6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực rau quả đã trở thành một điểm sáng khi Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nhìn sang lĩnh vực nhập khẩu, trái cây ngoại đổ về Việt Nam lại tăng tới 87%.
Như vậy, có thể thấy, nếu Việt Nam xuất khẩu trái cây "tăng được 1" thì nhập khẩu "đã tăng 2". Điều đáng nói, trong khi các doanh nghiệp nỗ lực xuất khẩu rau quả, người tiêu dùng Việt cũng sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng/tháng để dùng rau quả ngoại. So với những sản phẩm cùng loại trong nước, mức giá của hoa quả ngoại tương đương hoặc chỉ chênh 10.000-20.000 đồng/kg. Trong khi người tiêu dùng được hưởng lợi, sức ép cạnh tranh của hoa quả ngoại đang khiến sản xuất trong nước trở nên khó khăn.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, không khó để có thể bắt gặp những con phố chuyên bán hoa quả ngoại nhập. Vì sao các loại hoa quả Việt Nam cũng có như: chôm chôm, thanh long, nhãn, măng cụt ngoại vẫn có chỗ đứng và thậm chí sống khỏe trên thị trường?
Chưa khi nào người tiêu dùng lại có thể mua trái cây ngoại rẻ như lúc này. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị đã chính thức nhập trái cây trực tiếp từ nước sản xuất.
Trong khi đó, theo thống kê tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM, có khoảng 3.000 tấn trái cây đưa về tiêu thụ thì có tới 35% là trái cây ngoại, trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan.
Cạnh tranh với hoa quả nhập khẩu sẽ tiếp tục là câu chuyện "nóng" thời gian tới, đòi hỏi mỗi nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải biết tạo ra ưu thế riêng. Mặc dù năm nào các sản phẩm trái cây cũng đều tìm được thị trường xuất khẩu mới, nhưng có vẻ như chúng ta đang quên thị trường trong nước.
Theo VTV