{keywords}
 

Hình ảnh cuối cùng mà anh còn nhớ được trước khi rơi vào hôn mê là cảnh các y tá của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đứng dưới sảnh tầng 1 đón anh vào buổi chiều ngày 18/5. Lúc ấy, cơ thể không còn là của anh nữa, chỉ có bộ não của anh là vẫn đang còn hoạt động. Bộ não cho anh chỉ dấu rằng có thể mình sắp chết.

{keywords}
 


Chỉ 2 ngày sau khi qua thăm người em họ, cả gia đình anh được thông báo đã trở thành F1. “Lúc ấy, mình vẫn bình tĩnh lắm, nhưng đến tối ngày 7/5 nhận kết quả dương tính, mình bắt đầu hơi lo”.Trở lại trước đó 15 ngày, anh Nguyễn Hữu Giáp (37 tuổi, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) không ngờ rằng chuyến thăm người em họ vừa ra viện lại dẫn anh đến bên bờ cửa tử.

Rất nhanh, anh đã tự trấn an lại mình. Bản thân vốn trẻ khoẻ, lại không có bệnh nền, anh nghĩ chắc sẽ chỉ có triệu chứng nhẹ và sớm khỏi bệnh. Anh bảo, có cụ già 90 tuổi còn khỏi được bệnh nên vẫn rất lạc quan.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, anh được xét nghiệm, chụp X-quang, đo nhiệt độ liên tục nhưng do không có triệu chứng gì nên lại được chuyển về Bệnh viện dã chiến huyện Tiên Du. Nằm ở đây được 3 ngày, anh bắt đầu sốt 41,5 độ C và ho liên tục suốt 2 ngày. Anh lại được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh.

Sau một đêm sốt tới 41,7 độ C, anh được đưa sang phòng chăm sóc đặc biệt để thở máy. Tính mạng của anh bắt đầu nguy kịch từ đây.

Tình trạng sốt cao và lả đi kéo dài khoảng 4-5 ngày sau đó. Vợ gọi điện thoại, anh còn không nói lên lời, tay không cầm nổi chiếc máy.

“Lúc này, tôi không thể rời ống thở, không thể tự đi vệ sinh, phải đóng bỉm, cũng không ngủ được vì cứ nằm là ho. Bên cạnh lại không có người thân. Tôi đã nghĩ đến việc mình có thể không qua được đại nạn này”.

Cả đêm 17/5, anh được truyền kháng sinh để hạ sốt nhưng không có tác dụng. Thấy cơ thể mình không thể chịu đựng được nữa, anh xin chuyển viện lên tuyến trên.

Sang ngày 18, anh có mặt ở khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội). Anh được y tá đón dưới sảnh và tiêm gây mê. Đó là những hình ảnh cuối cùng còn lại trong trí nhớ anh.

Sau này khi tỉnh lại, anh được các y bác sĩ kể lại rằng trong suốt 10 ngày hôn mê, anh đã được lọc máu 6 lần, làm ECMO (chạy tim phổi nhân tạo) 2 lần. “Bác sĩ Linh nói ‘nhà anh có phúc lắm, bọn em mới cứu được anh’”.

{keywords}
 

“Lúc phát hiện dương tính và nhập viện vào ngày 8/5, tôi nặng 79kg. Đến lúc mở mắt tỉnh dậy ở khoa Hồi sức tích cực ngày 28/5, tôi còn 59kg. Người vẫn sốt 39,5 độ C, tay chân chưa nhấc lên được.

Hai ngày đầu sau khi tỉnh dậy, các y tá thay ca nhau lấy khăn lau người cho tôi. Các cô ấy phục vụ tôi từ A đến Z… mà lúc nào cũng nhẹ nhàng, chu đáo, chưa một lần quát mắng hay to tiếng”.

Không dưới 4 lần, anh Giáp nói: “Thương các y bác sĩ lắm!”.

Thương đến nỗi anh không dám làm phiền, không dám hỏi tên những người đã ngày đêm bón sữa, thay bỉm cho anh. “Các cô ấy bận rộn, vất vả lắm. Một ca chỉ có 2 người chăm sóc đến mấy chục bệnh nhân. Nhìn các cô ấy cho bệnh nhân ăn uống, đi vệ sinh, động viên, an ủi trong bộ đồ bảo hộ nóng nực mà thấy thương thực sự…”.

Chính vì thế, ngay sau khi được rút ống thở, anh nỗ lực hết sức để tập đi từng bước, tập xúc từng thìa cháo, làm được sớm ngày nào tốt ngày ấy, để “các cô không phải thay bỉm, không phải đút cháo cho mình nữa”.

{keywords}
 

Từ lúc tỉnh, anh vẫn ho liên tục, cứ nằm xuống là ho nên cả ngày chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng. Ngày nào anh cũng phải uống thuốc an thần để ngủ.

Vừa phải gắng gượng trong cơ thể còn rất mệt mỏi, những đêm thức trắng cũng buộc anh phải chứng kiến những cảnh tượng mà có lẽ cả đời anh sẽ không bao giờ quên được trong căn phòng sinh tử ấy.

“Chỉ có tiếng trò chuyện, động viên của các y bác sĩ là mang hình hài sự sống. Còn lại là những máy móc, những bệnh nhân nằm bất tỉnh, nặng nề, ngột ngạt. Nó ám ảnh tôi đến tận bây giờ”.

Nhưng cũng chính những hình ảnh ấy khiến anh cảm phục và biết ơn các y bác sĩ hơn bao giờ hết. 

“Tôi không thể quên được những câu nói của bác sĩ Linh trong giây phút đầu tiên khi tôi tỉnh dậy. Những ngày sau đó, cùng với bác sĩ Phúc, các anh đã thức trắng đêm để lo cho tôi. Tôi cảm nhận được cái tâm của họ dành cho mình, cảm nhận được cả những xót xa mà họ cố nén lại”.

“Rồi cả các cô y tá, vất vả là thế nhưng mỗi lần thấy bệnh nhân có một chút tiến triển là vui lắm. Tôi đi thêm được vài bước, các cô lại khen và động viên ‘anh Giáp hôm nay đi được nhiều rồi đấy, cố gắng lên để về với gia đình. Cần hỗ trợ gì thì bảo em nhé!’”.

Chỉ thế thôi mà anh thương và muốn giúp họ giảm bớt vất vả từ những việc nhỏ nhất. “Các bác sĩ phải lấy khí máu cho tôi bằng cái kim tiêm rất dài và cong. Đau lắm, nhưng tôi không dám kêu một tiếng, để các bác sĩ làm cho nhanh, đỡ làm phiền các anh chị ấy”.

Những ngày đầu, tay cầm thìa cháo, cốc nước còn run lẩy bẩy nhưng anh vẫn cố gắng tự làm. Anh bảo “để tôi tự tập cho quen, các chị cứ chăm sóc các cô chú khác đi”.

“Mình thấy thương quá mà phải cố gắng, cả vì mình và vì họ”.

{keywords}
 
{keywords}
 

Sau khi tỉnh dậy từ cơn hôn mê, anh bị mất trí nhớ tạm thời. Anh bảo với bác sĩ Linh rằng vợ anh đã cầm hết ví, điện thoại về quê. Nhưng thực ra, anh vào viện khi cả nhà vẫn còn trong khu cách ly. Chị không hề được gặp anh lần nào. Đồ đạc của anh đã được các y tá gói ghém và đem cất giữ.

Đinh ninh rằng mình không có điện thoại, 2 ngày sau, anh mới dám mượn máy của cô y tá để gọi cho vợ qua Zalo.

Vừa nhìn thấy vợ, anh bật khóc vì tủi thân. Lúc này, anh không còn sợ hãi nữa mà thấy thương vợ con ở nhà.

Vợ chồng anh có 3 đứa con, đứa lớn nhất năm nay 12 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Nhờ các bác sĩ liên lạc thường xuyên mà vợ anh nắm được diễn biến tình trạng của chồng, nhưng chị giấu không cho bố mẹ biết.

Trong những ngày nguy kịch nhất, anh không biết rằng bác sĩ Phúc đã gửi cho vợ anh bức ảnh chụp lúc anh đang nằm bất tỉnh chạy ECMO như một lời thông báo để chị chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Vì thế, lần đầu tiên nhìn thấy chồng sau 20 ngày, chị cũng khóc nấc, không nói lên lời. Quá nhiều cảm xúc trào dâng trong cuộc gọi kéo dài 3 phút. Chị chỉ kịp nói một câu động viên chồng yên tâm điều trị để sớm được xuất viện, ở nhà bố mẹ và các con đều khoẻ. Anh cũng vội tắt máy vì không biết nói gì hơn với vợ, chỉ sợ càng nhìn càng khóc thêm.

Chục ngày sau, y tá tìm thấy túi đựng điện thoại của anh. Lúc này cảm xúc và sức khoẻ đã ổn định, anh gọi và nhắn tin về cho gia đình thường xuyên hơn.

Sau lần xét nghiệm âm tính thứ 2, anh được chuyển sang phòng riêng chỉ có một mình. Khoảng 1 tuần sau, khi nhận kết quả âm tính lần 4, anh được ra viện. Xe của bệnh viện chở anh về tận cổng nhà.

Nhìn thấy bố, thằng út chạy ào ra đòi bế. Anh phải chạy giật lùi để tránh con. Vợ anh chạy ra vừa ôm con vừa khóc.

Anh chật vật mãi mới leo lên được phòng riêng ở tầng 2 và tự cách ly mình với gia đình trong đó suốt 21 ngày. Đến bữa, vợ anh mang cơm canh lên đặt ngoài cửa phòng. Các con muốn nói chuyện với bố phải đứng dưới sân nhìn ngước lên cửa sổ tầng 2.

Vốn là một lái xe rất kỹ tính, trước khi mắc bệnh, anh luôn nhắc mọi người lên xe phải sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện. Anh không ngờ rằng một ngày chính mình lại mắc phải căn bệnh ấy.

Thế nhưng, nhìn lại cơn “đại nạn”, anh thấy mình vẫn còn rất nhiều may mắn. “May mắn là cả bố mẹ, vợ con đều bình an. May mắn nữa là tôi vẫn còn được sống”.

“Đó chính là cuộc đời thứ hai mà các y bác sĩ đã trao tặng cho tôi. Tôi không cầu mong gì hơn là Việt Nam sẽ mau vượt qua dịch bệnh để các y bác sĩ được an toàn trở về nhà với gia đình giống như tôi”.

{keywords}
 

Bài:  Nguyễn Thảo

Ảnh:  Nhân vật cung cấp

Thiết kế:  Phạm Luyện

Bên trong ‘cánh cửa cuối cùng’ của những F0 nguy kịch

Bên trong ‘cánh cửa cuối cùng’ của những F0 nguy kịch

Trong cơn mê man, hoảng loạn, một bệnh nhân đã lấy điện thoại nhắn tin cho con: "Mẹ chết rồi. Đến đón mẹ về đi".