Dưới đây là hình ảnh PV ghi lại tại một số điểm nằm trên tuyến bờ sông Hồng, đoạn từ chân cầu Long Biên đến tổ dân phố 38 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) trong hai ngày 10-11.6:
Theo tìm hiểu của PV, có những em nhỏ mới khoảng 3-4 tuổi cũng được bố mẹ đưa đi tắm ở đây. Việc tắm sông thậm chí đã trở thành thói quen của nhiều em nhỏ. Ghi nhận của PV vào chiều 10.6, tại khu vực bờ sông thuộc phường Ngọc Thụy, khi trời Hà Nội đang mưa nhỏ, sấm chớp ầm ầm vẫn có một nhóm khoảng 6-7 thanh niên tắm, cạnh đó là một người đàn ông khoảng 35 tuổi và con gái chơi đùa rất vui vẻ. Theo lý giải của vị phụ huynh này thì con gái của anh rất thích tắm sông, dù trời mưa nhưng vì trót hứa với con nên phải đưa đi tắm.
Do ý thức được nguy hiểm của việc tắm sông nên nhiều phụ huynh trang bị áo phao cứu sinh, can đựng nước bỏ rỗng cho con em mình khi tắm. Nhiều người cũng luôn bám sát bên cạnh con em mình để phòng rủi ro.
"Nhà tôi có nhà chính nằm trên đường Yên Phụ, nhà bên này (tổ dân phố 38 - PV) thi thoảng mới về. Đợt này hai cháu được nghỉ hè nên tôi cho về đây để nó hít thở không khí trong lành với đi bơi. Bình thường nếu các cháu ở bên kia, mỗi đứa đến bể bơi mất hơn 100 nghìn/buổi, nếu nộp cả tháng thì cũng mất khoảng 2 triệu... Khi cho các cháu đi tắm tôi vẫn bắt các cháu mặc áo phao đầy đủ và luôn ở bên theo dõi, phòng trường hợp không may", chị H, một người dân ở tổ dân phố 38 tâm sự.
Tuy nhiên, không phải ai cùng cảnh giác cao như chị H, vẫn có nhiều vị phụ huynh chủ quan để các con của mình vui đùa thoải mái dưới lòng sông, thậm chí bơi ra rất xa bờ mà không kèm cặp ở bên
Ghi nhận của PV, ngoài "bãi tắm" dọc tuyến bờ bắc của sông Hồng thuộc tổ 2 và tổ dân phố 38 (phường Ngọc Thụy), ở khu vực bãi giữa sông Hồng, hàng chục người dân cũng tìm ra để "tắm tiên".
Trao đổi với chúng tôi, anh Q (40 tuổi, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), người có kinh nghiệm gần 30 năm làm nghề thuyền chài trên sông Hồng cho rằng, việc ra tắm ở bờ sông, đặc biệt là trẻ nhỏ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng dù trang bị áo phao cứu sinh.
"Các cháu mặc áo phao hay mang theo can cũng chưa chắc đã an toàn. Lúc đang bơi có rất nhiều rủi ro, mà đơn giản nhất là lỡ may xảy ra chuột rút, hoặc cảm lạnh sẽ rất nguy hiểm. Chưa nói nước sông chảy mạnh có thể cuốn người đi rất nhanh. Ngay cả người lớn bơi rất giỏi, nếu rơi vào trường hợp này cũng đã rất nguy hiểm rồi chứ đừng nói trẻ em. Không ít người tắm ở sông Hồng đã mất mạng cũng vì điều này… Bố mẹ đưa các cháu ra sông tắm và theo dõi, nhưng không phải lúc nào cũng có thể kè kè cầm tay các cháu", anh Q phân tích.
Cùng quan điểm với anh Q, bác Nguyễn Ngọc Quốc (54 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội), một người thường xuyên tắm ở khu vực bãi giữa sông Hồng cho rằng, cho các em nhỏ đi tắm ở đây là quá nguy hiểm kể cả có áo phao, bởi sông nước có nhiều điều khó lường. Vẫn có nhiều đoạn bờ sông có cát bồi cao trên bờ kè nhưng bị sạt lở, rất nguy hiểm đối với các em nhỏ khi vui chơi tại đây.
"Tôi tắm sông rất lâu rồi nhưng khi vẫn phải mặc áo phao cho nó an toàn. Tôi từng chứng kiến một người bơi rất giỏi, tắm mặc cả áo phao, can thì đeo vào cổ, nhưng đang tắm không may cảm lạnh thế là bị nước cuốn đi tử vong. Sông nước khó lường lắm, rất nhiều trường hợp tử vong do đuối nước hoặc là sụt cát rồi. Tôi nghĩ các phụ huynh không nên để các cháu nhỏ tắm sông vì nếu xảy ra chuyện không may thì rất khó xử lý kịp", bác Quốc chia sẻ.
Liên quan đến việc người dân tắm ở bờ sông, ông Lê Đăng Lễ - Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: UBND phường đang tích huy động nhiều lực lượng như tổ dân phố, các trường học trên địa bàn… đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức, không ra sông tắm và đặc biệt là việc đưa theo con em, vì tắm ở khu vực này rất nguy hiểm.
"UBND phường sẽ tiến hành rà soát và cho cắm biển cảnh báo ở các khu vực người dân thường xuyên ra tắm. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra, túc trực dọc bờ sông để nhắc nhở người dân", ông Lê Đăng Lễ nói.
Theo Dân việt