Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên là 13.125km2. Dân số toàn tỉnh hơn 2,1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 33% dân số toàn tỉnh (riêng đồng bào DTTS tại chỗ chiếm khoảng 20%).
Hiện nay, toàn tỉnh có 49 dân tộc anh em trên khắp cả nước cùng về sinh sống, trong đó các DTTS tại chỗ (Ê đê, M’nông, Gia Rai) và các DTTS từ các tỉnh khác di cư đến (Mường, Mông, Dao, Thái, Nùng…) phân bố rải rác tại 184 xã, phường, thị trấn và 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 556 buôn) thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời từng bước tạo tiền đề cho sự phát triển về mọi mặt, làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống, mức hưởng thụ văn hoá, sinh hoạt giữa đồng bào Kinh và đồng bào DTTS.
Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, bản sắc văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS được giữ gìn, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng thắt chặt, lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương được giữ vững.
Những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS, nhất là đã làm thay đổi nhận thức và hành động của đồng bào, tích cực phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng.
Mặc dù đời sống kinh tế của đồng bào DTTS có phát triển nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn nhiều khó khăn, hộ nghèo đồng bào DTTS còn chiếm tỷ lệ cao, trình độ học vấn không đồng đều, vẫn còn một số hủ tục lạc hậu chưa được xoá bỏ.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chưa thật sự coi trọng công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS; nội dung, hình thức chưa thật sự đổi mới, còn dàn trải, cứng nhắc, nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn, nhu cầu thông tin và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào; chưa phát huy tốt vai trò các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động ở cơ sở; nhiều cán bộ làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS không nói thông thạo tiếng đồng bào DTTS…
Bàn về vai trò của công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong một bài viết mới đây, có tựa đề, đổi mới công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, ông H’Lim Niê Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần quyết tâm thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng có đông đồng bào DTTS.
Đây là giải pháp quan trọng trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi thực tế cho thấy nơi nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, nơi nào tranh thủ được sự hỗ trợ và phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội thì công tác tuyên truyền, giáo dục nơi đó đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, cấp uỷ, chính quyền các cấp phải thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 13/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên giáo cấp cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng theo đúng tinh thần Kế hoạch số 162-KH/TU, ngày 07/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”; đây sẽ là lực lượng có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Thứ hai, đổi mới nội dung công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhu cầu đời sống, sản xuất, phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực. Nội dung tuyên truyền đi thẳng vào vấn đề cụ thể đã và đang xảy ra ở địa phương, dựa trên người thực, việc thực, phải được chuyển tải bằng ngôn ngữ của đồng bào DTTS (song ngữ Việt - Ê đê).
Đặc biệt, trước tình hình hiện nay tại tỉnh Đắk Lắk thì nội dung tuyên truyền cần đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho đồng bào DTTS hiểu rõ về các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá, kích động của các thế lực thù địch, giúp đồng bào nêu cao cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không tin, không làm theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch nhằm chống đối chính quyền địa phương, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn.
Thứ ba, đổi mới phương thức tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành bằng nhiều phương pháp, phương thức phù hợp nhằm giúp đồng bào DTTS hiểu và đồng thuận trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; do đó phải lựa chọn phương thức triển khai công tác tuyên truyền phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phương thức tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh của các thôn, buôn, tổ dân phố; tăng thời lượng các buổi phát thanh bằng tiếng DTTS vào thời gian phù hợp với đời sống sản xuất của đồng bào, với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu.
Qua thực tiễn cơ sở cho thấy, đây là phương thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong vùng đồng bào DTTS. Muốn vậy, cấp uỷ, chính quyền cơ sở phải có sự đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cấp, sửa chữa các cụm loa truyền thanh để đảm bảo luôn hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, với trình độ của một bộ phận đồng bào DTTS của tỉnh Đắk Lắk hiện nay thì cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thông qua hình thức “cầm tay chỉ việc”, lấy thực tế của những điển hình người thật, việc thật để hướng dẫn cho đồng bào cách nghĩ, cách làm phù hợp; tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, biểu ngữ, áp phích (có song ngữ) để tạo ấn tượng dễ nhớ, dễ hiểu đối với đồng bào.
Thứ tư, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền có kiến thức chuyên sâu, am hiểu phong tục, tập quán, tâm lý của đồng bào và phải biết nghe, biết nói thông thạo tiếng đồng bào DTTS để tuyên truyền và xử lý mọi tình huống. Cán bộ tuyên truyền phải hướng về cơ sở, thực hiện tốt chủ trương 3 bám “bám buôn, bám dân, bám đối tượng” và 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều thì đồng bào mới tin, có như vậy công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS mới mang lại hiệu quả cao.
Chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền là những người có uy tín trong cộng đồng (như già làng, trưởng buôn…), đặc biệt là phụ nữ người DTTS có uy tín trong cộng đồng và các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Cấp uỷ, chính quyền cơ sở phải quan tâm đến việc bồi dưỡng, gặp gỡ những người có uy tín trong cộng đồng, nhất là tập hợp lực lượng thanh niên các buôn làng, chọn lựa những thanh niên tốt tham gia lớp tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, khơi dậy ý chí thanh niên lập nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Đội ngũ này sẽ góp phần vận động đồng bào trong buôn làng tham gia thực hiện các phong trào phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thôn buôn xanh, sạch, đẹp, giữ vững an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội...
Thứ năm, cần đổi mới cơ chế, có chính sách đặc thù cho cán bộ tuyên giáo, tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS. Xây dựng hệ thống chế độ, chính sách phản ánh đúng vai trò, trách nhiệm xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và trình độ nghề nghiệp của cán bộ tuyên giáo, tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS; góp phần động viên, tạo động lực cho cán bộ tuyên giáo, tuyên truyền phát huy khả năng và thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ sáu, tập trung giải quyết tốt những vấn đề kinh tế - xã hội, ổn định phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là yếu tố then chốt nhằm xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào DTTS, tạo cho bà con nguồn sinh kế bền vững.
Cả hệ thống chính trị phải đổi mới công tác tuyên truyền theo tinh thần Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 25/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022-2026”, nhằm thay đổi ý thức nâng cao đời sống, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững trong vùng đồng bào DTTS.
Ông H’Lim Niê nhấn mạnh, để vận động đồng bào DTTS thay đổi tư duy phát triển kinh tế, có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, điều quan trọng là phải tuyên truyền để bà con hiểu về hiệu quả việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong phát triển kinh tế. Muốn bà con tin và làm theo thì cán bộ, đảng viên phải làm trước, khi có hiệu quả thì bà con sẽ tự động làm theo. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên cần thật sự gương mẫu, có trách nhiệm cao với dân, thực hiện tốt phương châm “Nói đi đôi với làm”, nói để dân hiểu, dân tin và hành động để Nhân dân thấy và thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bởi vậy, theo ông H’Lim Niê, đổi mới công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, qua đó sẽ góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã đề ra “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”.