‘Tôi quê Vĩnh Phúc, lớn lên trong hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn về kinh tế. Gia cảnh khó khăn, hết lớp 5, tôi nghỉ học ở nhà. Ngày ngày chứng kiến bạn bè vẫn cắp sách đến trường, lòng tôi tràn đầy sự tổn thương, muốn bỏ nhà đi kiếm tiền.
Suy nghĩ lóe lên trong đầu rồi nhanh chóng vụt tắt nhưng đôi chân tôi đã rảo bước ra đường cái bắt xe đi xuôi về Hà Nội. Năm đó, tôi hơn 10 tuổi’, anh kể.
Anh Sáng hồi tưởng lại…
Chuyến xe dừng ở bến xe Gia Lâm (Hà Nội). Cậu bé Sáng len lỏi giữa biển người, ngồi bệt xuống đất, cạnh quán phở hàng giờ đồng hồ, bụng réo ùng ục.
Hương thơm ngào ngạt từ nồi nước dùng phảng phất bay ra. Chủ quán thấy cậu bé gầy gò, thu lu một góc liền gọi lại. Biết cậu bé đói, bà làm tô phở nóng hổi, đặt trước mặt Sáng.
Cậu bé nghiến ngấu ăn. Khi bát phở cạn khô, cậu lí nhí xin bà chủ cho làm việc, coi như trả tiền ăn. Sau đó, Sáng bắt đầu chuỗi ngày ‘đi bụi’, kiếm cơm nhờ nghề rửa bát thuê, đêm chui vào góc bến xe ngủ vạ vật.
Lựa chọn con đường làm trẻ lang thang, dù mẹ tìm xuống tận nơi, đón con về nhưng vài hôm, Sáng lại bỏ đi vì chán ngán cảnh lạnh lẽo trong chính tổ ấm của mình.
Gần hai tháng lang bạt ở bến xe, Sáng gặp cậu bé cùng tuổi, tay ôm chồng báo lớn, mặc đồng phục, ngực đeo thẻ tên. Thấy hay hay, Sáng lân la dò hỏi, người bạn thật thà bật mí, đi bán báo cho ‘Tổ bán báo xa mẹ’.
Từ biệt bà chủ quán tốt bụng, Sáng gia nhập đội quân bán báo đang được vợ chồng ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh ở Ngô Văn Sở (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cưu mang.
Tuy nhiên, sau khi tham gia, anh Sáng thừa nhận việc bán báo không dễ dàng. Nhiều hôm anh chấp nhận bán báo rẻ, lấy tiền ăn cơm trưa. Trời mưa hay nắng cũng phải lăn xả ra tìm khách.
‘Báo ra hàng ngày, hôm nay không bán hết, mai đã thành báo cũ. Như vậy vừa buồn cho mình, vừa buồn cho hai bác. Một người bạn trong tổ bán báo của tôi sau này đã sáng tác bài thơ ‘Em bé bán báo’. Nội dung bài thơ như rút ruột, rút gan về kiếp sống của chúng tôi thời ấy’, anh chia sẻ.
Giọng trầm ngâm, anh Sáng cất tiếng: ‘Chiều dần tan/ Một cơn mưa bong bóng/ Dưới hàng hiên/ Em bé đứng run run/ Ôm xấp báo trên đôi tay lạnh buốt/ Tóc hoe vàng/ Ướt đẫm mưa rơi/ Cuộc đời em buồn qua trang báo/ Bữa chiều nay, no đói có ai hay…
Hoàng hôn lên, là lúc những đứa trẻ bán báo ‘tan ca’. Từ khắp các ngả đường, chúng túa ra, đi thành từng tốp như đàn chim non về tổ, bàn tán về doanh thu bán được.
‘Cuối ngày, tôi tổng hợp tiền gốc để trả bác Tiến. Số tiền khách boa và tiền lãi chưa tiêu, hai bác dặn dò, gửi chị kế toán giữ hộ. Khi nào cần, đến đó nhận lại. Đó cũng chính là cách hai bác giúp chúng tôi tiết kiệm tiền. Cũng nhờ số tiền tiết kiệm ấy mà tôi đã thay đổi cuộc đời’, người đàn ông sinh năm 1978 bộc bạch.
Với anh Sáng, quãng đời mưu sinh bên hè phố, chứng kiến nhiều bạn bị lạm dụng tình dục, nghiện hút là ký ức đầy hãi hùng.
'Tôi gặp không ít con nghiện chích choác nơi vườn hoa. Ban đầu, tôi cũng không biết nghiện ma túy, chích là gì nhưng thấy kim tiêm dính máu, đôi mắt họ vô hồn, gầy guộc, tôi có cảm giác sợ.
Cảnh tượng đó quen thuộc đến mức, tôi biết điểm nào là có kim tiêm họ vứt lại, mà tránh’, ‘cậu bé’ bán báo năm nào kể.
Thế nhưng, điều khiến anh Sáng bất ngờ là một ngày, anh lại nhận sự giúp đỡ từ những con người này.
‘Buổi trưa, tôi hay ra ghế đá công viên ngồi nghỉ. Một người đi qua, ngồi xuống. Anh hỏi tôi bán được bao nhiêu báo rồi? Có tiền ăn chưa? Rồi dúi vào tay tôi mấy nghìn, bảo mua cơm ăn.
Đi bán báo, không tránh khỏi gặp đối tượng trấn lột tiền, cướp báo, du côn. Biết tôi hay bán quanh khu vực vườn hoa, người đàn ông lạ mặt đứng ra can thiệp, không để ai bắt nạt tôi. Tôi cũng gặp vài người phụ nữ làm nghề mại dâm, tụ tập bắt khách vào thời khắc nhá nhem tối của một ngày. Nhiều hôm thấy tôi ôm xấp báo lớn, họ chạy ra giúi vào người qua lại, bán hộ.
Trong tư duy non nớt của tôi, thế giới ngầm đầy rẫy phức tạp nhưng vẫn còn ẩn hiện vài vệt sáng. Có thể phút giây nào đó, những con người bị cho là dưới đáy xã hội đã động lòng trắc ẩn. Sâu thẳm trong tâm hồn vẩn đục, phần lương thiện trong con người họ trỗi dậy, giúp đỡ đứa bé yếu thế, giữ cho tôi sự thánh thiện nguyên sơ’, giọng xúc động, anh Sáng nói.
Theo lời anh Sáng, vấn đề khác mà trẻ em lang thang hay gặp phải là bị xâm hại, lạm dụng tình dục. Trẻ em nữ dễ bị xúi giục bán dâm, trẻ nam trở thành đối tượng của các tay cò mồi, chăn dắt cho những người đồng tính. Quan hệ tình dục không an toàn khiến trẻ có nguy cơ lây nhiễm bệnh xã hội và HIV/AIDS.
‘Bắt gặp không ít cảnh bạn bè bán báo hoặc trẻ em bụi đời bị người đồng tính đụng chạm, sờ mó vào vùng kín, cơ thể… Tôi ngây ngô không hiểu sao họ lại thích làm như thế?
Tôi tâm sự với bác Tiến, bác dặn tôi: ‘Nếu con thấy người ta hành động như vậy con lập tức rời đi ngay'. Lần duy nhất bị người ta tiếp cận, nhớ lời bác, tôi ôm tập báo bỏ chạy thục mạng. Những lần sau, đến điểm nào tôi đều cảnh giác trước sau, quan sát cẩn thận mới bắt đầu bán báo'.
Có lẽ, sự tử tế bộc phát của những người phụ nữ bán dâm, anh thanh niên nghiện, đặc biệt, tấm lòng bao la của vợ chồng bác Tiến là thứ giúp tôi dần nhận ra những giá trị tốt đẹp của cuộc đời, tránh xa khỏi tệ nạn’, người đàn ông sinh năm 1978 nhớ lại.
Lên hồ Hoàn Kiếm hay ra sân bay bán báo dạo, anh Sáng thấy có mấy đứa trẻ khác trò chuyện với du khách nước ngoài bằng thứ ngôn ngữ lạ lẫm. Chúng bán hết sạch báo, lại có tiền đô giắt túi.
Tò mò, anh tìm hiểu thì được biết đó là tiếng Anh. Chỉ vài câu mà mấy người đó bán được hàng lại còn nhận thưởng hậu hĩnh. Thích thú, anh lúc nào cũng nghĩ về thứ ngôn ngữ đó.
Anh bắt chước, bập bẹ được vài câu tiếng Anh bồi. Lúc này, khát khao đi học bỗng bùng cháy dữ dội. Nỗi nhớ bảng đen, phấn trắng cồn cào trong anh.
Mỗi lần đi qua cổng trường, anh Sáng đứng thật lâu, nhìn học sinh vào lớp. Anh đánh liều vào gặp hiệu trưởng Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tự xin học và dùng tiền tiết kiệm đóng học phí.
Thầy cô giáo và ban giám hiệu mở lòng, đón nhận cậu bé bụi đời với thủ tục đơn giản. Sáng anh đi bán báo, trưa tranh thủ ăn rồi đến lớp. Có những ngày mệt quá, anh gục xuống bàn ngủ. Thầy cô giáo cảm thông, cho cậu học trò ngủ 15 phút mới vỗ vai gọi dậy.
Các bạn ở lớp nỗ lực 1, anh Sáng phải nỗ lực 10 mới theo kịp chương trình. Cứ thế, lịch trình của anh Sáng không có chỗ trống để chơi bời.
Trong khi một số bạn kiếm tiền rủng rỉnh, nướng sạch vào các quán điện tử, hút thuốc lá… anh dùng tiền kiếm được học thêm ngoại ngữ buổi tối.
Năm anh Sáng vào lớp 10 cũng là giai đoạn ông bà Tiến - Oanh cho dừng hoạt động Tổ bán báo xa mẹ, tập trung nuôi dạy trẻ ăn học.
Nghỉ bán báo, anh Sáng có nhiều thời gian học tập hơn. Năm 2002, anh đỗ Viện đại học Mở Hà Nội.
Nhờ khả năng ngoại ngữ tốt, năm đầu tiên học đại học, anh nhận được việc làm thêm ở công ty nước ngoài với mức lương 7 triệu đồng. Một mức lương cao, bao người mong ước lúc bấy giờ.
Ba tháng tằn tiện, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sáng tự thưởng cho bản thân chiếc xe máy Honda Thái, phục vụ việc di chuyển.
Sau này, anh Sáng được nhiều trung tâm, trường đại học mời về giảng dạy tiếng Anh trong các chương trình liên kết đào tạo. Ngoài ra, anh phụ trách mảng khách hàng cho một công ty du lịch.
‘Trải qua những ngã rẽ cuộc đời, may mắn gặp được người tốt, tôi mới trở thành người có ích, sống cuộc đời lương thiện.
Nếu không có sự đồng cảm, nâng đỡ của bác Oanh, sự mạnh mẽ và khả năng vun vén, năng động của bác Tiến, không có lòng bao dung của thầy cô giáo năm xưa, có lẽ tôi không có ngày hôm nay’, anh Sáng xúc động tâm sự.
Cuộc hôn nhân không tìm được tiếng nói chung của bố mẹ là vết sẹo lớn trong trái tim anh Sáng. Day dứt, sợ hãi, mãi đến năm 29 tuổi, người đàn ông này mới tìm được một nửa của mình.
Cô gái anh theo đuổi tên Lê Thanh Xuân (1980), con gái Hà Nội gốc, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội. Hai người quen nhau qua một người bạn vào năm 2007. Gần 4 năm sau, anh hạnh phúc đón nàng về dinh.
Hai vợ chồng sinh liên tiếp hai đứa con và chuyển về sống cùng gia đình nhà ngoại. Cũng giai đoạn này, anh hoàn thành luận văn thạc sĩ.
Sau đó, anh đưa vợ ra ngoài thuê trọ, lấy động lực mua nhà. Năm 2017, hai vợ chồng bán mảnh đất cũ ở Hà Đông, anh mua từ hồi tốt nghiệp đại học và tích cóp thêm số tiền mua căn hộ chung cư.
Giờ đây, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, anh trở về tổ ấm xinh xắn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - nơi có vòng tay yêu thương của vợ và tiếng cười con trẻ.
‘Lý do khiến tôi theo đuổi vợ là từ một câu nói của cô ấy. Năm đó, dự sinh nhật bạn cũng là lần đầu hai đứa gặp nhau. Tôi đi xe số, Xuân đi xe ga. 10 giờ tối, tôi ngỏ ý đưa Xuân về cho an toàn nhưng em từ chối.
Tôi không an tâm, vẫn phóng xe lẽo đẽo theo sau. Đi một lúc, Xuân phóng xe khá nhanh, cắt đuôi. Tôi tăng tốc bám theo.
Đến cổng nhà Xuân, em bất ngờ thấy tôi đã ở đằng sau. Không một câu cảm ơn, Xuân quay ra trách: ‘Anh đi như vậy rất nguy hiểm, anh phải có trách nhiệm với bản thân mình. Anh không chỉ có một mình mà còn những người bên cạnh’.
Nghe câu nói của cô bạn mới quen, tôi cảm nhận đó là người sống có trách nhiệm, tình cảm, biết nghĩ cho người khác. Mãi khi cưới, tôi mới tiết lộ cho Xuân biết quá khứ là trẻ bụi đời của mình. Vợ nghe xong, chỉ khóc vì xót xa cho số phận của tôi’, thầy giáo Sáng kể.
Ngày ăn hỏi, vợ chồng ông bà Tiến - Oanh cùng bố mẹ anh Sáng đại diện nhà trai mang trầu cau đến nhà chị Xuân.
Rời vòng tay của vợ chồng ông bà Tiến - Oanh đã lâu nhưng đến nay, anh Sáng và những đứa trẻ bán báo năm xưa vẫn tề tựu đông đủ mỗi năm 4 lần. Ngày 1/6 trở thành ngày truyền thống. Bởi họ đều xuất thân từ những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương.
Họ cùng kết nối, chia sẻ cách làm ăn, dạy dỗ con. Hơn hết là giữ gìn một hồi ức đẹp, truyền lại ngọn lửa nhân ái cho thế hệ kế cận.
Ngoài giờ đi làm, anh Sáng cũng tích cực tham gia các hoạt động dạy học miễn phí, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn học ngoại ngữ.
'Tôi và các anh em trong 'Tổ bán báo xa mẹ' mở các lớp học đàn, tiếng Anh, dạy vẽ miễn phí cho các em ở nhà bác Tiến. Bản thân tôi từng đứng lớp dạy ở đây nhưng từ ngày kết hôn, bận nhiều việc nên phải tạm hoãn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục quay lại dạy', thầy giáo Sáng chia sẻ.
Hành trình 30 năm thay đổi số phận cho trẻ bụi đời của nhà giáo 74 tuổi
'Những đứa trẻ đến với chúng tôi như một cái duyên. Dù không có chủ ý làm từ thiện vì cuộc sống lúc đó còn khó khăn, nhưng chúng tôi đã không nỡ để chúng rời đi...'.
Bài và ảnh: Diệu Bình
Thiết kế: Phạm Luyện