Ông Abe sinh năm 1954 tại Tokyo, trong một gia đình giàu truyền thống về chính trị. Cả ông ngoại và ông cậu của ông đều từng giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản, trong khi cha ông là cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
Dù tốt nghiệp chuyên ngành khoa học chính trị ở Đại học Seiki và Đại học Nam California, nhưng ông Abe ban đầu làm công việc kinh doanh và đầu quân cho tập đoàn thép Kobe năm 1979. Ba năm sau, ông Abe trở thành trợ lý cho cha và cũng là Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó Abe Shintaro.
Năm 1993, ông Abe lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện. Ông tái đắc cử vào cơ quan lập pháp này 7 lần và giữ nhiều vị trí trong nội các. Năm 2003, ông được bầu làm Tổng thư ký LDP và 3 năm sau trở thành Chủ tịch đảng.
Ngày 26/9/2006 ghi dấu ông Abe trở thành Thủ tướng thứ 90 của nước Nhật. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này của ông Abe bị phá hỏng vì các vụ từ chức của hàng loạt bộ trưởng nội các và bê bối mất dữ liệu lương hưu. Ông xin rút khỏi chiếc ghế quyền lực chỉ sau một năm tại nhiệm với lý do sức khỏe.
Sau nhiều năm nỗ lực, ông Abe quay trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, với cam kết sẽ vực dậy nền kinh tế đất nước đang trì trệ. Sau gần 8 năm tại vị, hôm 28/8 vừa qua, ông Abe bất ngờ tuyên bố sẽ từ nhiệm.
Quyết định đột ngột của ông Abe khiến những người ủng hộ ông sửng sốt và tiếc nuối.
Dù còn nhiều tranh cãi nhưng giới quan sát nhất trí rằng, ông Abe đã để lại những dấu ấn đậm nét trên cương vị lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản.
Về đối nội, ông Abe đã góp phần giúp liên minh cầm quyền giữa LDP với đảng Công minh thâu tóm quyền kiểm soát lưỡng viện cũng như giành thắng lợi trong 6 cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp.
Nước Nhật dưới thời ông Abe nhìn chung ổn định, đoàn kết và trật tự. Một trong những đóng góp được nhắc tới nhiều nhất của ông là chính sách kinh tế mới toàn diện, thường được biết đến với tên gọi Abenomics. Theo báo New York Times, Abenomics được xem là phương thuốc đặc trị giúp chấn hưng kinh tế Nhật Bản.
Đến hết năm 2017, nền kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất trong 26 năm. Xuất khẩu tăng, nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận kỷ lục. Chỉ số chứng khoán Nikkei tăng mạnh trong giai đoạn 2013 - đầu 2018.
Ông Abe cũng tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản, khi tháng 7/2014 thúc đẩy việc thông qua cách tái diễn giải hiến pháp, cho phép nước này điều lực lượng hỗ trợ các đồng minh đang bị tấn công vũ trang như một cách phòng vệ tập thể.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe còn khởi xướng chính sách Womenomics để biến nước Nhật thành "nơi phụ nữ có thể tỏa sáng". Sáng kiến này không chỉ nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh dân số già hóa mà còn góp phần xử lý vấn đề bất bình đẳng giới ở đất nước Mặt trời mọc.
Về đối ngoại, ông đã khôi phục và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, vốn bị rạn nứt dưới thời đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền (2007 - 2012). Ông duy trì được mối quan hệ cá nhân gần gũi, tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Với chính sách ngoại giao hiệu quả, chính quyền ông Abe đã tạo dựng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Ông đưa quan hệ song phương bước sang kỷ nguyên mới hơn, khi đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018, đánh dấu chuyến công du đại lục đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản trong vòng 7 năm.
Dưới tài chèo lái của ông, Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, xây dựng hình ảnh về một đất nước ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hội nhập kinh tế toàn cầu. Chính phủ của ông đã góp phần cho ra đời Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…
Theo khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak năm 2020, dư luận quốc tế đánh giá Nhật Bản là "quốc gia đáng tin cậy nhất" trong khu vực. Điều này được tin là nhờ sự đóng góp rất lớn của ông Abe trên cương vị lãnh đạo đất nước.
Những thành tích nổi bật trên đã giúp ông Abe nhận được sự tín nhiệm của đông đảo cử tri và đảng LDP, nhưng không phải mọi chương trình hành động của ông đều đạt kết quả như ý hay mọi mong muốn của ông đều trở thành hiện thực.
Về đối nội, đà tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bắt đầu chững lại từ giữa 2018. Đến tháng 10 cùng năm, thời kỳ tăng trưởng liên tục dài thứ 2 sau Thế chiến thứ hai chấm dứt. Trong khi đó, sáng kiến Womenomics của ông Abe bị đánh giá là chưa tạo đủ động lực để giải quyết cơ bản tình trạng bất bình đẳng giới. Theo Goldman Sachs, tình trạng khan hiếm lãnh đạo nữ, chênh lệch lương theo giới... vẫn còn tồn tại.
Chưa hết, dù thâu tóm quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng liên minh cầm quyền của ông Abe không có đủ 2/3 số ghế cần thiết tại Hạ viện để thúc đẩy quốc hội thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp vào tháng 7/2019.
Trong khi đó, từ đầu năm nay, mức tín nhiệm của cử tri đối với chính quyền ông Abe liên tục giảm. Khảo sát do tờ Yomiuri thực hiện tuần đầu tháng 8 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ giảm còn 37%, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 54%, cao nhất từ 12/2012. Đáng chú ý, có tới 78% số người được hỏi nghĩ rằng Thủ tướng Abe chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống Covid-19, trong khi 66% nói không tán đồng cách chính phủ ứng phó dịch bệnh.
Một số bộ trưởng trong nội các cũng dính bê bối, đáng chú ý nhất là nghi án mua phiếu bầu vào Thượng viện hồi năm ngoái của vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai và vụ Hạ nghị sĩ Tsukasa Akimoto thuộc đảng cầm quyền bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ của doanh nghiệp Trung Quốc.
Về đối ngoại, việc Thủ tướng Abe tháng 12/2013 đi thăm đền thờ Yasukuni, nơi thờ 2,5 triệu người thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh của Nhật Bản, kể cả những binh sĩ và tướng lĩnh gây tội ác chiến tranh, đã vấp phải sự lên án dữ dội từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Vấn đề phát sinh từ phán quyết tháng 10/2018 của tòa án tối cao Hàn Quốc, vốn buộc các công ty Nhật phải bồi thường cho lao động thời chiến của Hàn Quốc, đã đẩy quan hệ Nhật-Hàn xuống thấp nhất kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1965. Quan hệ Nhật-Trung bị kéo căng hơn do Tokyo công khai phản đối Bắc Kinh về một loạt vấn đề như Biển Đông, Biển Hoa Đông…
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ cuối năm ngoái đã đòi Tokyo phải tăng đóng góp thường niên để chi trả cho việc triển khai quân đồn trú Mỹ tại Nhật. Theo Bloomberg, lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí còn cân nhắc rút Mỹ khỏi hiệp ước quốc phòng kéo dài 6 thập niên với Nhật. Hai nước dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán về “Thỏa thuận Biện pháp đặc biệt” mới liên quan đến quân đội đồn trú Mỹ vào cuối năm nay, khi thỏa thuận hiện tại dự kiến hết hạn vào 2021.
Quan hệ Nhật-Nga dưới thời ông Abe cũng lâm vào tình cảnh "cơm không lành, canh chẳng ngọt", vì hai bên không thể tìm được tiếng nói chung về các đảo tranh chấp ở biển Okshotsk mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương bắc, còn Moscow gọi là Nam Kuril.
Theo giới phân tích, bất kể ai được chọn làm người kế nhiệm thì cũng phải thừa kế di sản do ông Abe để lại, gồm cả những thành công, thất bại và các việc còn dang dở.
Nhà lãnh đạo mới cần có uy tín và tài năng để thống nhất nội bộ đảng, tập hợp sự ủng hộ của cử tri, hồi phục nền kinh tế, tiếp tục phát huy những thành quả đối nội của người tiền nhiệm, cũng như có đủ bản lĩnh để xử lý các tồn tại trong quan hệ với các nước láng giềng và quốc tế.
Tuấn Anh - Thiết kế: Thu Hằng
Bài viết có sử dụng hình ảnh của hãng tin AP, Reuters, Kyodo cùng các báo New York Times, Guardian và Business Insider.