VietNamNet giới thiệu phần cuối bàn tròn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI).
DN Việt mới chỉ giỏi xoay sở để tồn tại
Nhà báo Việt Lâm: Khi VN chuẩn bị gia nhập WTO, không ít nhà hoạch định chính sách nêu quan điểm rằng, cứ đẩy DN xuống nước đi, họ sẽ tự biết cách bơi, chứ nếu cứ bàn mãi về thách thức thì e rằng sẽ làm chùn khí thế hội nhập. Có lẽ, quan niệm này vẫn còn tồn tại đâu đó cho đến giờ, nên thành ra chúng ta hay nói về cơ hội nhiều hơn là thách thức. Theo hai chuyên gia thì qua mấy lần hội nhập vừa rồi, chúng ta có thể an tâm là DN Việt sẽ sống sót trước áp lực cạnh tranh ghê gớm tới đây không?
Ông Đậu Anh Tuấn: Cá nhân tôi thì không đến nỗi bi quan lắm. Nếu nhìn theo chuỗi thời gian vừa qua thì khả năng xoay xở của doanh nghiệp VN tương đối tốt. Chẳng hạn như vừa qua có những lĩnh vực hoàn toàn mới đối với DN Việt như giá trị gia tăng trên Internet, nhưng họ, nhất là các DN trẻ đã chứng tỏ được khả năng thích nghi của mình. Tuy nhiên, nói một cách sòng phẳng thì khả năng xoay sở đó chỉ đủ để tồn tại, sống lay lắt chứ chưa thể có một kế hoạch chủ động, một chiến lược bài bản.
Thế nhưng, tư duy để cho DN tự bơi rất đáng lo ngại. Vấn đề là để DN bơi nhưng phải cho họ bơi trong một môi trường trong lành. Các DN thì phải cạnh tranh với nhau, nhưng bản thân nhà nước cũng phải cạnh tranh. Tôi làm sao cạnh tranh được khi thủ tục về thuế ở các nước chỉ có hơn 100 giờ mà tôi 870 giờ? Tôi làm sao cạnh tranh được khi thông quan ở các nước mất vài giờ còn tôi mất vài ngày? Tôi làm sao cạnh tranh được khi chi phi không chính thức của tôi gấp 3 -4 lần nước khác. Phải có một sự sòng phẳng ở đây. Đồng ý là phải cạnh tranh nhưng trong môi trường giống nhau.
Cũng may mắn là gần đây đã có những tín hiệu tích cực từ phía Chính phủ. Nghị quyết 19 thể hiện một tư duy khác, chấp nhận cạnh tranh trong thủ tục hành chính, lấy tiêu chí của các nước ASEAN6 (nhóm tiên tiến) để so sánh. Đây là một điểm tiến bộ nếu so sánh với những nghị quyết chung chung trước đây theo kiểu "nâng cao, thúc đẩy"… Nghị quyết 19 đặt ra những con số rất cụ thể: số giờ về thuế, về hải quan, tiếp cận điện, ra khỏi thị trường và gia nhập thị trường và có mốc thời gian VN cần đạt được cuối năm 2016.
Cộng đồng kinh doanh đang trông chờ những chuyển biến trên thực tế. Chúng tôi tin một khi nhà nước tạo lập được môi trường trong sạch như vậy thì DN hoàn toàn có thể tự bơi được. Mà nhà nước cũng không nên can thiệp.
Nói cách khách, sức ép hội nhập không chỉ đặt lên DN mà bản thân hệ thống nhà nước cũng phải chịu sức ép cải cách thể chế để trở nên cạnh tranh hơn.
10 năm, quy mô doanh nghiệp teo còn một nửa
Bà Phạm Chi Lan: Quẳng người ta xuống nước người ta sẽ biết bơi chỉ là cách nói nguỵ biện. Bởi vì nếu anh không cho người ta tập bơi trước khi quẳng họ xuống nước thì rủi ro xảy ra ai là người hứng chịu?
Hai nữa đấy không phải là cách nói của người có trách nhiệm. DN đóng thuế để nuôi anh làm việc thì nghĩa vụ của anh là phải tạo điều kiện cho người ta làm việc.
Liệu doanh nghiệp VN có đến nỗi xuống nước và đa số chết chìm hay không? Tôi cũng có niềm tin là người VN mình giỏi xoay sở và bươn chải bằng nhiều cách khác nhau để sống sót. Nhưng mặt khác, tôi cảm thấy lo lắng. Những điều tra gần đây về doanh nghiệp trong khuôn khổ nghiên cứu Việt Nam đến năm 2035 cho thấy một thực tế đáng báo động: đa số doanh nghiệp VN hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nhằm mục tiêu mưu sinh qua hoạt động kinh doanh này, tức là họ bám vào việc kinh doanh này để đủ sống thôi, chứ không đủ để họ phát triển được. Như thế tức là doanh nghiệp đó sẽ chỉ nhỏ chứ không thể lớn lên được.
Một nghiên cứu khác của VCCI dựa trên thống kê doanh nghiệp đo lại 10 năm, 2012 so với 2002 cũng cho ra một sự thật giật mình khác: quy mô doanh nghiệp VN đã teo lại còn một nửa so với cách đây 10 năm. Trong khi đáng lẽ theo quy luật bình thường là doanh nghiệp đi từ siêu nhỏ lên nhỏ, từ nhỏ lên vừa, từ vừa lên tương đối lớn rồi lên lớn. Về phần quy mô vốn có tăng lên nhưng tính trừ đi lạm phát của 10 năm vừa qua rốt cuộc quy mô vốn cũng lại nhỏ đi. Rất nhiều doanh nghiệp cũng cho biết những năm vừa qua họ có báo cáo được doanh số nhưng thực sự họ không có doanh thu. Doanh số đó còn nằm ở bạn hàng, chỗ này nợ chỗ kia, doanh thu thực sự của doanh nghiệp không có, làm nhiều doanh nghiệp chết trong những năm vừa qua.
Hiện tượng số DN ngưng hoạt động liên tục tăng lên thời gian qua không phải là quy luật đào thải bình thường của thị trường. Khoảng 2-3 vạn DN ra khỏi thị trường một năm là bình thường nhưng lên đến 6-7 vạn DN ngưng hoạt động thì là bất thường rồi. Có thể các DN vẫn xoay sở được nhưng chỉ để tồn tại lay lắt rồi teo tóp dần đến ngưỡng nào đó thì thành siêu nhỏ. Rồi đây cơn bão của hội nhập với những DN rất lớn đổ bộ vào từng hang cùng ngõ hẻm của chúng ta thì DN mình không còn chỗ đứng nữa. Số nhỏ đó sẽ biến mất.
Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp, nhất là của khu vực tư nhân vượt lên và trở thành những doanh nghiệp lớn hơn. Song phải nhìn nhận thực tế là hầu hết những DN lớn lên được, phát triển mạnh thì lại là những anh gắn với đất đai, với lợi ích của khai thác khoáng sản hay những ngành kinh doanh đặc thù mà họ giành được quyền kinh doanh, chứ không phải trong ngành sản xuất. Đối với một quốc gia muốn phát triển, muốn công nghiệp hoá thành công thì chìa khoá lại nằm ở ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất chứ không phải ở dịch vụ mua qua bán lại mặt hàng này khác.
Có một số ít vượt lên bằng nhiều cách kể cả bằng ứng dụng công nghệ nhưng số đó lại quá nhỏ trong cả cộng đồng rộng lớn của doanh nghiệp VN. Không khéo chúng ta lại đi đến trạng thái như ở một số nước là một nền kinh tế với hai khu vực: một khu vực đông đảo nhưng lạc hậu không phát triển, một khu vực nhỏ thì tiên tiến. Đó chắc chắn cũng không phải là đường hướng phát triển lâu dài cho nền kinh tế.
Tôi lo ngại rằng giai đoạn hội nhập sắp tới sẽ còn khó khăn, thách thức ghê gớm hơn nhiều so với lúc chúng ta vào ASEAN, WTO. Lúc vào WTO thì chúng ta cũng gọi là ra biển lớn nhưng thực ra cũng đã bơi ra nhiều đâu, chỉ mon men ở bên bờ thôi. Nhưng lần này thì hội nhập với khuôn khổ rộng hơn rất nhiều. Cộng đồng Kinh tế ASEAN có độ mở cao hơn nhiều, áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều so với ASEAN hay AFTA cách đây 20 năm. Trong khi lúc còn mon men ven bờ mà chúng ta còn chật vật, ngụp lên ngụp xuống nhiều lần như vậy thì bây giờ thực sự ra biển lớn sẽ thế nào? Tôi muốn nhấn mạnh một cách nghiêm túc rằng không chuẩn bị thì đừng liều nhảy xuống nước bởi khả năng chết đuối rất cao.
Chuyên gia kinh tế kỳ cựu Phạm Chi Lan (Ảnh: Phạm Hải) |
Tinh thần kinh doanh xẹp đi
Ông Đậu Anh Tuấn: Doanh nghiệp cũng như con người thôi, có sinh ra thì có mất đi. Các nước khác cũng vậy, chỉ có một tỷ lệ nhất định các doanh nghiệp trụ lại trên thị trường.
Nhưng điều đáng báo động là 2 năm qua, số lượng doanh nghiệp ra khỏi thị trường bằng 10 năm trước gộp lại. Họ ra khỏi thị trường vì yếu kém, vì không có cơ hội kinh doanh đã đành. Vấn đề là nếu họ biến mất vì những cản trở từ hệ thống quy định thì rất đáng lo ngại.
Khi doanh nghiệp biến mất quá nhiều thì hệ luỵ xã hội không hề nhỏ. Những năm gần đây, tinh thần kinh doanh ở VN đã sa sút. Hiện chưa có ai lên tiếng về việc này nhưng qua các khảo sát chúng tôi thấy rằng lúc ban hành Luật doanh nghiệp năm 2000 hay thời điểm VN gia nhập WTO năm 2007, tinh thần kinh doanh lên rất cao, nhưng hiện tại thì lại xẹp đi, không còn hăm hở như trước. Nhìn toàn cục thì đây là tín hiệu đáng lo ngại bởi vì những người trẻ, đáng lẽ phải có khao khát làm giàu, hay đóng góp cho xã hội nhưng động cơ ấy lại nguội dần đi.
Tín hiệu nguy hiểm thứ hai, như cô Phạm Chi Lan đã phân tích là việc quy mô doanh nghiệp nhỏ đi theo chuỗi thời gian. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ không chịu lớn? Điều gì cản trở họ không lớn được? Liệu có phải do DN không có khả năng quản trị nên đến quy mô nào đấy bị vỡ ra? Hay do những rào cản khác, như khống chế sở hữu đất đai khiến người ta không thể có thêm đất đai, hay rào cản về thủ tục hành chính? Có người nói với chúng tôi rằng họ âm thầm không dám làm ăn lớn vì sợ rằng làm ăn to sẽ có nhiều cơ quan đến thăm. Nhiều DN e ngại vấn đề an toàn kinh doanh. Nếu quan sát những DN tư nhân đình đám sẽ thấy họ đang có kế hoạch bảo vệ tài sản bằng cách chia tài sản ra, mua tài sản nước ngoài...
Vấn đề là nếu chúng ta có một tầng lớp tư nhân xác định VN chỉ để kiếm tiền thôi, con cái họ không gắn bó với VN này, tài sản của họ không gắn bó với VN này thì đấy là một bi kịch cho đất nước. Khi doanh nhân sinh sống, làm ăn ở đây, xác định DN gắn bó hàng chục, hàng trăm năm truyền đời thì mới là điều lành mạnh. Còn nếu DN chỉ kinh doanh ở đây nhưng xác định cuộc sống ở nước khác, thì không thể tạo ra một tầng lớp doanh nhân dân tộc, gắn bó với sự phát triển quốc gia.
Phải nói rằng cộng đồng kinh doanh những năm vừa qua chưa bao giờ trải qua một giai đoạn vất vả như vậy. Theo ngành thuế công bố thì tỷ lệ DN tư nhân có lãi chỉ hơn 30%, còn lại gần 70% lỗ. Thời gian qua cũng là một phép thử quan trọng đối với DN tư nhân VN. Các bong bóng tài chính, bất động sản vỡ ra khiến nhiều người mất tài sản, mất tinh thần nhưng đấy cũng là bước cảnh báo cần thiết cho những DN tập trung vào lợi thế cốt lõi, vào sản xuất và đổi mới phương thức dịch vụ.
Tôi cũng đồng ý với cô Phạm Chi Lan là trong bối cảnh ấy có rất nhiều doanh nghiệp thành công. Họ nhìn thấy cơ hội. Tôi có người bạn làm DN tâm sự rằng tối không ngủ được vì nhìn thấy rất nhiều cơ hội kinh doanh mà chỉ trông mai sáng để bắt tay làm ngay, nhưng mà tiếc rằng những người như vậy còn chưa nhiều. Vấn đề ở VN là làm sao khơi dậy tinh thần kinh doanh, để người dân đem tiền trong két, trong ngân hàng ra kinh doanh. Đấy là động lực lành mạnh để phát triển đất nước. Suy cho cùng đất nước nào giàu mạnh hay không là do khu vực kinh tế tư nhân năng động hiệu quả chứ nếu chỉ trông chờ vào các dự án lớn của nước ngoài, những miếng bánh vẽ mà các tập đoàn lớn vẽ ra thì chắc không thể có được nền kinh tế bền vững lành mạnh. Tôi luôn tin rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của bất kỳ nền kinh tế nào.
Không thể mãi hô hào chung chung
Nhà báo Việt Lâm: Bức tranh chung còn nhiều ngổn ngang như vậy thì liệu có những việc gì có thể làm ngay để tạo ra những thay đổi tích cực?
Bà Phạm Chi Lan: Anh Tuấn đã nhắc đến Nghị quyết 19 mà Chính phủ ban hành, thực ra là hai nghị quyết cùng lấy số 19 vào 18/3/2014 và 8/3/2015, nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN. Việc ban hành nghị quyết rất kịp thời, đúng lúc. Các năm trước, thông điệp đầu năm của Thủ tướng thường nhấn mạnh tháo gỡ khó khăn. Bây giờ, đã đi từ tinh thần tháo gỡ khó khăn chuyển sang tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN.
Vấn đề bây giờ là làm sao thực hiện được. Chúng ta đã thực hiện được một phần nghị quyết 19, như giảm được số giờ làm thủ tục thuế từ 872 giờ xuống còn 350 giờ và năm nay đang quyết tâm rút xuống nữa. Ngành hải quan, điện lực đều có một số bước cải thiện. Nhưng Nghị quyết 19 đề cập đến những vấn đề toàn diện về hỗ trợ cho DN như tiếp cận vốn, đất đai, quy cụ thể đến từng gạch đầu dòng trách nhiệm của từng bộ ngành, chính quyền địa phương.
Điều tôi lo lắng là liệu bây giờ chúng ta có đủ quyết tâm, đủ công cụ mạnh để thực hiện hay không? Tôi rất mong Chính phủ ra những chế tài mạnh để thực hiện bằng được những gì đã nêu ra trong hai nghị quyết đó, bởi đây là những vấn đề sát sườn với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế VN, với môi trường kinh doanh để doanh nghiệp VN có thể phát triển. Nếu thực hiện thành công hai nghị quyết đó, nhất là nghị quyết của năm nay thì chúng ta thực sự có thể có cơ hội hội nhập vào AEC hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng đến bây giờ các bước tiến mới chỉ tập trung ở vài ngành thuế, hải quan, điện lực, xuất nhập khẩu. Nếu nhìn vào tiêu chí về môi trường kinh doanh theo Doing Business của WB đưa ra thì riêng trong AEC đã có 3 nước nằm trong top 20 nước tốt nhất (Singapore, Malaysia, Thái Lan), trong khi VN mình vẫn loay hoay mãi ở vị trí 70-80. Ngay cả mình có cải thiện được tiêu chí về số giờ nộp thuế, làm thủ tục hải quan … thì cũng vẫn còn một khoảng cách xa vời với với môi trường kinh doanh tốt, thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Cho nên còn nhiều việc phải làm và những việc phải làm thì phải cụ thể, chứ không thể hô hào chung chung.
Nghị quyết 19 cũng có nêu đến trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp, của tổ chức VCCI. Bản thân các tổ chức này cũng phải làm mạnh hơn vai trò công việc chính phủ đã giao là giám sát thực hiện, định kỳ báo cáo với Thủ tướng về thực hiện công việc các bộ ngành, các địa phương đến đâu. Thời gian không còn chờ đợi nữa bởi vì vấn đề năng lực cạnh tranh là chuyện của DN mà DN lại phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh doanh do Nhà nước quyết định. Nhà nước ở đây không phải chỉ những người đứng đầu nhà nước mà cả các bộ, ngành, địa phương liên quan, thậm chí đến từng ông công chức. Phải có người chịu trách nhiệm nếu không thực hiện được Nghị quyết này.
Nhà báo Việt Lâm, chuyên gia Phạm Chi Lan và chuyên gia Đậu Anh Tuấn tại bàn tròn. Ảnh: Phạm Hải |
Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi chỉ có 2 thông điệp cho cơ quan nhà nước. Một là, với cơ quan nhà nước thì thay đổi trong thời gian vừa qua là đúng hướng, nhưng làm sao để thay đổi ở các cấp phải thực sự chứ không phải là những cải cách trình diễn. Cải cách làm sao để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng bởi vì đôi khi cải cách xuất phát từ nhu cầu thể hiện tôi cải cách chứ không phải để hướng tới những mục tiêu cụ thể là cải thiện cuộc sống cho người dân. Cho nên, tư duy cải cách phải kiểm chứng được trên thực tiễn.
Đối với các DN thì hội nhập AEC là một ví dụ cho thấy thách thức thì đến ngay, khi mở cửa là cạnh tranh khốc liệt, trong khi cơ hội thì chỉ có thể thấy được khi anh đáp ứng đủ điều kiện nhất định, tức là tôi phải có năng lực cạnh tranh, đòi hỏi sự chuẩn bị trong thời gian dài, có đầu tư bài bản, đúng hướng.
Tôi luôn tin là cộng đồng kinh tế VN sẽ phát triển nhưng vấn đề là đừng trả giá quá nhiều hay đi quá dài.
- VietNamNet