Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất được đưa ra tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng 11 năm 2021.
Nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng và tương quan giữa mọi loại rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, tại Hội nghị COP26, các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên Thế giới đã cùng đưa ra Tuyên bố về rừng và sử dụng đất. Tuyên bố này đưa ra nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững như sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái.
Các cam kết hướng đến sử dụng tài nguyên đất cũng như phát triển một nền nông nghiệp bền vững, cũng như bảo tồn, bảo vệ, quản lý, phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn một cách bền vững. Đồng thời, tuyên bố cũng chỉ ra rằng, để đáp ứng được các mục tiêu về sử dụng đất, khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, cũng như trong phạm vi quốc gia, sẽ đòi hỏi phải có những hành động tích cực hơn nữa trong các lĩnh vực liên kết sản xuất và tiêu dùng bền vững, như phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và đầu tư; hỗ trợ cho cộng đồng địa phương và các nông hộ.
Bằng việc cùng nhau thống nhất với Tuyên bố này, các nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, đồng thời mang lại sự phát triển nông thôn một cách toàn diện.
Tổng cộng có 143 quốc gia đã ký tuyên bố, chiếm hơn 90% diện tích rừng trên thế giới. Nỗ lực này nhằm mục đích “ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, đồng thời mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi nông thôn toàn diện”.
6 Tuyên bố của các nhà lãnh đạo trên thế giới về rừng và sử dụng đất:
* Bảo tồn rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác, đẩy nhanh quá trình phục hồi.
* Tạo điều kiện về chính sách thương mại và phát triển quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở không làm mất rừng và suy thoái đất.
* Giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất. Tăng cường khả năng phục hồi và nâng cao sinh kế nông thôn, thông qua trao quyền cho cộng đồng. Công nhận đa giá trị của rừng. Công nhận quyền của cộng đồng địa phương và người bản địa dựa trên cơ sở luật pháp và quy định liên quan.
* Thực hiện các chính sách và chương trình nông nghiệp để khuyến khích nông nghiệp bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực nhằm tránh gây hại cho môi trường.
* Khẳng định lại các cam kết tài chính quốc tế. Tăng đầu tư từ nhiều nguồn. Tăng tính hiệu quả và khả năng tiếp cận cho người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Tạo điều kiện phát triển nông nghiệp cũng như quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi rừng.
- Tạo điều kiện liên kết các dòng tài chính nhằm đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. Đảm bảo thực thi các chính sách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng phục hồi; cải thiện rừng, sử dụng đất bền vững, đa dạng sinh học và thực hiện các mục tiêu về khí hậu.
Việc Việt Nam tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và sử dụng đất bền vững; thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Đây là hành động cụ thể tiếp theo của Chính phủ Việt Nam sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn; các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.
Diện tích rừng của nước ta, năm 2022, bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Mục tiêu của Đề án Trồng một tỷ Cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ.
Cụ thể, đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng được một tỷ cây xanh; trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Bảo tồn và đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng, các hệ sinh thái trên cạn; xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững để đạt được lợi ích chung, không làm mất rừng và suy thoái đất.
Đồng thời, thực hiện giải pháp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất; tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện sinh kế nông thôn thông qua trao quyền cho cộng đồng, củng cố hệ thống quản lý đất, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị đa mục đích của rừng; đồng thời đảm bảo các quyền của người dân và các cộng đồng địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bên vững, bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
Tăng cường khả năng tiếp cận, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, hợp tác công tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, lồng ghép các nguồn tài chính nhằm hạn chế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, có các cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng phục hồi và đạt được các mục tiêu quốc tế về quản lý rừng, sử dụng đất bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.