PGS.TS Phương Mai (ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam - Hà Lan/ chuyên ngành Giao tiếp liên văn hóa), đã chia sẻ với VietNamNet như vậy trong cuộc trò chuyện nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Phóng viên: Không sở hữu một vẻ ngoài giàu nữ tính, cũng không chịu làm một “nữ nhi thường tình” với những “thiên chức”: làm mẹ, làm vợ, làm bà nội trợ..., chị có thấy những lựa chọn (cùng những phát ngôn) của mình trước nay là “bướng bỉnh” và đậm chất “nữ quyền”?
Nguyễn Phương Mai: Tôi nghĩ vẻ ngoài nữ tính hay không chẳng liên quan gì đến việc một người cất lên tiếng nói về nữ quyền và bình đẳng giới.
Chúng ta cần bỏ thói quen coi vẻ ngoàì là một trong những tiêu chí để đánh giá phụ nữ. Đơn giản vì nó tạo thêm gánh nặng cho rất nhiều áp lực mà phụ nữ đang bị xã hội mong đợi.
Một người đàn ông chỉ cần giỏi, một người phụ nữ hiện đại phải vừa giỏi vừa đẹp. Tương tự, một người đàn ông chỉ cần lo việc nước, một người phụ nữ vừa phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Loại bỏ được những suy nghĩ này thì sẽ không còn những băn khoăn như trong câu hỏi bạn đưa ra. Mỗi con người là một thực thể độc bản, duy nhất, với những tổ hợp của những khát khao, đam mê và trách nhiệm.
Sẽ không còn những lựa chọn bị coi là “bướng bỉnh”, những cuộc sống bị coi là “nữ nhi thường tình”.
Làm bà nội trợ hay làm vợ làm mẹ, miễn là nếu chúng ta có toàn quyền lựa chọn, không bị thúc ép, không bị áp lực, và vui vẻ hạnh phúc với lựa chọn đó, thì chính là điều may mắn mà chúng ta cần trân trọng và tận hưởng.
“Cá tính” là từ mà người ta hay dùng để nói về chị, cũng là ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài của chị. Chị có đồng ý với câu nói: “Tính cách làm nên số phận”?
- Tính cách đúng là góp phần làm nên số phận.
Nhưng điều gì tạo nên tính cách? Chúng ta thường chặc lưỡi đổ tội cho Trời bằng câu “cha mẹ sinh con Trời sinh tính”. Điều này phần lớn là sai.
Tính cách được hình thành từ những thói quen. Thói quen nào cũng được bắt đầu từ một hành vi. Và tiếp sau đó là sự hấp dẫn của việc lặp đi lặp lại một hành vi tốt hoăc sự lười biếng hoặc sợ hãi khi không dám đối mặt với việc từ bỏ một hành vi xấu.
Chính vì vậy, điều tạo nên số phận, về bản chất, là ý chí cuả chính mỗi con người khi đứng trước những hành vi nhỏ nhặt nhất hàng ngày như đúng hẹn hay sai hẹn, nói một lời nhẹ nhàng hay cáu gắt, ở nhà với gia đình hay ra hàng bù khú cùng bạn bè...
Quay lại câu hỏi của bạn về cá nhân tôi.
Tôi không có số phận. Số phận không tồn tại.
Tôi tự viết nên cuộc đời mình cùng một chút ngẫu nhiên. May mắn cũng không tồn tại nốt!
May mắn là sự kết hợp của làm việc chăm chỉ và ngẫu nhiên.
Vì vậy, khi ai đó ghen tỵ với cuộc sống hiện có cuả tôi và cho rằng tôi may mắn, tôi thường trả lời rằng tôi đã làm việc cật lực để đánh đổi sợ may mắn đó.
Nếu bạn cần bằng chứng, tôi sẽ cho bạn xem chiếc ghế trong phòng làm việc cuả tôi ở nhà đã lõm xuống hình hai khoảng trũng chỉ trong vòng vài tháng.
Có định kiến rằng: Một trong những điểm yếu khá phổ biến ở lao động Việt nói chung và lao động nữ ở ta nói riêng, đấy là tính kỷ luật và khả năng làm việc nhóm. Sở hữu một vẻ ngoài “nổi loạn”, “thất thường” nhưng chị đồng thời cũng cho thấy một phong thái sống, phong thái làm việc “đâu ra đấy”, “nói được làm được”. Ranh giới giữa tự do và tính kỷ luật, trong quan niệm của chị?
- Tôi không đồng ý với định kiến đó.
Trong sự kiện Women’s Summit của tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới tại Việt Nam cách đây mấy hôm, một nhà đầu tư nước ngoài đã tâm sự rằng ông ngủ ngon hơn khi tiền cuả ông rót vào những công ty do phụ nữ lãnh đạo.
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá gốc mẫu hệ, người phụ nữ nơi đây quán xuyến kinh tế, chạy chợ nuôi gia đình từ hàng trăm đời nay.
Những năm trước 1975, phụ nữ vừa phải nuôi con, vừa phải đánh giặc, vừa phải quản lý đất nước.
Phụ nữ Việt Nam hiện nay có tỷ lệ CEO 25%, thuộc nhóm cao trên thế giới. Vì vậy, tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam không như trong định kiến nói trên. Họ chăm chỉ, kỷ luật, đoàn kết.
Trên thực tế, họ không có lựa chọn nào khác ngoaì việc phải trở nên chăm chỉ, kỷ luật và đoàn kết.
Họ sống trong một bối cảnh lịch sử và sức ép văn hoá cuả một xã hội bị Trung Quốc đồng hoá mà phải chuyển biến từ mẫu hệ sang một nền văn hoá phụ hệ “trọng nam khinh nữ”.
Đó là một kiểu văn hoá lợi dụng, tồn tại trên xương máu và nước mắt cuả đàn bà.
Khi cần, sắc thái văn hoá ấy đặt phụ nữ lên bàn thờ để họ coi hy sinh là một phần trách nhiệm cuả phận má hồng, coi họ là anh hùng để họ cầm súng đánh giặc, tôn vinh với đủ mỹ từ để họ đảm nhiệm gấp đôi khối lượng công việc cuả đàn ông, vừa kiếm tiên vừa chăm lo gia đình.
Sống trong một bối cảnh mà một người phụ nữ trở nên “ba đầu sáu tay” để đưa con đi học, đến công sở, về nhà cơm nước, dạy con học, lo hai bên nội ngoại, rồi lại lo thêm cho một ông chồng đôi khi rất vô cảm với gánh nặng cuả vợ, thì phụ nữ Việt Nam không mấy khi có cơ hội để sống thiếu kỷ luật và đoàn kết.
Họ cần phân khúc thời gian một cách thông minh, linh hoạt. Họ cần sự giúp đỡ sẻ chia cuả gia đình và bạn bè.
Mỗi lần về Việt Nam, tôi thường thầm cảm phục những bạn gái quanh mình.
Họ bận rộn nhưng không quên toả sáng. Họ luôn có những bàn tay bè bạn thân thương chìa ra khi khó khăn...
Mạnh mẽ đấu tranh cho “nữ quyền”, nhưng một mặt, chị cũng lại có một cái nhìn giàu cảm thông với nam giới, khi cho rằng họ phải chịu áp lực từ “sự quá tải về áp lực công việc và kiếm tiền, gánh nặng Nho giáo trong việc sinh con và làm chủ gia đình, sự thiếu hụt kiến thức và thời gian để gần con cái, áp lực rượu chè từ bạn bè, bạo hành gia đình mà không thể lên tiếng, tỷ lệ tự tử và trầm cao gấp nhiều lần phụ nữ...”. Tới giờ này, chị thấy làm đàn ông hay phụ nữ... sướng hơn?
- Tôi rất không đồng ý với từ “nữ quyền” được nhắc tới nãy giờ.
Từ chính xác là “bình đẳng cơ hội”.
Nam hay nữ, thành thị hay nông thôn, con bình dân hay con nhà quan chức, chúng ta đầu xứng đáng được trao vào tay những cơ hội ngang bằng, để khi thi đấu cùng một quãng đường thì khả năng là điều duy nhất có tính quyết định. Tuy nhiên, đây là điều khó đạt được một cách hoàn toàn.
Nếu ta có quyền lựa chọn, hẳn đó phải là sinh ra trong một gia đình giàu có, một xã hội văn minh, với một giới tính được hưởng thụ những ưu ái.
Vì ta không có quyền lựa chọn về việc mình được sinh ra, và cuộc sống là con đường một chiều không ai có thể quay đầu làm lại, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ta cố tưởng tượng ra giả thuyết nếu - thì để xem sinh ra là trai hay gái thì sướng hơn.
Làm con người, chúng ta có một khả năng diệu kỳ là có thể quyết định tương lai cuả chính mình.
Sướng khổ vì vậy không phụ thuộc nhiều vào giới tính bằng sự can đảm và trách nhiệm trong những lần tự quyết cuả mỗi phận người.
Trong buổi ra mắt cuốn sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” mới đây, chị đã đưa ra phản biện: “Tại sao hình tượng phụ nữ trong phim Việt sao mà chỉ toàn buồn khổ, nhẫn nhịn, chịu đựng. Sức mạnh vượt thoát của họ đâu rồi, cửa chính đóng lại, cửa sổ đâu rồi?”. Thử đặt mình vào vị trí của một đạo diễn, bộ phim cùng đề tài của chị liệu sẽ vẽ nên một bức chân dung người phụ nữ Việt thế nào, trong mong muốn của chị, và của ngày hôm nay?
- Điện ảnh, văn học, quảng cáo hay bất kỳ một hình thức truyền thông nào khác đều có hai tác dụng.
Một là phản ánh sự thực cuả cuộc sống, hai là kiến tạo cuộc sống. Vì vậy, một bộ phim không chỉ cho ta biết cuộc sống ngoài kia ra sao, mà còn góp phần chuyển đổi, hình thành cuộc sống đó theo một hướng đi mới.
Một bộ phim do tôi làm sẽ có cả hai.
Người phụ nữ trong phim của tôi sẽ là một nhân vật sẽ yêu hết mình nhưng không trở thành tù nhân của tình yêu, sống đam mê nhưng không thiếu lý trí, có trách nhiệm nhưng không biến mình thành nô lệ. Và trên hết, người phụ nữ ấy phải là một niềm cảm hứng cho sự đổi thay.
Điều gì mà một phụ nữ thường tình đều làm được, còn chị thì... không thể?
- Trước hết, định nghĩa thế nào là một người phụ nữ thường tình là một điều không thể.
Điều thường tình với người này là sự phi thường với người khác và ngược lại.
Một người phụ nữ có vẻ như thường tính trong con mắt bạn có thể đã vượt qua những thử thách ghê gớm mà không phải ai cũng dễ dàng đối mặt.
Tôi kiên định với nhận định từ trước cuả mình.
Mỗi cá nhân là một thực thể duy nhất với những khả năng biến hoá khôn lường tuỳ hoàn cảnh. Điều "không thể" hoàn toàn "có thể" xảy ra với bất kỳ ai, khi cờ đến tay và nước đến chân.
Cảm ơn những chia sẻ nhiệt thành của chị!
Thư Quỳnh (Thực hiện)
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Diễm Anh