{keywords}

Tháng 7/2020, từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) anh Thiên Hải (SN 1992) đi xe ba bánh một mình vào nhà chị Huyền Mỹ (SN 1994) ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Hành trang “đi hỏi vợ” của anh là chiếc xe lăn được buộc phía sau xe ba bánh. Khi dừng trước cửa, nhờ chị Mỹ trợ giúp, anh chuyển sang xe lăn để vào nhà vợ tương lai.

Không khí căng thẳng khi bố mẹ chị Mỹ phản đối kịch liệt chuyện tình cảm của họ. Lo lắng, bối rối, anh Hải chỉ biết im lặng, mãi không dám mở lời. Chỉ đến khi được bố của người yêu động viên, anh mới bắt đầu thưa chuyện.

{keywords}

Câu nói của anh vừa kết thúc, mẹ chị Mỹ với gương mặt lạnh tanh đáp lại: “Tôi nói cho chú biết tôi không đồng ý”.

Chị Mỹ nắm tay người yêu, nói trong nước mắt: “Con thương anh ấy thật lòng, dù khó khăn chúng con cũng sẽ cố gắng vượt qua”.

Người mẹ bỏ vào nhà sau khi tuyên bố sẽ từ mặt nếu con gái bà vẫn “tiếp tục cứng đầu cứng cổ”. Chị Mỹ nhìn sang người bạn đời tương lai, nước mắt chảy dài.

Nhưng đó là câu chuyện của năm trước. Năm nay, họ chuẩn bị kỷ niệm 1 năm ngày về chung nhà.

{keywords}

“Thực ra, bố mẹ tôi không chê gì anh, thậm chí là thương những người có hoàn cảnh như anh. Một lần, những người bạn đều là người khuyết tật, phải ngồi xe lăn về nhà tôi chơi và ăn cơm. Bố nhìn thấy, ông đã khóc. Bố thương họ bởi tôi, con gái ông, cũng là một người có khiếm khuyết về hình thể”, chị Mỹ nói.

Chị Mỹ được sinh ra với cơ thể yếu ớt, bác sĩ khuyên gia đình đưa về nhà vì khó có khả năng sống. “Tôi bị sứt môi, hở hàm ếch nên không thể bú sữa mẹ. Bố mẹ phải đổ từng thìa sữa vào miệng chỉ mong tôi có thể sống”.

Mặc dù vậy, như một phép màu, chị vẫn vượt qua được. “Tuổi thơ tôi là những ngày bị bạn bè, trẻ con trêu chọc. Trải qua 7 lần phẫu thuật, tôi mới được như bây giờ. Dù bị biến dạng đầu xương, chỉ cao 1m38, sức khỏe yếu nhưng tôi may mắn vẫn là một người bình thường”, chị nhớ lại.

Chị kết hôn nhưng hạnh phúc không kéo dài. Năm 2015, khi vừa sinh con trai được 2 tháng, vì nhiều mâu thuẫn, hôn nhân của chị và chồng cũ rạn nứt. “Tôi đưa con về nhà bố mẹ đẻ và một mình nuôi con cho đến giờ. Để có tiền nuôi con, tôi buôn bán đủ các mặt hàng”, chị Mỹ kể.

{keywords}

Trong những năm tháng đó, nhiều người tìm hiểu nhưng mẹ đơn thân này đều lắc đầu vì lo ngại con trai sẽ không được yêu thương đầy đủ. Thế nhưng khi gặp anh Hải, mọi quyết định của chị đã hoàn toàn thay đổi.

“Chúng tôi quen biết và gặp nhau lần đầu tiên qua một nhóm bạn, đều là những người khuyết tật. Có cảm tình với anh nhưng tôi vẫn im lặng, chờ người ta mở lời trước”.

Anh Hải là người khỏe mạnh, điển trai với chiều cao trên 1m70. Anh từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Về nước năm 2013, anh đi làm ở một công ty. Tuy nhiên vừa vào làm được 3 ngày, anh gặp tai nạn lao động khi rơi từ trên cao xuống.

Tai nạn khiến anh bị chấn thương cột sống và phải nằm liệt giường. “Lúc đó, anh ấy tuyệt vọng vì bị người yêu rời bỏ. Mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ. Nhưng là một người rất mạnh mẽ, anh chăm chỉ vận động, luyện tập và đến khi quen biết tôi, anh đã tự chủ rất nhiều việc trong cuộc sống. Anh có thể tự lo các sinh hoạt của bản thân và làm tất cả các công việc bằng đôi tay lành lặn. Anh cũng mở cửa hàng in thiệp, bán phụ kiện điện thoại để nuôi sống bản thân”, chị Mỹ kể.

Cảm phục, chị đem lòng thương anh. Vì anh đi lại khó khăn, chị thường đi xe máy từ nơi mình ở đến nhà anh để gặp nhau.

“Tôi giấu bố mẹ nên mỗi lần sang nhà anh, cách 30km, tôi chỉ dám đi vào lúc 12h trưa, khi bố mẹ đã ngủ. Sau đó, 14h chiều tôi lại vội vã về vì sợ bị phát hiện. Đôi lần, tôi phải nói dối là đi gửi hàng cho khách”, chị Mỹ cười nhớ lại.

Chỉ 1 tháng quen và yêu, anh Hải cầu hôn chị Mỹ. “Mẹ anh Hải chỉ nói: “Con cứ suy nghĩ thật kỹ” vì bà sợ tôi cưới về thấy khổ lại bỏ đi, làm anh tổn thương. Nhưng gia đình tôi thì phản đối khủng khiếp”, chị nói.

{keywords}

Một lần, thấy bố sửa quạt, chị Mỹ lân la ngồi cạnh và hỏi: “Bố ơi, con quen một người ngồi xe lăn được không?”. Bố chị buông cái quạt, tròn mắt: “Mày đùa hả con?”.

“Sau phút bàng hoàng, ông phân tích, tôi đã tổn thương một lần, nếu đi bước nữa, không suy nghĩ kỹ sẽ lặp lại chuyện tương tự. Ông cũng lo tôi một mình chăm con vất vả làm sao chăm thêm một người bị khuyết tật. Cuối cùng, bố tôi nói: “Người ta sinh ra như vậy đã đủ khổ rồi. Con cưới về, vất vả không chịu được, bỏ người ta, lại làm họ đau lần nữa con ạ”.

{keywords}

Mặc dù vậy, chị Mỹ vẫn cố thuyết phục bố và nhờ ông nói chuyện với mẹ. Mẹ chị Mỹ không đồng ý vì trước đó, gia đình giới thiệu những người đàn ông lành lặn, bình thường khác nhưng chị từ chối. Nhà có 6 cô con gái, bà cũng muốn chị ở vậy để chăm con. Sau này, bố mẹ mất, chị Mỹ sẽ dựa vào các chị lúc tuổi già. Thêm vào đó, bà sợ chị đi bước nữa, không hạnh phúc, cháu bà sẽ khổ.

“Thà con nằm một chỗ, cha mẹ mất, con mới phải nhờ các chị. Dù sức khỏe yếu nhưng con là người bình thường, con có thể tự lo cho mình và con cũng muốn được hạnh phúc”, chị Mỹ nói.

Không thuyết phục được con, mẹ chị Mỹ tuyên bố “từ mặt” để phản đối.

Đám cưới của họ diễn ra vào một ngày mưa tầm tã. Phía nhà trai dự định chỉ làm 40 mâm cỗ mời họ hàng, bạn bè thân thiết nhưng rất nhiều người dù không được mời vẫn đến chúc phúc cho đôi trẻ. Hôn trường chật kín người. Dự ngày vui của họ còn có 20 người bạn của chú rể, đều ngồi xe lăn, đến từ các tỉnh khác nhau.

{keywords}

“Đám cưới người ta tràn ngập tiếng cười, đám cưới của tôi toàn nước mắt. Hai vợ chồng đi đến bàn nào, bàn đó khóc. Ai cũng thương và lo cho vợ chồng tôi”.

Cuộc sống sau đám cưới của vợ chồng trẻ vất vả nhưng như chị Mỹ nói "cũng đầy may mắn”.

“Mẹ chồng thương lắm. Dịch bệnh, việc làm ăn của chúng tôi khó khăn, bà cho thêm tiền mua sữa cho cháu. Khó khăn gì trong nhà, bà cũng giúp đỡ. Chồng và con riêng của tôi cũng rất quấn quýt. Mỗi lần tôi bận, anh đều tắm và cho con ăn”, chị kể.

{keywords}

Đặc biệt, sau đám cưới, bố mẹ chị Mỹ hiểu và thương con rể hơn. Lâu lâu không thấy con rể và con gái về chơi, bà ngoại lại gọi điện nhắc.

Cũng không tránh khỏi tranh cãi, giận dỗi nhưng anh Hải đều biết cách xoa dịu vợ. “Tôi thích uống nước ngọt nên mỗi lần giận nhau, anh mua ngay chai nước ngọt về là tôi lại cười”, chị Mỹ kể.

Điều chị Mỹ nể phục nhất ở người bạn đời là sự lạc quan. “Anh rất tự lập, luôn nhắc nhở tôi không nên nhờ cậy vào ai và phải dựa vào chính bản thân mình. Những khó khăn, sóng gió - anh cũng không cho tôi kể nhiều. Mỗi lần vậy, anh lại gạt đi: “Mình còn nhau là còn vượt qua được”.

Thực hiện: Ngọc Trang

Thiết kế: Nguyễn Huệ

 

Người đàn ông miền Tây yêu say đắm vợ bị cụt hai tay

Người đàn ông miền Tây yêu say đắm vợ bị cụt hai tay

Dù không được gia đình hai bên ủng hộ nhưng anh Phương vẫn kiên quyết cưới chị Nhung. Đến nay, sau 11 năm hôn nhân, tổ ấm của họ đã có thêm một cô con gái khỏe mạnh.