Ngày 4/4, Michael Sơn Phạm, nhà sáng lập tổ chức Trẻ em không biên giới từ Mỹ về thăm Việt Nam. Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), việc đầu tiên ông làm là đi thăm nơi máy bay vận tải quân sự C-5 Galaxy của Mỹ chở hơn 300 người (trong đó có 229 trẻ em Babylift và 85 nhân viên y tế cùng tổ bay) vừa cất cánh đã rơi ở vùng ngoại ô Sài Gòn vào chiều ngày 4/4/1975.
Ngồi ở ghế sau chiếc taxi, ông tranh thủ chợp mắt sau chuyến bay dài nhưng tiếng khóc ré lên vì sợ của các em nhỏ, hình ảnh người cứu hộ mặt mũi, chân tay lấm lem tất tả thu dọn hiện trường, tìm kiếm các em bé còn sống cứ hiện ra trước mắt ông. ‘Chiến tranh đã đi qua bao năm, nhưng những hình ảnh đó, tôi không thể nào quên. Nó quá đau thương và mất mát’, ông Sơn nói như tự sự.
16h30 phút, chiếc taxi chở ông đến đường Vườn Lài, P.An Phú Đông, Q.12 - vị trí chiếc máy bay rơi năm xưa. Bước xuống xe, lòng ông trĩu nặng vì cảnh tượng khác lạ quá. Con đê, những thửa ruộng của 44 năm trước đã được phân lô bán nền. Những căn nhà cao tầng nối đuôi nhau mọc lên.
Ông Sơn vội đi tìm chiếc bàn thờ mà người dân địa phương đã lập cho các bé Babylift. Những năm trước, mỗi lần trở về, việc đầu tiên ông làm là đến đây thắp hương với hi vọng các bé sẽ thấy ấm áp hơn, dù ông biết, hài cốt của các em đã được chôn cất ở nơi khác.
‘Tôi chui qua hàng rào tìm kiếm, chỉ thu được mấy mảnh ván vụn. Lư hương không còn nữa’, giọng ông Sơn chùng xuống.
Lặng người một lúc, ông cùng mấy học trò và người dân địa phương dựng lại bàn thờ, mua trái cây, hoa và hương về thắp. ‘Nơi đây là kỷ niệm, là dấu tích, cũng là nơi các bé Babylift nằm xuống và được sinh ra lần nữa. Tôi muốn, dù đô thị hóa đang phát triển nhưng chiếc bàn thờ phải được giữ lại, để các bé còn sống có dịp về nước sẽ đến’, người đàn ông Mỹ gốc Việt nói.
Quay ngược thời gian trở về 44 năm trước. Khi đó, ông Sơn Phạm 20 tuổi. Sài Gòn những ngày đầu tháng Tư, nắng nóng, ồn ào…
Lúc đó, Mỹ đang gấp rút thực hiện chiến dịch Babylift (Chiến dịch Không vận đưa trẻ em Việt qua Mỹ và các nước châu Âu làm con nuôi), từ ngày 2-26/4. Trên 3.000 trẻ em, đa số là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và con của lính Mỹ được sơ tán khỏi Việt Nam. Khoảng 2.000 trẻ em được đưa đến Mỹ trong khi số khác đến Úc, Canada và châu Âu.
4 giờ 30 phút chiều ngày 4/4/1975, chuyến bay đầu tiên được khởi hành. Máy bay vừa cất cánh thì gặp sự cố. Anh phi công nhanh chóng đưa chuyến bay quay trở lại Tân Sơn Nhất nhưng không kịp nữa. Tiếng nổ lớn làm vị cơ trưởng phải hạ cánh ngay cánh đồng lúa đang đơm bông của quận 12.
‘Đang ở nhà, nghe tiếng nổ lớn, tôi nghĩ do pháo đạn. Mãi đến tối, mở đài phát thanh, nghe cô phát thanh viên thông báo, chiếc máy bay chở trẻ em bị rơi, người tôi lạnh toát. Sáng hôm sau, hình ảnh về chuyến bay ngập các trang báo’, ông Sơn hồi niệm về quá khứ.
Vụ va chạm làm 138 người, trong đó 76 trẻ em Việt Nam thiệt mạng. 176 người trong đó có 150 trẻ em mồ côi, may mắn sống sót. Toàn bộ giấy tờ, vật dụng đã bị ngọn lửa thiêu đốt, 150 bé còn sống được người ta tạo cho một tiểu sử mới, một cuộc đời mới.
Anh Landon Carnie và chị gái song sinh Lorie Carnie là hai trong số các em may mắn sống sót.
Ban đầu, người ta cho rằng, hai chị em anh đã thiệt mạng.Thế nhưng sáng hôm sau, người ta thấy hai đứa trẻ khoảng 17 tháng tuổi nằm bên nhau ngay cánh đồng vắng. Xung quanh họ là nhiều thi thể đã qua đời.
Một người đàn ông Mỹ biết tin máy bay rơi qua truyền hình đã lo lắng cho số phận các em nhỏ, xúc động trước hình ảnh nhìn thấy qua màn hình tivi, ông đã thuê máy bay thương mại của hãng Pan Am Airlines đến đón những đứa trẻ sống sót trong chuyến bay định mệnh ấy về Mỹ an toàn, trong đó có chị em Landon.
Hai chị em Landon được một cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi. Ba nuôi Landon làm nông nghiệp ở làng quê nước Mỹ. Mẹ nuôi anh làm việc trong cơ quan nhà nước.
Trước đó, có hai bé châu Á được ông bà nhận nuôi, vì thế, hai chị em Landon hòa nhập với cuộc sống mới nhanh. Thế nhưng, tuổi đi học với anh lại là một cực hình.
Chiều cao khiêm tốn, da ngăm, mũi tẹt, tóc đen, Landon thường bị nhóm bạn trong lớp trêu chọc. ‘Các bạn cứ chọc tôi là đứa trẻ đột biến rồi tránh xa. Có lúc, các bạn pha trò để chế giễu tôi. Khi không có giáo viên bên cạnh, tôi bị đánh, vứt cặp sách và sai vặt’, Landon nói với phóng viên.
Suốt những năm tiểu học, trung học, Landon luôn thấy lạc lõng, tự ti và xấu hổ dù được ba mẹ nuôi yêu thương, dỗ dành. Cậu chỉ thay đổi khi bước vào năm học cuối bậc trung học.
‘Ba nuôi nói với tôi: ‘Làm đàn ông phải mạnh mẽ, dám đương đầu với thử thách. Bước qua được mặc cảm con sẽ bản lĩnh’. Tôi bắt tay với ba, hứa sẽ không yếu mềm nữa’, người con trai Việt, có quốc tịch Mỹ nhớ lại.
Những ngày sau đó, anh tập trung vào việc học và chơi thể thao. ‘Chơi thể thao đã giúp tôi tự tin, mạnh mẽ hơn’ Landon nói.
Sau giờ học, cậu phụ ba làm rẫy, nhổ cây, trồng cỏ và thu hoạch sản phẩm. Ngày cuối tuần, cậu bé Landon mạnh dạn đi cùng cả nhà đến các trung tâm thương mại, khu vui chơi, cửa hàng ăn uống.
Năm 20 tuổi, cậu bắt đầu tò mò về nguồn gốc của mình. Được ba mẹ nuôi kể về tuổi thơ cũng như vụ tai nạn máy bay, Landon thấy cuộc đời mình may mắn.
‘Tôi chưa bao giờ được biết ngày sinh thật của mình. Với tôi, ngày 4/4/1975 là ngày sinh nhật, ngày sinh ra tôi lần nữa’, Landon khẳng định.
Anh nghiên cứu kỹ các tài liệu về Chiến dịch Không vận, về vụ máy bay rơi, thông tin các gia đình cho con, những đứa bé Babylift đang sống ở nước ngoài và bày tỏ khát khao được về thăm quê hương với ba mẹ.
Ban đầu, ba mẹ nuôi Landon không ủng hộ quyết định của con trai. Họ sợ Landon gặp rắc rối. Tuy nhiên, ông bà không thể thắng được cậu con trai đang nuôi khát khao tìm về nguồn cội.
Năm 1995, Landon cùng mẹ nuôi về Việt Nam. Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn sau bao năm xa cách, Landon thấy nơi đây thật gần gũi. Từng dòng xe qua lại giữa ngã tư đèn đỏ, thức ăn đường phố, các di tích lịch sử… nhanh chóng thu hút anh.
Trở lại Mỹ, anh mang theo những câu hỏi: Mình sinh ra lần đầu ở đâu? Ba mẹ đẻ là ai? Tại sao ông bà lại bỏ mình?…
Khi trò chuyện với một nữ phóng viên từng là một đứa trẻ Babylift ở Australia đang về Việt Nam tìm cha mẹ đẻ, Landon được cô cho biết về địa điểm xảy ra vụ thảm kịch máy bay năm xưa.
‘Nhất định phải về Việt Nam lần nữa. Nhất định phải đến thăm nơi tôi và chị gái được sinh ra lần hai. Nhất định thế’, chàng thanh niên tự sự.
Năm 2002, Landon đang là thầy giáo tại Mỹ nhưng anh quyết định bỏ ngang. Tạm chia tay ba mẹ nuôi, vợ chồng chị gái, các cháu, Landon mang hành lý về TP.HCM định cư và trở thành giảng viên tại một trường đại học danh tiếng trong thành phố.
Lần đầu tiên đến nơi chiếc máy bay rơi, chàng thanh niên trẻ như thấy mình đã từng sống ở đó. ‘Đứng ở đó, tôi thấy thật ấm áp’, Landon nói. Anh cho biết, từ đó đến nay, cứ đến ngày 4/4 anh lại đến thắp hương, nghe người ta kể lại câu chuyện của mình và thầm cảm ơn thần may mắn đã ban tặng sự sống cho mình và chị gái.
Hiện Landon sống ở Quảng Nam và làm kinh doanh tự do. ‘Sống ở Sài Gòn kẹt xe, tắc đường quá, tôi về thôn quê sống cho thoải mái’, Landon nói vui.
Với những thông tin ít ỏi từ ba mẹ nuôi như: Hai chị em sinh ở Bạc Liêu, được nuôi dưỡng trong một trại trẻ mồ côi tại Sóc Trăng. Vì nghèo, ba mẹ anh phải bỏ con. Landon quyết định lên đường đi tìm.
Hơn 17 năm qua, anh đến khắp nơi của hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng hỏi thông tin về ba mẹ nhưng không một người nào biết người sinh ra anh và chị gái là ai. Anh cũng đăng thông tin lên các chương trình tìm kiếm, nhờ bạn bè, cộng đồng mạng giúp đỡ nhưng câu hỏi 'Ba mẹ đẻ đang ở đâu? Tại sao lại bỏ mình?', Landon vẫn chưa có câu trả lời.
‘Có lẽ mẹ đang ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam này. Tôi sẽ tìm được mẹ. Tôi nhất định sẽ đưa chị gái, các cháu về thăm quê hương’, Landon khẳng định.
Bà Lưu Thị Long (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, Trảng Bom, Đồng Nai) năm nay bước qua tuổi 84. Hơn 40 năm qua, cứ nhắm mắt bà lại mơ thấy chị Lê Thị Tâm, sinh năm 1970, người con bà đã mang đi gửi tại một cô nhi viện ở Đà Nẵng khi mới 8 tháng tuổi. Mở mắt ra, không thấy con đâu bà chỉ biết ngồi khóc, gọi tên con trong vô vọng.
Những ngày cuối tháng Tư, ký ức xưa cứ ùa về trước mặt cụ bà quê gốc Quảng Nam.
Năm 1970, bà Long vừa cấn thai chị Tâm thì người chồng thứ nhất qua đời khi đang làm nhiệm vụ trong quân ngũ. Một mình sinh đẻ, nuôi hai con thơ, cuộc sống của người mẹ trẻ vất vả đủ đường.
Chị Tâm được 8 tháng tuổi, một người đàn ông trong làng góa vợ yêu thương bà Long nên bà chấp nhận.
Ngày bước chân về nhà chồng, bà Long chỉ mang theo hai con lớn còn chị Tâm thì gửi ở cô nhi viện Đà Nẵng.
‘Ở đó, con bé được nằm cũi, có nệm, gối ôm, chăn đắp, sữa uống, đồ ăn cả ngày. Ở với mẹ, tôi đi làm cả ngày, không ai chăm’, bà Long nói về lý do gửi con và đinh ninh, mỗi tháng sẽ mang quà bánh, quần áo và tiền đến thăm con.
Sống với người chồng thứ hai, bà Long sinh thêm 4 người con nữa. Con đông, công việc ở quê không có, vợ chồng bà đưa nhau vào Đồng Nai lập nghiệp.
Lúc đó, bé Tâm đang tuổi lên 3. Ngày đi, bà đến gặp con rồi đưa cho các sơ ít tiền, mua bánh kẹo, quần áo cho Tâm và xin cho Tâm ở thêm vài năm nữa.
Được gặp mẹ, Tâm đưa đôi tay nhỏ xíu ôm cổ mẹ, hai má áp vào vai mẹ như không muốn rời. Mẹ về, em khóc, nước mắt nước mũi hòa nhau, đòi đi cùng mẹ. ‘Tôi nói dối con bé, con ở đây mẹ đi mua kẹo, lát nữa mẹ quay lại. Nghe mẹ nói đi mua kẹo, con bé mới ngưng khóc và sà xuống chơi với bạn, đợi mẹ’, bà Long kể, giọng như lạc đi.
Ngày cùng chồng con bước lên chuyến xe khách tha phương, lòng bà Long nặng trĩu. ‘Cả cuộc đời này mẹ có lỗi với con. Tâm ơi! Nhất định mẹ sẽ làm việc chăm chỉ, kiếm nhiều tiền để bù đắp cho con’, khi đó, bà Long tự hứa.
Năm 1976, kinh tế khá hơn bà Long về đón bé Tâm vào đoàn tụ thì hay tin con đã dược chuyển qua Mỹ theo chiến dịch Không vận. Nghe tin, bà Long đứng trân trân, hai mắt nhìn vô định.
‘Sao người ta đưa nó đi mà không báo cho tôi một tiếng. Tôi chỉ gửi chứ đâu có làm giấy cho’, bà Long kể, nước mắt không ngừng rơi.
Suốt những năm tháng qua bà Long sống trong hối hận, dằn vặt, nhớ con khôn nguôi. ‘Tôi là một người mẹ tồi. Tôi là người mẹ sinh con ra mà để nó khổ’, bà tự trách mình.
Ngày sinh của con không nhớ, giấy khai sinh của con chưa làm, hình ảnh của bé Tâm không có, trong ký ức của bà Long, chị Tâm có đôi mắt đẹp, sống mũi cao, làn da trắng và giống mẹ nhất nhà.
Nhớ thương con, bà Long chỉ biết vùi mình vào làm việc lo cho 6 người con còn lại, một phần như để vơi đi nỗi nhớ bé Tâm. ‘Bây giờ mẹ lớn tuổi nên đỡ rồi. Thời còn trẻ, cứ rảnh là mẹ khóc, tự dằn vặt mình.
Nghe trên tivi, loa phát thanh có tin một đứa trẻ bị bỏ mẹ lại nghĩ đến chị Tâm rồi khóc, đày đọa mình bằng cách nhịn ăn’, chị Thuỷ, con gái út bà Long nói và cho biết, suốt những năm qua gia đình tìm chị Tâm bằng nhiều cách khác nhau mà chẳng được.
Năm 1999, nhận được tin báo có người phụ nữ tên Tâm về Đà Nẵng tìm mẹ. Các thông tin nói rằng người đó về tìm bà Long. Đinh ninh sẽ được gặp con gái sau bao năm xa cách, bà bắt xe ra ngay.
Đến nơi, người ta báo, do không xác minh được người cần tìm nên cô gái kia trở về Mỹ. ‘Nghe người ta nói, chị Tâm xinh đẹp, học giỏi và đang làm tiếp viên hàng không bên Mỹ, mẹ rất tin, đi đâu cũng khoe’, chị Thuỷ nói.
Cũng vì mong được tìm thấy con gái mà bà Long đã bốn lần bị lừa tiền. Có người đọc được thông tin tìm con của bà đã gọi đến nói chị Tâm đang sống ở chỗ này chỗ kia, kêu bà đưa tiền sẽ dẫn đi gặp. Tiền đưa xong, chờ mãi không thấy người ta gọi, bà biết mình bị lừa.
‘Vừa rồi cũng có người nói chị ấy đang ở bên Singapore, kêu chuyển tiền để dẫn đi nhưng gia đình tôi rút được kinh nghiệm rồi’, chị Thủy cho biết.
Giờ đây, tuổi bà Long đã cao, nghe không rõ, 6 người con của bà ai cũng thành đạt, có của ăn của để. Họ tích cực đi tìm chị Tâm cho mẹ thông qua bạn bè, người thân ở nước ngoài và các chương trình tìm kiếm nhưng đến nay vẫn là con số không’.
Trong ký ức của cụ bà năm nay bước qua tuổi 84, chị Tâm giờ mới chỉ 3 tuổi. ‘Tôi già rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu. Điều tôi mong nhất bây giờ là được gặp nó một lần, để nói: ‘Con ơi! Mẹ xin lỗi’. Người ta nói, nó giỏi làm, đẹp và đang làm tiếp viên hàng không’, hai mắt bà Long ướt nhòe, nói như tự sự.
Năm 2015, con cháu bà Lê Thị Loan, sinh năm 1937 (thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng, Quảng Ngãi) đọc được bài báo viết về hai chị em anh Landon. Họ đã đưa ngay cho mẹ xem.
Vừa nhìn thấy bức ảnh khi lớn và lúc nhỏ của chị em anh Landon, cụ bà khi đó 78 tuổi giật mình vì thấy giống hai người con bà đã ký giấy cho đi hơn 44 năm trước. Đưa tấm ảnh áp vào ngực, mắt bà ướt nhoè, tim như thắt lại. Từng ký ức xưa ùa về, hiện ra trước mắt người mẹ nghèo.
Năm 1974, bà sinh được cặp song sinh, một trai một gái. Con trai đặt tên Tâm, con gái đặt tên Tình. Căng thẳng khi vừa ngược xuôi kiếm cái ăn, vừa chăm đàn con thơ, người mẹ trẻ không đủ sữa cho con bú.
Đói sữa, cả Tâm và Tình ốm yếu, hay quấy khóc. Những người hàng xóm biết chuyện khuyên bà mang Tâm và Tình đến cô nhi viện gần nhà cho.
Chồng bà Loan tuyệt đối không nghe nhưng trằn trọc nhiều đêm liền, bà quyết định. ‘Hai con sẽ được ăn no, mặc ấm, cô nhi viện lại gần nhà, nhớ con thì vào thăm’, bà nghĩ.
Hôm người mẹ trẻ mang con đi cho, thời tiết Quảng Ngãi se se lạnh. Tranh thủ lúc chồng đi làm đồng, bà Loan cho hai con bú thật no, mặc ấm cho con rồi nhờ người hàng xóm đi cùng.
Rời vòng tay mẹ, hai đứa trẻ khóc không ngớt, mắt nhìn như cầu cứu, nhưng bà Loan vẫn ký giấy rồi quay đi.
Đoạn đường từ cô nhi viện về nhà, bà Loan nghĩ ra cách nói dối chồng, đã có người nhận nuôi cả Tâm và Tình. ‘Gia đình đó giàu có, các con sẽ có một tương lai tốt’, Loan nói với chồng.
Ông Nguyễn Văn Giỏ ban đầu tin lời vợ. Nhưng khi xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, ông thấy có gì đó không ổn.
‘Ông ngoại bắt bà ngoại phải đi đón cậu và dì về. Ông nói, dù có đói nghèo, vất vả nhưng cha mẹ sinh con ra phải có tránh nhiệm với con’, chị Nguyễn Thị Diễm Tuyết, cháu bà Loan thuật lại lời bà ngoại kể.
Cuối tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bà Loan cùng chồng đi đón hai con út về nhưng không còn kịp nữa. Cả Tâm và Tình đã được đưa đến Đà Nẵng theo chiến dịch Babylift.
Nghe các sơ trong cô nhi viện nói, bà Loan ngất lịm. Ông Giỏ đứng như pho tượng vô hồn. Trở về nhà, người mẹ ấy sống trong dằn vặt, đau khổ, nhớ con khôn nguôi.
Ba năm sau, ông Giỏ qua đời, một mình bà Loan nuôi đàn con thơ nên không thể tìm con. Bà đi xem bói, nghe thầy nói, cả Tâm và Tình vẫn còn sống, bà chỉ biết cầu mong, ở đâu đó hai con sẽ khỏe mạnh, được người ta yêu thương.
‘Ăn ngủ bà cũng nhắc tên cậu và dì. Hơn 70 tuổi bà vẫn mang vác nặng. Bà nói, chỉ có làm việc mới quên đi nỗi nhớ cậu và dì’, chị Tuyết rơi nước mắt kể về bà ngoại.
Lúc nhìn thấy tấm ảnh của chị em anh Landon, bà Loan đang bị bệnh nhưng bà vẫn khẳng định với con cháu, hai người trong ảnh là Tâm và Tình. ‘Ảnh chú Landon giống các cậu trong nhà. Còn cô Lorie thì giống mẹ tôi và các dì nhà ngoại. Giống từ làn da, nét mặt, mái tóc hói, dáng người thấp’, chị Tuyết nói.
Những ngày sức khỏe suy kiệt dần, bà Loan chỉ muốn gặp lại hai người con đã cho năm xưa. Chị Tuyết cùng gia đình liên hệ với người viết bài về chị em anh Landon để xin thông tin nhưng tiếc thay, cho đến tận bây giờ họ vẫn chưa thể gặp nhau.
‘Ước nguyện cuối cùng của ngoại tôi là được gặp cậu út và dì út mà không được. Lúc chuẩn bị ra đi, ngoại nhắn với con cháu bằng giọng yếu ớt, là làm sao tìm cho được dì út và cậu út.
Nghe lời ngoại, mấy năm qua, cả nhà tôi tích cực liên lạc nhưng dì và cậu vẫn như bóng chim tăm cá’, chị Tuyết nói và cho biết, do hình ảnh, ngày sinh của anh Tâm, chị Tình không có nên gia đình có liên hệ với các tổ chức tìm kiếm mà hồ sơ không được duyệt..
Từng tiếp nhận nhiều hồ sơ tìm kiếm gia đình của các bé Babylift, ông Sơn Phạm cho biết, hầu hết các trường hợp đều khó tìm vì mọi thứ đã thay đổi, thông tin về nhân thân rất ít. Giấy khai sinh, địa chỉ, tên nhân vật hầu hết mọi người đều không nhớ hoặc không biết.
Những ông bố bà mẹ cho con đi thì hoặc là đã mất, hoặc lớn tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn.
Với các bé và người thân trong chuyến bay xấu số, bị rơi sau khi cất cánh thì việc tìm người thân lại càng khó khăn, vì các giấy tờ, hình ảnh, vật làm kỷ niệm đều đã bị cháy hoặc thất lạc.
Ông kể, trước đây ông về Việt Nam tìm gia đình cho một bé Babylift. Người này có địa chỉ, họ tên, nơi ở của người thân nhưng khi đến nơi mọi thứ đã thay đổi.
‘Cha mẹ cậu ấy đã mất. Chỉ còn một người dì là thân nhân duy nhất, nhưng bà tuổi đã cao, không nhớ gì cả. Căn nhà cậu ấy ở trước đây giờ là một ngôi chùa’, ông Sơn nói.
Nhà sáng lập tổ chức Trẻ em không biên giới cho biết, hầu hết các trường hợp đều không tìm thấy nhau. Những trường hợp tìm thấy là do người đi tìm có hình ảnh, địa chỉ rõ về gia đình hay vẫn còn sống ở địa chỉ cũ.
Chính vì thế, những cuộc hội ngộ, những giây phút được sum vầy bên máu mủ tình thân vẫn chỉ là giấc mơ của mẹ và những đứa trẻ Babylift năm nào…
Phan Thân
Thiết kế: Phạm Luyện