Trong gia đình có người mắc Covid-19, làm thế nào để thu gom, xử lý rác thải một cách hợp lý để tránh lây nhiễm Covid-19 là mối quan tâm của nhiều người.

Theo bác sĩ Lê Xuân Thắng, Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, việc xử lý rác thải của F0 rất quan trọng. Nếu xử lý không đúng cách sẽ gây nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao.

Người bệnh Covid-19 phải cách ly tuyệt đối với người còn lại trong nhà qua việc dùng phòng riêng, dụng cụ bát đũa riêng… đặc biệt xử lý rác thải cũng cần lưu ý để tránh lây lan virus SARS-CoV-2”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

{keywords}
Kiểm tra quy trình điều trị bệnh nhân F0 tại nhà (phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Theo bác sĩ, rác thải của F0 cần được phân loại, ví dụ rác thải y tế (khẩu trang, khăn giấy, kit xét nghiệm nhanh…), rác thải sinh hoạt… Người thu gom nên đeo găng tay, cho rác thải vào túi, buộc kín, khử khuẩn và cho vào thùng rác có nắp đậy. Thùng rác phải là loại có thể mở nắp cách đạp chân. Tránh dùng các thùng rác mở bằng cách nhấc tay, dễ gây lây nhiễm virus.

Chị Khương Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - một F0 điều trị tại nhà, cho biết, cán bộ y tế phường có phát cho gia đình chị các túi nhỏ chứa bột khử khuẩn. Chị được hướng dẫn hòa bột vào nước để tạo nước khử khuẩn, phun lên bề mặt các túi chứa rác. Sau khi khử khuẩn, chị để rác đúng chỗ, chờ người thu gom.

Tương tự, đại diện Trạm y tế phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cũng cho biết, cán bộ y tế phường khi tiếp nhận F0 điều trị tại nhà đều hướng dẫn phân loại rác thải để tránh lây nhiễm. Cán bộ phường có nhắc người bệnh phải để rác thải y tế như khẩu trang, khăn lau, kit xét nghiệm nhanh… riêng và buộc kín. F0 và người chăm sóc F0 không được để lẫn rác thải y tế và rác sinh hoạt. Sau đó, để ra thùng rác thải y tế được phường đặt ở trước cửa.

Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế cũng đưa ra những lưu ý quan trọng khi xử lý đồ dùng, rác thải của F0 để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Đối với rác thải, cần đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilông bên trong ở phòng của người nhiễm. Rác thải cần được thu gom, xử lý khi thùng rác đầy.

Hằng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, thực hiện xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm được đặt trong phòng của người cách ly.

Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc, điều trị F0 tại nhà của Sở Y tế Hà Nội còn có thêm 2 lưu ý trong việc xử lý rác thải của F0 là: “Đeo găng tay khi xử lý chất thải, bỏ găng tay sau khi xử lý xong. Người xử lý phải rửa tay sau khi hoàn thành công việc”.

Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo người chăm sóc nên dùng găng tay khi khử trùng các bề mặt, vật dụng trong nhà và chăm sóc người nhiễm.

Đeo găng tay không thay thế cho các biện pháp phòng ngừa khác như giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay. Chúng ta không sử dụng lại găng tay, mỗi đôi găng tay chỉ sử dụng một lần rồi bỏ. Đồng thời, người dùng không chạm vào mặt khi đang đeo găng bởi mặt ngoài găng có thể có mầm bệnh.

Ngọc Trang

F0 điều trị tại nhà có tâm lý thoải mái, nhanh khỏi bệnh

F0 điều trị tại nhà có tâm lý thoải mái, nhanh khỏi bệnh

Sau thời gian thí điểm thuận lợi, Đà Nẵng hướng tới điều trị 50-70% số ca F0 tại nhà, việc này giúp giảm tải cho các cơ sở y tế.