thì phải tập trung vào đào tạo nghề chính quy ở trường nghề. Bằng cấp chính thức sẽ là cơ sở giúp người nghèo vươn lên một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức; cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời với hỗ trợ người nghèo đi học nghề.

Bài học kinh nghiệm tại một số nước như Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc cho thấy sự thành công trong việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững. Đối với Việt Nam, nhiều báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của các hộ gia đình.

Bởi vậy, trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.

Mục tiêu của Chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Các nội dung, hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, phát triển chương trình, học liệu, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết nội dung về đào tạo nghề nêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Tit2bai4.jpg

Cách nay mấy năm, đề cập đến công tác xóa đói, giảm nghèo trong một phiên thảo luận tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) nhấn mạnh sự phù hợp cần thiết của việc thiết kế đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Đại biểu nêu rõ, ILO từ năm 1999 đã nhấn mạnh vai trò của đào tạo nghề cho người nghèo. Chứng minh từ các nghiên cứu lớn cho thấy, rõ ràng nghèo đói có tương quan trực tiếp với trình độ, năng lực của con người, do đó, kỹ năng và khả năng làm việc là những đóng góp quan trọng vào việc giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và tăng cường ổn định chính trị.  

Đối với Việt Nam, nhiều báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy, giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của các hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ, tỷ lệ nghèo đa chiều của nhóm các chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%, trong khi đó, nhóm có chủ hộ chưa học xong tiểu học 26,6%. Trong giai đoạn 2012 - 2016, tỷ lệ nghèo đều giảm ở các hộ có chủ hộ có các trình độ học vấn cao hơn, tốc độ giảm nghèo của các nhóm hộ có chủ hộ lao động không có kỹ năng nghề thấp hơn các nhóm hộ khác.

 “ILO đã khuyến nghị, các chính phủ thiết kế các chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, mặt khác là thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Trong bối cảnh của một chương trình bao gồm 1 gói các luật hỗ trợ, khuyến khích giáo dục nghề nghiệp sẽ phát huy hết tiềm năng giảm nghèo”- đại biểu nêu rõ.

Đại biểu cũng chỉ ra, bài học kinh nghiệm tại một số nước như Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc đã thấy thành công trong việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững.

Đại biểu cho rằng, để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. Phát triển giáo dục nghề nghiệp sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả trên cơ sở chiến lược tăng trưởng cân bằng, an toàn, bao trùm, bền vững và sáng tạo để người lao động có tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình từ mức trung bình của lao động xã hội trở lên. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp là một dịch vụ xã hội cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội mà Hiến pháp 2013 đã hiến định, công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, linh hoạt, tập trung vào các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, trong đó có thể nói giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò quan trọng.

“Từ những lý do trên, có thể cho rằng giảm nghèo bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. Do đó, việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là hết sức phù hợp và cần thiết” – đại biểu khẳng định. Đồng thời đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giáo dục nghề nghiệp phát huy tốt nhất vai trò góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Bài học đúc kết từ thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thời gian qua cho thấy, gắn giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững là một phương thức hiệu quả để người dân chia tay cái nghèo mà "không hẹn ngày gặp lại”.