{keywords}
{keywords}

Phần 1: Chuyện ly kỳ GS Hồ Ngọc Đại trả lại học trò 1 vali tiền

Clip: Toàn bộ phần 2 cuộc trò chuyện với GS Hồ Ngọc Đại: 

Nhà báo Hà Sơn: Nhiều người muốn biết một một ngày của vị giáo sư 83 tuổi sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

GS Hồ Ngọc Đại: Tôi sống đơn giản, có thời khoá biểu, quy củ lắm! Thường 4h30' hoặc 5h sáng tôi dậy, tập thể dục xong rồi tắm, ăn sáng, đến cơ quan làm việc, 12h về nhà, ăn trưa và ngủ. Tôi có cái hay nằm xuống là ngủ, đêm cũng như ngày. Buổi chiều tôi làm việc ở nhà những việc dang dở của buổi sáng. Chiều tôi thường dắt chó đi chơi, cũng là tập thể dục lần thứ hai.

Lúc bước chân vào phòng khách tôi thấy giáo sư trò chuyện với chú chó của mình như với một người bạn. Có chú chó bên cạnh, cuộc sống của ông thêm nhiều niềm vui?

- Nó (GS Đại chỉ tay vào chú chó đang nằm một góc phòng khách - PV) khôn lắm, đến giờ đi chơi là tỏ thái độ khiến tôi không thể không đi. Mọi người cứ trêu bảo: "Cả nhà này có mỗi con Rơm (tên con chó) mới bảo được ông Đại".

{keywords}

Tôi có một câu chuyện đặc biệt về một con chó từng nuôi. Đó là năm 1992-1993 khi sang Nga công tác, tôi đến chợ chó để xem. Một gia đình chở một ô tô có chó bố và đàn con, tôi vào xem bỗng một con nó nhảy phắt vào lòng ngồi. Tôi hỏi muốn mua con này người chủ lưỡng lự rồi đồng ý. Hóa ra anh ấy lưỡng lự vì cậu con trai quý nhất con chó ấy. Thằng nhỏ quý đến độ khi tôi đã mua con chó về thỉnh thoảng vẫn đến nơi tôi sinh sống ở Nga để thăm lại chú chó.

Đến khi tôi đưa chú chó này về Hà Nội, thủ tục vất vả lắm, bên Nga đã mệt rồi về Việt Nam không dễ dàng. Vì có bạn làm công an nên tôi gửi chú chó đi học mấy tháng nghiệp vụ và Chủ Nhật nào cũng lên thăm. Đến mục dạy cho nó dữ, tôi không cho học vì nghĩ nó chẳng cần đấu với ai, chỉ cần ngoan, biết nghe lời, rẽ trái - rẽ phải, thế thôi. Con chó đó sau này ăn phải bả chết nên được đem đi liệm rồi chôn ở một nghĩa địa chó. Hồi đó tôi thương và tiếc con chó ấy nên khi nó mất Chủ Nhật nào tôi cũng sang thăm.

Giáo sư có đọc báo và quan tâm đến mạng xã hội không?

- Tôi không đọc báo nhưng có xem tivi hàng ngày. Tuy nhiên những chuyện quan trọng trợ lý có nói lại với tôi. Buổi sáng khi tôi đến cơ quan việc đầu tiên của anh trợ lý đó là báo cáo lại tình hình.

Anh Bình con trai GS học luật ở Nga, sau này trở về nước cũng làm công việc liên quan đến giáo dục. Hiện tại GS đang ở cùng vợ chồng anh ấy vậy 2 bố con có hay trao đổi các vấn đề về giáo dục không và khi có những ý kiến bất đồng quan điểm sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?

- Bố con tôi cũng có trao đổi nhưng mỗi lần con không đồng ý tôi sẽ thôi. Bố con không tranh luận gay gắt bao giờ bởi tôi quan niệm từ khi cháu còn nhỏ đã tôn trọng con, nó thích chứ không phải mình thích.

Nhiều người biết ông là con rể của cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Tuy nhiên về người vợ của mình, ông rất ít khi chia sẻ?

- Vợ tôi khi qua đời, tôi bị hẫng. Tôi rất biết ơn bà vì con cái bà lo hết. Bản thân tôi bà cũng lo cho. Có những lúc tôi có tiền nhuận bút, tôi đưa, bà bảo: "Thôi anh cứ giữ lấy đi uống bia với bạn bè, bắt người ta trả mãi à?". Nói chung bà là người chân thành, thẳng thắn, không thích là không thích. Tôi thấy đó là đức tính tốt. Cũng do gia đình tôi ở chung với ông Lê Duẩn nên trong nhà luôn hoà hợp.

{keywords}

Ông có thể nói về mối duyên dẫn lối để gặp, yêu và lấy bác gái?

- Bố tôi nhiều tuổi hơn ông Lê Duẩn nhưng lại học cùng nhau nên 2 người thân tình lắm. Bố tôi ngày xưa trong tỉnh người ta gọi là "ông gàn". Ốm nặng lắm nhưng ông không cho con về thăm. Lúc ông ốm nặng quá, người nhà điện cho tôi nhắn về và nhớ nói là đi công tác ghé qua chứ đừng bảo vì ông ốm mà về.

Tôi về nhà thấy bố ốm muốn ở lại thì bị mắng: "Ngày xưa chăm sóc cha là có hiếu, ngày nay bỏ công việc chăm cha là không đúng vì mọi việc sẽ có Đảng, có Nhà nước lo, con không phải lo gì cả. Bây giờ ra ngoài Hà Nội, các chú có hỏi bảo không ai được vào thăm cha".

Tôi ra Hà Nội có đến nhà ông Lê Duẩn, ông thư ký gặp và bảo có nhắn gì nói lại vì ông Lê Duẩn đang họp. Thấy vậy tôi bảo: "Thôi tôi đi về". Ông Lê Duẩn biết cho người gọi tôi lại bảo chờ. Tôi chờ ông họp xong thì gặp, ông bảo vào ăn cơm và lần đầu tiên tôi ăn cơm với Bộ chính trị.

Ông Lê Duẩn nói: "Bố con cả đời chung thuỷ, tận tụy với cách mạng nên giờ con cứ đến đây với chú". Ý ông muốn cho tôi một căn phòng khi nào về Hà Nội cứ đến đây ở. Ông Lê Duẩn thật tình, thân tình nên tôi ở đây và bắt đầu gặp và quen con gái ông, đến mấy năm sau tôi mới cưới cô ấy.

{keywords}

 

Có khi nào Giáo sư được bố vợ cảm mến trước khi vợ mình phải lòng?

 - Cũng có thể! Nhưng lúc đầu ông Lê Duẩn đối xử với tôi như ông chú với đứa cháu, thay bố quan tâm thôi. Trong đời tôi có 3 cái may lớn: May thứ 1 đó là được học, nghiên cứu ở trường Lômônôxốp. Thứ hai làm việc ở Hà Nội, hưởng được văn hoá, trí tuệ Hà Nội và thứ 3 sống mấy chục năm với ông Lê Duẩn. Ông là một nhà chính trị rất thật, rất thông cảm.

Ông nói với tôi những chuyện rất thân tình. Căn phòng làm việc của tôi rất nóng, phòng ông Lê Duẩn duy nhất có máy lạnh. Thấy vậy nên khi nào đi làm ông gọi bảo: "Đại sang phòng ba mà làm việc". Dù trên bàn toàn tài liệu tuyệt mật nhưng ông vẫn để tôi sang, ông tin con đến như thế. Đối với tôi ông Lê Duẩn vừa là người cha, người thầy, người bạn vì nói chuyện rất thân tình.

Đã khi nào ông làm phật ý cố Tổng bí thư Lê Duẩn?

 - Thật ra tôi và ông Lê Duẩn chưa bao giờ xảy ra chuyện gì. Có hôm tôi có chuyện không vui, bực bội, ông Lê Duẩn bảo: "Đại nằm xuống, ba xoa đầu cho". Lúc sau thấy tôi đỡ, ông bảo: "Ba có viên thuốc này hay lắm, uống đỡ nhức đầu, Đại có uống ba lấy cho uống". Ông xuống dưới nhà lấy thuốc, uống xong tôi ngủ một giấc đẫy, sáng hôm sau vợ tôi mới bảo đó là thuốc ngủ.

Thường thường trong nhà 2 cha con hay ăn cùng nhau nên có chuyện gì ông cũng kể tôi nghe. Theo tiêu chuẩn mỗi bữa ông Lê Duẩn được một chai bia, bao giờ ông cũng rót nửa chai uống còn để lại cho tôi nửa chai. Hai cha con ăn cùng nói đủ chuyện, thân tình lắm. Thời kỳ ông Lê Duẩn ốm, tôi ở bên suốt mấy tháng trời. Đến hôm ông rất mệt gọi tôi bảo: "Đại vào ngủ với ba". Hồi đấy tôi còn trẻ, trong phòng lại có một cô y tá trực nên hơi ngại, tôi về phòng mình ngủ. Hôm sau nghĩ lại tôi cứ áy náy mãi.

Giáo sư từng chia sẻ rất tôn trọng và thoải mái ý kiến của con trai vậy còn với các cháu thì sao?

- Tôi cũng thế thôi, không áp đặt gì cả. Tôi không trực tiếp dạy các cháu học, cả con trai cũng vậy. Vợ tôi từng nói: "Anh có một thằng con mà không giúp nó học". Tôi mới nói: "Tôi có hàng triệu đứa chứ không phải một đứa của bà". Ý tôi là phải lo cho nhiều đứa trẻ khác. Sau bà ấy cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó, tôi cũng áy náy. Với con trai tôi chỉ nói một câu: "Ba chỉ mong con là người lương thiện".

{keywords}

Giáo sư chỉ có một người con duy nhất, có bao giờ ông tiếc giá như mình có đông con gia đình sẽ vui hơn?

- Thời của tôi hoàn cảnh vậy nên có đứa con là mừng rồi. Ngày xưa khi con còn nhỏ, tôi chỉ ước làm sao mình có nguyên một ngày để chơi với con, chỉ mong thế thôi. Nhưng thật sự tôi không bao giờ có được một ngày chơi với con vì phải làm việc của mình.

Giáo sư đã có lần tự nhận mình là "kẻ gây bất hoà" còn một số người nói giáo sư "thẳng thắn, cực đoan và ngang tàng". Bây giờ nếu để tự nhận xét về mình, ông sẽ nói gì?

- Cả đời tôi luôn thật, chỉ một lần nói dối duy nhất bị phát hiện và kể từ đó trở đi không bao giờ nói dối nữa. Thủa còn bé, nhà tôi giàu nên nhiều người ở, sáng mẹ tôi có cử chỉ cho người ở tiền. Mẹ tôi nói: "Đối với mình số tiền ấy không lớn nhưng người ta vui".

Một hôm bà phát tiền xâu nên bị rơi xuống đất, bà nhờ tôi chui xuống bàn, gầm giường nhặt. Tôi nhặt đưa bà hỏi lại: "Con nhặt cho mợ hết chưa?'', tôi bảo: "Hết rồi". Bà bảo vậy cho đi chơi. Tôi chạy nhưng túi kêu leng keng thấy vậy bà gọi lại hỏi và phát hiện tôi giữ lại 2 đồng để chơi đánh đáo. Lúc đó bà nói với tôi: "Con là con ông chủ, tiền này là tiền cho người ở, con không có tư cách để lấy những đồng tiền đấy. Nếu lần sau cần con nói với mợ".

Từ đó trở đi tôi không bao giờ nói dối. Có lẽ từ bài học của bà nên cả đời tôi sau này luôn nói thật. Vì tôi nói thật nên mọi người nghĩ tôi ngang, nhưng thực sự những lời nói thật của tôi không có ác ý gì. Mình không nói thì thôi nhưng đã nói phải thật.

{keywords}

Nhưng cuộc sống này nếu cứ thẳng thắn quá sẽ thiệt thòi, thưa ông?

- Thực ra cũng có khi người ta khó chịu mình đấy. Tuy nhiên cuộc đời có cái lệ của nó, sống thẳng thanh thản hơn. Xấu ra xấu, tốt ra tốt, không phải lấn cấn gì, việc gì xong là xong. Có những cái tôi nói cũng thấy hơi áy náy nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy thôi cũng xong. Nhiều lúc tôi nóng cũng áy náy nhưng mọi quan hệ tôi vẫn giữ được. Những người làm cùng tôi lâu năm họ thông cảm được.

- Cảm ơn GS Hồ Ngọc Đại về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Huy Phúc - Xuân Quý - Đức Yên
Ảnh: Bin Leo 
Thiết kế: Hằng Trần