>> Phần 2: Không thể bê nguyên Harvard về Việt Nam
>> Phần 3: Đại gia Việt và văn hóa thiện nguyện

Đầu năm 1989, Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình VN tại ĐH Harvard, cựu lính thủy đánh bộ trong chiến tranh VN cùng GS Dwight Perkins, sau này là Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard có chuyến thăm Việt Nam. Khi đó, đất nước mới bắt đầu tiến trình Đổi Mới và hầu hết các nhà lãnh đạo VN khi ấy vẫn còn rất mơ hồ về những khái niệm kinh tế thị trường.

Những vết thương chiến tranh vẫn còn hiện diện trên khắp đất nước. Vậy mà ngược với dự đoán ban đầu, nhóm tư vấn của Harvard thấy mình được chào đón ở VN, được nghiên cứu bất kỳ vấn đề kinh tế quan trọng nào.

"Ngay từ những ngày tháng ban đầu, còn nhiều khó khăn khi ấy, các lãnh đạo VN và TPHCM đã quan tâm, thậm chí đặt hàng cụ thể với Viện Đại học Harvard. Với chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã mời, tạo điều kiện cho công việc của nhóm nghiên cứu. Các nhà lãnh đạo VN mong muốn VN không chỉ thoát nghèo nàn, mà còn sớm công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sánh vài các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhớ lại.

Trong những năm 1990 và 1991, Vallely và GS David Dapice, một nhà nghiên cứu về kinh tế VN đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, khảo sát cho các nhà hoạch định chính sách, các bộ trưởng phụ trách kinh tế và nhiều quan chức cấp cao khác ở Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Đối với nhiều thành viên, đó là chuyến đi đầu tiên của họ đến các nước láng giềng đang phát triển rất nhanh chóng khi ấy, và là cơ hội ban đầu để gặp gỡ những đồng sự chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống người dân. Trong các thành viên khi ấy, có ông Phan Văn Khải, người một thập niên sau trở thành Thủ tướng của VN.

Đấy cũng là lúc mà Chương trình VN của ĐH Harvard do Thomas Vallely sáng lập bắt đầu ghi dấu ấn sâu đậm của mình, với sáng kiến thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM (FETP hay còn gọi là trường Fulbright) vào năm 1994, trước cả khi hai nước bình thường hoá quan hệ.

Nhờ những hậu thuẫn chính trị quan trọng từ các nhà lãnh đạo VN cũng như Mỹ, từ một chương trình một năm đào tạo các khoá học về kinh tế học cổ điển theo chương trình giảng dạy của Harvard, giờ đây, sau 20 năm, FETP đã có hơn 1000 cựu sinh viên nắm giữ các trọng trách trong các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, trong khu vực công cũng như lãnh đạo doanh nghiệp.

Hoàn tất một chặng đường 20 năm, chương trình khởi đầu cho lộ trình xây dựng một mối quan hệ mới giữa hai cựu thù Việt - Mỹ đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trường đại học lớn mang đẳng cấp quốc tế. Tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận chủ trương thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và tháng 12 mới đây, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn thành luật cho phép Chính phủ Mỹ tài trợ khoảng 20 triệu USD để xây dựng FUV.

Cuộc trò chuyện của VietNamNet với ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình VN tại ĐH Harvard và Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam, người tiên phong cho các nỗ lực thành lập FUV bắt đầu với lễ kỷ niệm 20 năm trường Fulbright ở Dinh Thống Nhất, TP.HCM tuần trước.

Nhà báo Việt Lâm:Tuần trước, chúng ta đã kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, hay còn gọi là trường Fulbright tại Dinh Thống Nhất TP.HCM. Đó là một sự kiện đầy ý nghĩa với nhiều người, không chỉ với các thành viên của gia đình Fulbright, mà còn đối với những người ủng hộ cho cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam. Khi ngồi ở trong hội trường rộng lớn đó, lắng nghe mỗi người chia sẻ câu chuyện riêng của họ, ông, người sáng lập chương trình cảm thấy thế nào?

Ông Thomas Vallely: Trước hết, tôi muốn cảm ơn VietNamNet vì cơ hội được trò chuyện với độc giả Việt Nam. Tôi rất cảm kích bởi VietNamNet thực sự đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi mà trường Fubright đã khởi xướng. Ngày nay, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Internet đã hiện diện mạnh mẽ và sâu sắc trong các ngóc ngách của xã hội VN. Vì thế, có thể ít ai biết rằng cách đây chưa lâu, ngay ở trường Fulbright giữa trung tâm TP.HCM, chúng tôi đã phải làm mọi cách để kết nối với thế giới. Đó là giai đoạn mà 50 sinh viên của trường được tiếp cận Internet nhiều hơn tất cả các sinh viên trong toàn hệ thống giáo dục đại học, nhờ có VietNamNet.

Khi chúng tôi bắt đầu chương trình, chúng tôi mua một khuôn viên nhỏ ở TP.HCM. Khi đến đó, chúng tôi đã nghĩ rằng "ồ, đây là một trong những kiến trúc đẹp nhất VN mà tôi đã từng thấy ở TP.HCM". Lúc đó, kế hoạch của chúng tôi là mua một khuôn viên thật đẹp để thu hút mọi người đến đó không chỉ vì chương trình khoá học mà còn vì họ thích đến đó thưởng ngoạn nữa. Có thể điều đó bây giờ là bình thường ở VN khi mà nhiều người VN ngày càng thích đến những nơi đẹp đẽ.

Khi mới bắt đầu, chúng tôi không giảng dạy ở mức độ mà chúng tôi thực hiện được như ngày nay. Tôi nghĩ đây là một điểm rất đặc biệt. Khi đó, chúng tôi dạy các khoá kinh tế học tân cổ điển theo đúng cách mà bạn sẽ học ở trường Georgetown, Arizona State, California Irvine hay Harvard. Chúng tôi sử dụng sách giáo khoa Mỹ và không thực sự kết nối những gì chúng tôi giảng dạy với các vấn đề chính sách công ở VN khi đó. Có thể nói trong vài năm đầu tiên, chúng tôi chỉ học hỏi làm sao để triển khai được chương trình và chủ yếu là các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy với sự trợ giúp của các trợ giảng người Việt.

Bởi thế, điều khiến tôi ấn tượng nhất tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường là làm thế nào mà chúng tôi đã hoàn tất một quá trình mang tính cải biến như vậy. Giờ đây, tất cả các giảng viên là người Việt Nam, trừ một vài ngoại lệ là một số giáo sư nước ngoài được mời đến giảng theo học kỳ. Hầu hết các giảng viên VN đó đều được đào tạo từ các trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở nước ngoài.

Sự cải biến trong nguồn lực con người, theo tôi chính là thành tựu lớn nhất mà một sự thay đổi nhỏ mang tính thể chế đã đem lại cho trường. Chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên nhỏ nhưng rất tài năng. Đầu tư cho nguồn nhân lực là phần đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của trường. Và được chứng kiến những giảng viên VN trẻ đó trưởng thành thực sự là khoảnh khắc đáng tự hào và xúc động.

trường Fulbright, Thomas Vallely
Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard. Ảnh: Phạm Hải


Vấn đề của VN là chỉ so mình với chính mình

Tôi nhớ cách đây chừng mươi năm thì những cái tên như Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Xuân Thành, Huỳnh Thế Du…(các giảng viên VN của FETP) vẫn còn rất xa lạ. Giờ đây, họ là những chuyên gia kinh tế có tiếng nói và ảnh hưởng trong cộng đồng. Các tờ báo uy tín, trong đó có VietNamNet thường xuyên trích đăng các ý kiến, bài viết của họ.

Tôi nhớ trong lễ kỷ niệm 20 năm trường Fulbright, một ai đó đã hỏi tôi một câu hỏi có liên quan gián tiếp đến 3 giảng viên mà bạn vừa đề cập. Câu hỏi đó là "ông định nghĩa thế nào về đẳng cấp thế giới". Đẳng cấp quốc tế, theo tôi là các giảng viên của trường phải biết rõ những người khác trên thế giới đang dạy những gì họ dạy và nghiên cứu những gì họ nghiên cứu. Những giảng viên hàng đầu không chỉ là những người xuất sắc nhất ở VN mà họ còn phải có khả năng cạnh tranh với những bộ óc giỏi nhất trên thế giới trong lĩnh vực kinh tế phát triển, kinh tế chính trị, hay kinh doanh. Đấy là điểm khác biệt trong cách tiếp cận của Fulbright so với các cơ sở đào tạo nghiên cứu khác. Và những giảng viên mà bạn vừa nhắc tới là những người kết nối được với thế giới.

Tôi rất tâm đắc một phát biểu của Giáo sư Hoàng Tuỵ rằng vấn đề của hệ thống giáo dục là VN chỉ kết nối VN với VN, so sánh mình với chính mình chứ không kết nối được VN với thế giới. Nếu bạn chỉ so ta với ta, kết nối ta với ta thôi thì bạn không có đủ áp lực để trở thành một nhà hoá học, sinh học hay kỹ sư xuất chúng. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu kém, không có nghĩa là bạn không có giá trị gì nhưng bởi vì bạn không thể trở nên xuất sắc bởi vì bạn không có sự cạnh tranh hay tái tạo tri thức từ sự kết nối với thế giới bên ngoài.

Khi chúng tôi thành lập trường Fulbright, chúng tôi chưa có được các giảng viên người Việt đủ năng lực làm điều này. Nhưng giờ đây, sau 20 năm, trường hoàn toàn được quản trị bởi các giảng viên Việt. Cơ chế quản trị có lẽ là thành tố chính làm nên sự khác biệt của trường Fulbright so với các cuộc thử nghiệm có yếu tố nước ngoài khác mà VN đã triển khai.

Hầu hết các tổ chức nước ngoài khi đến VN đều nói rằng người VN biết điều gì là tốt nhất. Thực ra thì người VN không hẳn biết được điều gì là tốt nhất mà là họ hiểu hệ thống của họ và hệ thống đó không cho phép một cơ cấu quản trị có đủ minh bạch, trách nhiệm giải trình hay tính sáng tạo. Và do đó, nên bắt đầu bằng một tiến trình cải cách thể chế trong các tổ chức VN hay các tổ chức có đầu tư nước ngoài.

Nghiên cứu chính sách là để các nhà lãnh đạo có thể thực hiện được

Ông gợi tôi nhớ đến slogan của trường Fulbright là "địa phương hoá tri thức toàn cầu". Nói cách khác là đưa những ý tưởng mới, từ những hệ thống có thể nói là rất khác biệt so với VN áp dụng cho một hoàn cảnh rất đặc thù của riêng VN. Các ông đã vượt qua những rào cản về chính trị, về xã hội như thế nào để đưa được những ý tưởng mới vào quá trình hoạch định chính sách của VN?

Một trong những nhân tố khác biệt nữa của trường Fulbright so với các chương trình đào tạo khác trong hệ thống là trước hết, chúng tôi đầu tư mạnh vào nghiên cứu chất lượng cao. Và các nghiên cứu về kinh tế chính trị là nhằm để gây ảnh hưởng vào các dự thảo chính sách đúng đắn và khả thi. Chúng không được viết để đăng trên tạp chí kinh tế học. Nếu bạn viết cho một tạp chí kinh tế học, không ai ở VN có thể hiểu được bạn đang nói về cái gì bởi vì nó không khác gì một bài toán. Bạn phải viết và phân tích vấn đề để làm sao dễ hiểu nhất với đại chúng. Bạn phải hiểu vấn đề và viết thành một cái gì đó có thể thực hiện được cho một quan chức chính phủ, cán bộ đảng để họ có thể nắm bắt rõ vấn đề và thực thi các giải pháp.

Có rất nhiều ví dụ như thế. Chẳng hạn như chúng tôi đã viết những bài phân tích đầu tiên về nhu cầu phải nới lỏng các quy định đối với hệ thống viễn thông. Ngày nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng nhấc điện thoại lên, vào facebook, và họ nghĩ rằng chúng hoạt động một cách tự động. Nhưng thực ra không phải thế. Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với Internet là bởi vì VN đã quyết định thực hiện điều mà chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Chính phủ VN thực sự đã cân nhắc kiến nghị ấy một cách nghiêm túc. Khuyến nghị của chúng tôi sau các nghiên cứu ấy là: Hãy để hệ thống viễn thông vẫn do nhà nước sở hữu nhưng phải có cạnh tranh. Tôi nhớ là nghiên cứu ấy ra đời khi mà chỉ có trường Fulbright được tiếp cận với Internet và lúc ấy thì chính phủ đang đắn đo không muốn cho Internet phổ cập ở VN. Nó cũng tương tự như việc VN cân nhắc chỉ kết nối các trường đại học trong nước với nhau chứ không phải với thế giới vậy.

Cuối cùng thì điều đã thực sự xảy ra là quân đội quyết định thành lập Viettel để cạnh tranh với VNPT trong lĩnh vực viễn thông. Cuộc cạnh tranh này đã giúp cho Internet trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận và được kết nối rộng rãi trên khắp đất nước. Điều này đã góp phần quan trọng cải biến không chỉ hệ thống giáo dục đại học mà còn là nền chính trị của VN nữa. Tôi nghĩ chính phủ đã đưa ra một quyết định mang tính cải biến lớn lao khi cho phép cạnh tranh trong hệ thống viễn thông, điều làm VN khác biệt so với Trung Quốc và nhiều nước khác. Giờ đây, VN có độ phủ Internet cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

trường Fulbright, Thomas Vallely
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trò chuyện với các giảng viên người Việt của trường Fulbright.


VN thích chúng tôi phản biện

Có lẽ chính nhờ cách tiếp cận theo hướng nghiên cứu sâu sắc nhưng phải dễ hiểu và khả thi với VN như vậy nên trường Fulbright được biết đến rộng rãi trong chính giới, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và công chúng với các bài nghiên cứu chính sách, từ cuốn "Theo hướng rồng bay" những năm đầu thập kỷ 90 cho tới "Lựa chọn thành công" năm 2008 và "Các nút thắt thể chế" mới đây. Nhưng nhìn lại 20 năm qua, một chặng đường dài như vậy, rất nhiều người nói với tôi rằng, ông phải kiên nhẫn và nhiệt huyết lắm mới có thể vượt qua những rào cản ban đầu để xây dựng được trường Fulbright như ngày nay. Ông lấy đâu ra nguồn năng lượng đó vậy?

Ồ, nhận xét này có hơi phóng đại một chút nhưng tôi thực sự cảm kích trước những lời tốt đẹp mà các bạn dành cho tôi. Tôi nghĩ rằng có hai nhân tố quan trọng trong thành công của trường Fulbright. Đó là chúng tôi thực hiện những nghiên cứu theo hướng phải khả thi và triển khai được ở VN, đồng thời chúng tôi cũng đề cao tinh thần phê bình, phản biện.

Tôi biết lý do mà chúng tôi có được một vị trí khá là đặc quyền ở VN có thể bởi vì trường Fulbright có Harvard. Nhưng đó còn bởi vì ngay từ ban đầu, trường Fulbright đã thực hiện những nghiên cứu có tính chất phản biện đối với các chính sách của chính phủ và nền quản trị chính trị. Đó là sự phản biện mang tính xây dựng. Nhưng bởi vì tính phản biện từ buổi đầu đã tạo nên sự khác biệt. Không phải bởi vì chúng tôi dũng cảm hơn ai, mà bởi vì chúng tôi có lá chắn trên đầu để bảo vệ.

Thực ra có 3 lá chắn. Lá chắn thứ nhất là một nhóm người ở VN muốn có phản biện. Ngay từ ban đầu, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của VN mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, làm việc đều mong muốn chúng tôi phản biện. Hai là, trường Harvard cũng có một vị thế tương đối để phản biện hơn các nơi khác. Cuối cùng là trường Fulbright nhận tài trợ chính từ chính phủ Mỹ và do chính TNS John Kerry và John McCain tham gia sáng lập. Vào thời điểm đó, VN và Mỹ đang cùng nhau xây dựng mối quan hệ. Tôi nghĩ trường Fulbrigh đã hưởng lợi khá nhiều. Nhờ thế, chúng tôi có nhiều khoảng không tự do hơn những người khác.

Không lẽ ông chưa bao giờ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hay thái độ khó chịu từ ai đó vì đã phản biện quá thẳng thắn không?

Ồ, nếu điều đó xảy ra thì có nghĩa là chúng tôi đã phản biện không đủ (cười). Không, điều đó không phải là vấn đề gì to tát cả. Chúng tôi tạo dựng uy tín nhờ phản biện và uy tín đó trở nên giá trị bởi vì bạn đã làm việc một cách tích cực, xây dựng chứ việc phê bình tự thân nó không làm nên giá trị. Phản biện một cách xây dựng mang đến cho bạn sức mạnh trong tranh luận. Và chúng tôi đã theo đuổi điều đó ngay từ ban đầu.

Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên chúng tôi viết về VN là cuốn "Theo hướng rồng bay". Đó là một bản phân tích được viết bởi một trong những người sáng lập trường Fulbright, giáo sư Dwight Perkins. Ông ấy là người đã đi tiên phong nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc ở Harvard, một lĩnh vực gây nhiều tranh cãi ở Mỹ thời điểm đó đến nỗi mà ai đó nghiên cứu về nó có thể gặp phiền nhiễu. Hồi đó, GS Dwight cũng dạy một khoá ở Harvard về tiến trình phát triển của Đài Loan, Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, về việc họ đã làm thế nào để vươn dậy và quá trình công nghiệp hoá đã diễn ra như thế nào. Chúng tôi viết một phân tích tương tự về VN, về việc VN có thể làm gì để công nghiệp hoá thành công như những nước này.

Thế rồi thế giới thay đổi. Chúng ta có toàn cầu hoá, rồi khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Bây giờ trường Fulbright không còn khoá học đó nữa nhưng nó đã khởi nguồn cho cuộc đối thoại chính sách trong hệ thống kinh tế chính trị của VN. Chúng tôi cũng biết rằng không phải lúc nào góp ý của mình cũng được tiếp thu nhưng chí ít chúng tôi đã đóng vai trò nhất định trong cuộc tranh luận về chính sách. Và điều tuyệt vời về VN chính là họ thích chúng tôi làm việc đó.

trường Fulbright, Thomas Vallely
"
Khi bạn gặp rắc rối, nhiều người muốn giúp bạn hơn là làm hại bạn. Đó chính là giấy phép kiểu VN". Ảnh: Phạm Hải



Thế có bao giờ ông muốn bỏ cuộc không?

Không, không bao giờ. Chưa từng có ai yêu cầu chúng tôi từ bỏ. Và chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ vào rất nhiều người trẻ VN. Nhiều người VN đã làm việc cho chúng tôi, làm việc cùng chúng tôi và chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết. Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi nơi này.

Chúng tôi phải làm việc với Harvard, với Bộ Giáo dục và chính quyền TP.HCM. Và bạn biết không, phần lớn vấn đề lại nằm ở phía Harvard, ý tôi là các vấn đề liên quan đến hành chính lại không đến từ VN mà từ Harvard.

Tôi nghĩ chúng tôi có được sự đầu tư mạnh vào nguồn lực con người là bởi vì trường Fulbright đã vận hành từ trước khi có Đại sứ quán Mỹ. Nhờ thế mà chúng tôi có được tiếng nói ngay từ buổi ban đầu.

Ở VN, giấy phép/sự cho phép là gì? Giấy phép ở VN chính là khi bạn gặp rắc rối, sẽ có nhiều người muốn giúp bạn hơn là muốn làm hại bạn. Đó chính là cái gọi là giấy phép ở VN và đó là cách mà trường Fulbright đã vượt qua được các thách thức để phát triển.

VietNamNet

>> Phần 2: Không thể bê nguyên Harvard về Việt Nam

>> Phần 3: Đại gia Việt và văn hóa thiện nguyện